1. Khái niệm cơ chế của hành vi phạm tội
Cơ chế của hành vi phạm tội là một sự kiện động, là sự tác động lẫn nhau nhất định trong các yếu tố cấu thành nó. Các yếu tố cá nhân bên trong của cơ chế hành vi phạm tội là những quá trình và trạng thái tâm lý được xem xét trong trạng thái động, không tách rời mà là ở trong sự tác động lẫn nhau với các nhân tố của môi trường bên ngoài quyết định hành vi đó.
Cơ chế của hành vi phạm tội bao gồm ba khâu cơ bản: Quá trình hình thành tính động cơ của tội phạm; việc kế hoạch hóa các hoạt động phạm tội; việc trực tiếp thực hiện tội phạm.
Theo đó:
- Khâu thứ nhất bao gồm các nhu cầu cá nhân, các ý định, dự định, kế hoạch và lợi ích trong đời sống hàng ngày của họ. Các nhu cầu, ý định, dự định, kế hoạch và lợi ích trong sự tác động lẫn nhau với hệ thống các định hướng giá trị của cá nhân sinh ra các động cơ của hành vi phạm tội.
- Khâu thứ hai của cơ chế hành vi phạm tội là sự cụ thể hóa tính động cơ vào kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội. Ở đây, chủ thể xác định các mục đích của mình, cũng như các biện pháp, địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm và có các quyết định thích ứng.
- Khâu thứ ba là việc trực tiếp thực hiện tội phạm. Nó bao gồm cả hành động (không hành động) phạm tội của chủ thể lẫn việc gây ra các hậu quả có hại cho xã hội.
2. Các nhóm cơ chế của hành vi phạm tội
Trên cơ sở cơ chế khái quát của hành vi phạm tội và việc xem xét các yếu tố tham gia điều chỉnh hành vi phạm tội, có thể khái quát một số nhóm cơ chế của hành vi phạm tội như sau:
(1) Cơ chế của hành vi phạm tội liên quan tới sự biến dạng các nhu cầu và lợi ích của cá nhân.
(2) Cơ chế của hành vi phạm tội có liên quan tới mâu thuẫn giữa các nhu cầu, lợi ích và các khả năng của chủ thể.
(3) Cơ chế của hành vi phạm tội có liên quan tới sự biến dạng các quan niệm về đạo đức, về pháp luật, về các định hướng giá trị và mục đích xã hội của cá nhân.
(4) Cơ chế của hành vi phạm tội có liên quan với các khuyết tật, sai sót trong quá trình ra và thực hiện quyết định.
3. Các nguyên nhân và điều kiện của tội phạm
Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường tự nhiên – địa lý
Tập trung phân tích, làm rõ những nét khái quát nhất, vừa đặc tả những yếu tố tiêu cực riêng, vừa mang hình ảnh minh họa tổng thể xét trên khía cạnh chung về đặc điểm môi trường tự nhiên – địa lý, như: Vị trí địa lý; dân số; địa hình; khí hậu, thuỷ văn; chất lượng nguồn nhân lực và các vấn đề đặc thù khác (tình trạng dân di cư tự do; tiềm ẩn các tệ nạn xã hội, giao thông; tỷ lệ hộ nghèo,…). Những yếu tố tiêu cực dẫn đến điều kiện kinh tế bị hạn chế là một trong những nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến những hành vi phạm tội cụ thể, và cũng là nguyên nhân sâu xa, cốt lõi làm phát sinh và duy trì sự tồn tại của tội phạm. Những nguyên nhân và điều kiện này là một phần hình thành nên đặc điểm nhân thân người phạm tội.
Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội, là tổng hợp các mối quan hệ, ứng xử, giá trị nhân cách, tình cảm, đạo đức, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng, dân tộc. Vì thế, sự bền vững của gia đình chính là nền tảng phát triển xã hội tốt đẹp. Gia đình là tế bào tự nhiên, đồng thời là một đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Môi trường xã hội của tình hình tội phạm là một khái niệm bao trùm, có phạm vi rộng lớn, trong đó, có môi trường gia đình, ở góc độ nghiên cứu mà luận án đưa ra còn có những phân định thành những bộ phận nhỏ hơn để nhận xét, đánh giá những yếu tố tiêu cực trong đó.
Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường nhà trường
Nếu gia đình là cái nôi thứ nhất, thì nhà trường là cái nôi thứ hai góp phần cần thiết vào việc giáo dục và rèn luyện con người. Nhà trường ngoài việc truyền thụ kiến thức, còn làm nhiệm vụ giáo dục những phẩm chất nhân cách của học sinh và hoàn thiện những nhân cách ấy. Bên cạnh những thành tích tốt đẹp mà nhà trường dành được, còn có những hạn chế trong công tác giáo dục. Những thiếu sót đó tạo ra nhiều nguyên nhân và điều kiện thuận lợi tác động đến đối tượng tiềm ẩn nguy cơ phạm tội.
Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường xã hội
Vai trò và trách nhiệm to lớn của Nhà nước trong cuộc đấu tranh này xuất phát từ vị trí, nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước với tính cách là một tổ chức quyền lực kết hợp sức mạnh chính trị, kinh tế và tư tưởng tạo nên một sức mạnh tổng hợp đủ khả năng giải quyết cơ bản các vấn đề của cuộc sống xã hội. Ở đây, nội dung chức năng xã hội của Nhà nước bao gồm trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm một môi trường xã hội an ninh và trong sạch, một xã hội dựa trên các giá trị đạo đức, truyền thống và nhân văn, trong đó, mỗi con người đều có các điều kiện tự do phát triển và sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển của cộng đồng.
Để nghiên cứu các yếu tố tiêu cực thuộc môi trường xã hội với Nhà nước là chủ thể quản lý thực tiễn, cần làm nổi bật những nội dung về mục đích quản lý, cơ chế quản lý, quyết định quản lý, thực hiện quyết định quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định quản lý gắn với tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy; kịp thời phát hiện những hạn chế trong công tác tổ chức lực lượng phòng ngừa tội phạm.
Nguyên nhân và điều kiện thuộc về nhân thân người phạm tội
Tội phạm do cá nhân hoặc nhóm cá nhân người phạm tội thực hiện, vì vậy, nó không thể không mang đặc tính riêng biệt của cá nhân. Nghiên cứu nguyên nhân từ phía người phạm tội sẽ giúp chúng ta thấy được dấu hiệu nào của người phạm tội là dấu hiệu đặc trưng có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện tội phạm. Việc làm rõ những yếu tố tiêu cực của người phạm tội được hình thành trong quá trình sống – tác nhân làm phát sinh tội phạm có ý nghĩa rất cần thiết. Đây chính là cơ sở để nghiên cứu làm rõ nguyên nhân của tình hình tội phạm, từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện môi trường sống có liên quan đến việc phát sinh tội phạm.
3. Giải đáp có liên quan
Có các loại cơ chế tâm lý xã hội nào?
Cơ chế lây lan
Cơ chế đồng nhất hóa
Cơ chế ám thị
Cơ chế thỏa hiệp
Đặc điểm của hành vi bị coi là tội phạm là gì?
Các đặc điểm của hành vi bị coi là tội phạm được xác định trong các định nghĩa khác nhau về tội phạm có thể là: – Đặc điểm nguy hiểm cho xã hội; – Đặc điểm có lỗi (cố ý hoặc vô ý); – Đặc điểm được quy định trong luật hình sự (trái pháp luật hình sự).
Đặc điểm của tội phạm là gì?
Đặc điểm nguy hiểm cho xã hội.
Đặc điểm có lỗi (cố ý hoặc vô ý).
Đặc điểm được quy định trong luật hình sự (trái pháp luật hình sự).
Đặc điểm do người có năng lực TNHS, đủ tuổi chịu TNHS thực hiện.
Đặc điểm phải chịu hình phạt.
Trên đây là nội dung giới thiệu của chúng tôi về Cơ chế tâm lý – xã hội của hành vi phạm tội cũng như các vấn đề pháp lý khác có liên quan trong phạm vi này. Trong quá trình nghiên cứu nếu quý khách hàng còn câu hỏi hay quan tâm và có nhu cầu tư vấn và hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi.