Để xã hội có thể vận hành đúng cách, các quan hệ xã hội phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật và Bộ luật dân sự là một trong những bộ luật xương sống điều chỉnh rất nhiều những vấn đề xoay quanh cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Bộ luật Dân sự
1. Bộ luật Dân sự là gì?
Bộ luật dân sự là văn bản hệ thống hoá pháp luật dân sự được Quốc hội ban hành theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định, trong đó các quy phạm pháp luật dân sự được sắp xếp theo hệ thống nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân giữa các chủ thể của luật dân sự.
Có thể nói, Bộ luật dân sự là một bộ luật được coi là luật gốc của cả hệ thống pháp luật. Bởi trong đó là tổng hợp tất cả những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong giao dịch dân sự nói chung trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, mà đây đều là những vẫn đề không thể thiếu trong đời sống.
Bộ luật dân sự trong tiếng anh là The Civil Code
2. Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự
Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự: là những quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu dùng các sản phẩm hàng hoá nhằm thoả mãn nhu cầu hàng ngày của các thành viên trong xã hội.
Phương pháp điều chỉnh của Luật dân sự: là những biện pháp, cách thức mà nhà nước tác động lên các quan hệ tài sản, các quan hệ nhân thân là cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo ý chí của nhà nước và có…
3. Tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự
3.1. Nguyên tắc bình đẳng
Nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.”. Thực chất, nguyên tắc bình đẳng này được bắt nguồn từ Hiến pháp năm 2013, văn bản mà các quyền tự do, bình đắng về nhân thân và tài sản đều được ghi nhận, khẳng định và coi đó là quyền cơ bản của công dân. Trong pháp luật dân sự, các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân mà có các điều kiện như nhau thì đều được đối xử bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử và được bảo hộ giống nhau cả về các quyền nhân thân lẫn quyền tài sản. Nghĩa là, các chủ thể có điều kiện như nhau thì sẽ được Nhà nước ghi nhận năng lực pháp luật ngang nhau, được đối xử bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong từng trường hợp.
3.2. Nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận
Đây là nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của cá nhân, pháp nhân phải được thực hiện trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, dựa trên ý chí của các bên, không bị các chủ thể khác cưỡng ép hay ép buộc. Đồng thời, mọi cam kết, thỏa thuận này phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Nếu các chủ thể cố tình vi phạm thì sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi.
3.3. Nguyên tắc thiện chí, trung thực
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực. Thiện chí ở đây được hiểu là sự thân thiện, mong muốn được thực hiện hoàn thành, thực hiện hoàn toàn tự nguyện. Trung thực được hiểu là tôn trọng khách quan, tôn trọng những điều thực tiễn, không tạo dựng các thông tin hoặc các yếu tố gây bất lợi trong quá trình thực hiện các giao dịch dân sự. Nguyên tắc thiện chí, trung thực không phải là một nguyên tắc mới mà được ghi nhận trong pháp luật dân sự từ lâu. Nguyên tắc này hoàn toàn tương thích với nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể bởi khi các chủ thể có địa vị pháp lý ngang nhau thì đương nhiên, sự thiện chí, trung thực của mỗi chủ thể sẽ góp phần tạo nên hiệu quả trong việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên.
3.4. Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác
Đây là nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 4 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, pháp luật dân sự quy định việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đây là giới hạn mà các nhà làm luật đặt ra cho các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Các chủ thể hoàn toàn có quyền tự do nhưng phải là tự do trong khuôn khổ vì phải đảm bảo lợi ích, sự bảo toàn, sự phát triển cho dân tộc, lợi ích của đám đông và những lợi ích, quyền hợp pháp của các chủ thể khác. Chỉ cần không xâm phạm giới hạn này thì đương nhiên, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được bảo vệ và bảo hộ thực hiện trong thực tiễn.
3.5. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự
Nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”. Trách nhiệm dân sự có thể được hiểu là dạng trách nhiệm pháp lý mang tính chất bất lợi cho một chủ thể sau khi chủ thể đó thực hiện nghĩa vụ của mình không đúng hoặc không thực hiện. Khi thực hiện các quyền của mình, các chủ thể ý thức phải thực hiện nghiêm túc, đúng phần nghĩa vụ của mình vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ thể có thể không thực hiện đúng hoặc không thực hiện được các nghĩa vụ của mình do lỗi vô ý hoặc cố ý dẫn đến những hệ quả bất lợi. Cũng vì sự bình đẳng là một yếu tố cần thiết trong quan hệ dân sự, do đó, khi gây tổn hại cho người khác, làm cho người khác bị ảnh hưởng không tích cực bởi hành vi của mình, chủ thể trong quan hệ dân sự đương nhiên phải chịu trách nhiệm.
Bộ luật Dân sự đóng vai trò cần thiết trong đời sống xã hội, hiểu biết thêm về Bộ luật này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về Bộ luật Dân sự gửi đến quý bạn đọc để cân nhắc. Trong quá trình nghiên cứu nếu như quý bạn đọc còn câu hỏi cần trả lời, vui lòng truy cập trang web: https://lvngroup.vn để được hướng dẫn, trao đổi cụ thể.