Hướng dẫn áp dụng hình phạt tiền [Mới nhất 2023]

Hình phạt tiền là một hình phạt trong hệ thống hình phạt mà BLHS buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để hiểu rõ hình phạt tiền được áp dụng thế nào thì hãy cùng LVN Group phân tích và làm rõ qua nội dung trình bày này !.

Hướng dẫn áp dụng hình phạt tiền

1. Phạt tiền là hình phạt được áp dụng trong trường hợp nào?

Căn cứ theo điều 35 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau :

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;

b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.

4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.

Hệ thống hình phạt nước ta được quy định thành hai nhóm gồm: nhóm hình phạt chính và nhóm hình phạt bổ sung. Trong đó, hình phạt tiền là một trong hình phạt đặc biệt trong hệ thống các hình phạt của nước ta được quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự (BLHS). Việc phạt tiền là một trong những hình phạt mang tính chất kinh tế, Tòa án tuyên phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội để sung quỹ Nhà nước. Hình phạt tiền vừa được quy định là hình phạt chính, vừa được quy định là hình phạt bổ sung áp dụng kèm với các hình phạt khác khi không được áp dụng là hình phạt chính. BLHS có 175 điều luật quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, hình phạt bổ sung…

Hiện nay, không có văn bản hướng dẫn về việc áp dụng hình phạt tiền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Việc áp dụng hình phạt tiền trên thực tiễn còn mang tính tùy nghi, tùy thuộc vào những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên) mà không có hướng dẫn pháp luật cụ thể về các căn cứ để lượng hình phù hợp, đảm bảo tính công bằng trong xét xử.

2.Về điều kiện áp dụng hình phạt tiền

Thứ nhất, về loại tội phạm có thể được áp dụng hình phạt tiền

Khi áp dụng là hình phạt chính: hình phạt tiền chỉ được áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng thuộc các nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội khác do BLHS quy định. Do đó, khi xét xử Tòa án có thể quyết định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tất cả các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng mà trong điều luật có quy định hình phạt chính là hình phạt tiền; đồng thời có thể áp dụng đối với một số nhóm tội rất nghiêm trọng thuộc nhóm danh về kinh tế, môi trường, trật tự an toàn công cộng… Tòa án không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (nhóm tội có mức án trên 15 năm tù, chung thân hoặc tử hình).

Khi áp dụng là hình phạt bổ sung: hình phạt tiền chỉ được áp dụng đối với nhóm tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do BLHS quy định.

Theo quy định của BLHS (Điều 32) thì chủ thể thực hiện hành vi phạm tội chỉ bị áp dụng một loại hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số loại hình phạt bổ sung. Vì vậy, khi hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính thì không áp dụng là hình phạt bổ sung, còn khi hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung thì có thể áp dụng kèm với hình phạt chính và các hình phạt bổ sung khác như quản chế; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; trục xuất; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản…

Thứ hai, về khả năng tài chính và điều kiện kinh tế của chủ thể thực hiện tội phạm.

Đối với cá nhân thực hiện tội phạm: khả năng tài chính của cá nhân chính là các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội, các giấy tờ chứng minh quyền tài sản của họ mà chứng minh được với các đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng về khả năng thi hành án được nếu bị áp dụng hình phạt tiền. Việc chứng minh khả năng tài chính của cá nhân thực hiện hành vi phạm tội phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, khách quan trong quá trình thực hiện chính sách quản lý tài sản của công dân của Nhà nước ta. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn vấn đề này ở phần trình tự thủ tục chứng minh điều kiện áp dụng hình phạt tiền ở dưới đây.

Đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm thì việc chứng minh khả năng tài chính dễ dàng hơn nhiều so với chủ thể thực hiện tội phạm là cá nhân. Thông qua toàn bộ hóa đơn chứng từ đầu vào đầu ra, sổ sách kế toán, tài sản của doanh nghiệp, dư nợ chưa thu hồi được… các đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ chứng mình được điều kiện áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Một trong những yếu tố các đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải lưu tâm trong quá trình áp dụng hình phạt tiền đó chính là “yếu tố biến động giá cả thị trường”, đây có thể nói là một căn cứ linh hoạt để những người tiến hành tố tụng có thể vận dụng linh hoạt, hợp tình, hợp lý đối với việc ấn định mức hình phạt tiền cụ thể đối với những người phạm tội.

3. Về đối tượng bị áp dụng hình phạt tiền

BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định bên cạnh chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự truyền thống là cá nhân thì hiện nay nhà nước ta quy định thêm chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đó là pháp nhân thương mại. Theo đó, hình phạt tiền cũng được BLHS quy định áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là pháp nhân thương mại với cả hai tư cách là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo quy định tại điều 76 BLHS thì hình phạt tiền có thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại khi pháp nhân thương mại phạm các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 (gồm 33 tội danh thuộc các nhóm tội trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh kế, môi trường; nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng).

Vì vậy, đối tượng bị áp dụng hình phạt tiền chính là các chủ thể của tội phạm hình sự gồm cá nhân và pháp nhân thương mại.

Đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân dưới 18 tuổi, thì việc áp dụng hình phạt tiền cũng bị hạn chế và có những điều kiện nhất định. Người dưới 18 tuổi không bị áp dụng hình phạt bổ sung (Điều 91), người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 có thể bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính nếu người phạm tội có thu nhập hoặc tài sản riêng (Điều 99). Khi áp dụng hình phạt tiền thì mức hình phạt người phạm tội có thể bị áp dụng thấp hơn ½ mức hình phạt tiền áp dụng đối với người thành niên. Vì vậy, hình phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính với người dưới 18 tuổi, không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi.

