Quyết định hình phạt trường hợp phạm tội chưa đạt 2023

Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

 

Quyết định hình phạt trường hợp phạm tội chưa đạt 2023

 

1. Quy định về Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

Điều 57 Bộ luật hình sự quy định về Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt như sau:

1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. 

2. Bình luận về Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt 

Điều luật quy định việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và trường hợp phạm tội chưa đạt.

1. Khoản 1 của điều luật quy định nguyên tắc chung cần tuân thủ khi quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Theo đó, khi quyết định hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, Toà án không những phải dựa vào các căn cứ quyết định hình phạt chung mà còn phải dựa vào quy định bổ sung cho trường hợp này. Đây là những quy định bổ sung cho căn cứ thứ nhất và thứ hai của quyết định hình phạt.

Bổ sung cho căn cứ thứ nhất (các quy định của BLHS) là quy định: “Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng”. Vì vậy, lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt (đối với loại hình phạt có các mức khác nhau) đối với chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt phải trong phạm vi quy định của điều luật về tội định phạm. Căn cứ, việc quyết định hình phạt thế nào trong phạm vi này được quy định tại khoản 2 Điều 57 BLHS đối với chuẩn bị phạm tội và tại khoản 3 Điều 57 BLHS đối với phạm tội chưa đạt.

Cũng theo khoản 1 Điều 57 BLHS, việc quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt phải tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm khônthực hiện được đến cùng. Quy định này thực chất là quy định cụ thể về căn cứ thứ hai của quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt.

Nó bao gồm cả nội dung chung và cả nội dung bổ sung. Giữa hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và trường hợp tội phạm hoàn thành của tội phạm nhất định cũng như giữa các trường hợp chuẩn bị phạm tội, giữa các trường hợp phạm tội chưa đạt có sự khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội do có sự khác nhau về mức độ thực hiện ý định phạm tội cũng như do có sự khác nhau về các tình tiết khác khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Do đó, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng được coi là căn cứ bổ sung bên cạnh căn cứ chung là tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

2. Khoản 2 của điều luật cụ thể hóa nguyên tắc chung trong việc quyết định hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội. Căn cứ, điều luật quy định đối với hành vi chuẩn bị phạm tội thì hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định cho chuẩn bị phạm tội trong các điều luật cụ thể (nếu có).

Theo đó, quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ được phép trong phạm vi khung hình phạt giảm nhẹ (giảm cả mức cao nhất và mức thấp nhất) so với khung hình phạt đối với tội phạm hoàn thành được quy định riêng cho chuẩn bị phạm tội tại các điều luật được liệt kê tại Điều 14 BLHS. Đây là điểm mới trong quy định của BLHS năm 2015 về trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội.

Quy định này đã khắc phục được hạn chế của BLHS năm 1999 trong việc quy định khung hình phạt giảm nhẹ cho chuẩn bị phạm tội với giảm mức cao nhất mà giữ nguyên ở mức thấp nhất (so với khung hình phạt cho tội phạm hoàn thành). Do đó đã tạo cơ sở pháp lý trọn vẹn để giải quyết triệt để vấn đề phân hóa trách nhiệm hình sự của chuẩn bị phạm tội và tội phạm hoàn thành.

3. Khoản 3 của điều luật cụ thể hóa nguyên tắc chung trong việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt. Căn cứ, điều luật quy định:

– Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm;

– Nếu điều luật được áp dụng quy định là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tự mức phạt tù đó.

Vì vậy, quyết định hình phạt cho phạm tội chưa đạt chỉ được phép trong khung được giới hạn trên. Điểm mới trong quy định này thể hiện ở quy định dứt khoát về việc không áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình đối với hành vi phạm tội chưa đạt mà chỉ có thể áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm nếu điều luật về tội phạm tương ứng quy định được áp dụng hình phạt cao nhất này.

Từ quy định tại khoản 3 của điều luật có thể hình thành khung hình phạt giảm nhẹ cho phạm tội chưa đạt là khung hình phạt tù với mức cao nhất là 20 năm tù nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình hoặc với mức cao nhất là ba phần tư mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là phạt tù có thời hạn.

Vì vậy, khung hình phạt giảm nhẹ áp dụng cho phạm tội chưa đạt chỉ được xác định cho các tội phạm mà điều luật có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình hoặc tù có thời hạn và đó là khung hình phạt tù giảm nhẹ mà chỉ giảm ở mức cao nhất và giữ nguyên ở mức thấp nhất so với khung hình phạt tù quy định áp dụng cho tội phạm đó ở giai đoạn hoàn thành. Theo đó, điều luật cũng không xác định khung hình phạt giảm nhẹ trong trường hợp hình phạt được quy định là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn.

Quy định như vậy không tạo cơ sở pháp lý trọn vẹn để có thể xử lý hành vi phạm tội chưa đạt nhẹ hơn so với tội phạm hoàn thành trong mọi trường hợp trong trường hợp nghiêm trọng cũng như trong trường hợp ít nghiêm trọng. Từ những phân tích trên cho thấy, tuy có điểm mới nhưng quy định về trách nhiệm hình sự của hành vi phạm tội chưa đạt tại khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015 vẫn chưa khắc phục được hạn chế của BLHS năm 1999 trong việc tạo cơ sở pháp lý trọn vẹn cho việc phân hóa triệt để trách nhiệm hình sự của hành vi phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.

 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com