4. Về mức hình phạt tiền áp dụng với các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các chủ thể đã thực hiện, khả năng tài chính và biến động giá cả thị trường thì Tòa án có thể tùy nghi ấn định mức hình phạt tiền trong phạm vi mức phạt tiền mà điều luật cụ thể quy định đối với các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội nhưng không được thấp hơn 01 triệu đồng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân (Điều 35), không thấp hơn 50 triệu đồng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là pháp nhân thương mại (Điều 77). Chúng tôi thống kê các điều luật được quy định trong BLHS thì mức hình phạt tiền thấp nhấp mà chủ thể thực hiện tội phạm phải chấp hành đối với cá nhân là 01 triệu đồng, đối với pháp nhân thương mại là 50 triệu đồng. Hình phạt tiền cao nhất có thể áp dụng với cá nhân là 05 tỷ đồng (hình phạt chính), 500 triệu đồng (hình phạt bổ sung); mức hình phạt tiền cao nhất có thể áp dụng với pháp nhân thương mại là 20 tỷ đồng (hình phạt chính), 05 tỷ đồng (hình phạt bổ sung).

5. Về trình tự thủ tục thu thập chứng cứ chứng minh điều kiện áp dụng hình phạt tiền

BLHS quy định khi quyết định hình phạt áp dụng hình phạt là hình phạt tiền thì Tòa án phải căn cứ vào điều kiện, khả năng tài chính của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Các đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, làm rõ các vấn đề liên quan trong vụ án hình sự (Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự). Theo đó, các vấn đề về điều kiện áp dụng hình phạt tiền cũng cần được các đơn vị tiến hành tố tụng điều tra làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Ngay từ giai đoạn điều tra việc chứng minh các điều kiện, khả năng tài chính của người phạm tội đã được Điều tra viên quan tâm thu thập chứng cứ bằng cách hỏi người phạm tội, người thân thích của họ để xác định họ có tài sản riêng không; xác minh chính quyền địa phương về nghề nghiệp, nguồn thu nhập hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, việc chứng minh khả năng tài chính của người phạm tội thường gặp nhiều khó khăn và chỉ mang tính chất tương đối. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: từ phía người phạm tội họ luôn có tâm lý né tránh việc mình có tài sản để tránh việc phải thi hành án, chỉ khi nào họ biết chắc chắn mình có khả năng được áp dụng hình phạt nhẹ (hình phạt tiền) thì họ mới khai báo với các đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng việc mình có tài sản, có khả năng thi hành án thì lúc đó những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xem xét áp dụng hình phạt tiền đối với họ. Bên cạnh đó, việc quản lý tài sản của công dân ở nước ta còn mang tính thủ công, không có hệ thống quản lý toàn bộ nguồn thu nhập hợp pháp của công dân, vẫn còn tình trạng “tiền trong dân”, việc giao dịch qua hệ thống ngân hàng còn chưa được phổ biến nên nhà nước khó có thể kiểm soát được nguồn tài sản, các biến động về tài sản của công dân. Do đó, việc xem xét căn cứ chắc chắn để đảm bảo người thực hiện hành vi phạm tội có đủ khả năng tài chính để đảm bảo thi hành án đối với hình phạt tiền được chủ yếu dựa trên lời khai của người phạm tội hoặc một số giấy tờ chứng minh khả năng tài chính của họ. Thực tế khi điều tra, chứng minh về khả năng tài chính của người phạm tội chủ yếu các đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng dựa trên các nguồn như: lời khai của chính người phạm tội, các giấy tờ chứng minh được tài sản hợp pháp của họ, lời khai của những người thân thích trong gia đình họ, xác minh tại chính quyền địa phương, nơi công tác để làm rõ nghề nghiệp và nguồn thu nhập hợp pháp từ họ… Những căn cứ này chỉ mang tính chất tương đối.

Khi xác định các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội có tài sản riêng, có đủ điều kiện để đảm bảo thi hành án đối với hình phạt tiền thì ngay từ giai đoạn điều tra các đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã tiến hành kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản… để đảm bảo thi hành án. Đây là một trong những biện pháp cưỡng chế tố tụng để đảm bảo người phạm tội không tẩu tán tài sản và cũng là điều kiện để xem xét áp dụng hình phạt, mức phạt tiền cụ thể đối với cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội trong những trường hợp nhất định.

Việc Tòa án ấn định mức tiền cụ thể trong từng trường hợp phạm tội cụ thể hoàn toàn tùy thuộc vào sự tùy nghi của Hội đồng xét xử quyết định mà không có căn cứ pháp lý quy định việc lượng hình thế nào là phù hợp, các điều kiện đảm bảo việc áp dụng hình phạt tiền thế nào cũng chưa được các đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác minh, điều tra làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Thực tiễn áp dụng pháp luật tại thành phố Hải Phòng và một số địa phương khác cho thấy: các đơn vị tố tụng rất hạn chế áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính. Đa số các địa phương đều rất thận trọng trong việc lựa chọn, quyết định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính với người phạm tội. Theo thống kê từ các vụ án trên thực tiễn tại địa phương cho thấy, hiện nay Tòa án nhân dân hai cấp tại Hải Phòng chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính với một số tội danh, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng chủ yếu là nhóm tội Đánh bạc và mức hình phạt tiền được áp dụng không lớn (chưa quá 200.000.000đồng). Hình phạt tiền được áp dụng với tư cách là hình phạt bổ sung thì được áp dụng với hầu hết các nhóm tội phạm như giao thông, ma túy, sở hữu…

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com