Có được ngăn cản chồng sang tên nhà

1. Chị U câu hỏi:

Chào Luật sư

Em muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp em một việc, em có một bà chị họ lấy chồng và đăng ký kết hôn vào năm 2003, chồng chị và người vợ trước có mua một ngôi nhà năm 1958 và có một người con trai. Sau khi lấy chị, cả hai vẫn sống tại ngôi nhà này.

Gần đây chồng chị muốn sang tên lại căn nhà của chồng chị với người vợ trước cho con trai anh, vợ trước anh mất năm 1997, lúc mất vợ anh không để lại di chúc. Căn nhà mang tên anh và được cấp năm 1993, chị họ em đã làm đơn và gửi đến các cấp chính quyền về việc không đồng ý cho anh sang tên con.

Vậy Luật sư tư vấn giúp em là chị ấy làm thế có đúng luật không. Một điều nữa là chị cũng muốn có phần trong ngôi nhà của anh thì có điều gì sai không.

Em cảm ơn.

2. Luật sư C trả lời:

Chào bạn!
Theo cách trình bày của bạn thì tài sản này có trước thời kỳ hôn nhân. Và trên giấy chứng nhận đứng tên người chồng vào năm 1993, còn chị này mới kết hôn năm 2003. Vì vậy, có thể khẳng định đây là tài sản riêng của người chồng … và người chồng hoàn toàn có quyền chuyển dịch tài sản theo ý chí của mình.
GIả sử, nếu trong quá trình chung sống từ năm 2003 đến nay, người vợ sau có đóng góp trong việc sửa chữa, tu bổ… căn nhà trên thì có thể được xem xét công sức đóng góp.

3. Luật sư V trả lời:

Chào !
Tôi bổ sung thêm ý kiến của LS chanh như sau:
– Nếu tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì khi chuyển nhượng bắt buộc phải được sự đồng ý của chị bạn thì giao dịch mới hợp pháp.
– Nếu chị bạn có công cải tạo, sửa chữa nhà thì chị bạn cũng có “phần” trong nhà đất đó nên nếu việc định đoạt nhà đất không có ý kiến của chị bạn thì chị bạn có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu (chỉ cần chị bạn làm thêm một cái cửa, lợp thêm 1 viên ngói, xây thêm 1 bức tường thì cũng phát sinh quyền đồng sở hữu tài sản của chị bạn đối với ngôi nhà đó).
Thông thường nếu chị bạn không đồng bán nhà đất đó, không ký hợp đồng mua bán thì công chứng viên không dám công chứng hợp đồng mua bán đó đâu và thủ tục mua bán không thể hoàn thành được.
Thân ái!

4. Luật sư C trả lời:

Chào bạn!
Tôi đồng ý 01 phần ý kiến với luật sư V !
Phần về “Thông thường nếu chị bạn không đồng bán nhà đất đó, không ký hợp đồng mua bán thì công chứng viên không dám công chứng hợp đồng mua bán đó đâu và thủ tục mua bán không thể hoàn thành được.” thì tôi không đồng quan điểm lắm.
Vì rõ ràng nhà, đất này là tài sản riêng của ông chồng, nay tặng cho con thì việc gì phải có chữ ký của bà vợ. Nếu công chứng viên là kỹ hơn thì có thể yêu cầu ông này gửi tới giấy cam kết là tài sản riêng do bà vợ ký. Còn không có cũng chưa hẳn là sai…

5. Luật sư V trả lời:

Theo tôi:
1. Bà vợ sẽ không ký giấy thừa nhận là tài sản riêng của chồng vì bà ấy đang không muốn sang tên cho con riêng của chồng.
2. Nếu bây giờ bà ấy gửi đơn đến các phòng công chứng trên địa bàn tỉnh và phòng TN&MT yêu cầu không chuyển dịch tài sản (cẩn thận hơn làm đơn đề nghị giải quyết tranh chấp gửi đến UBND xã phường) thì thủ tục sang tên đó không thể thực hiện được cho đến khi vụ việc được giải quyết dứt điểm.
3. Về mặt lý thuyết thì đó là tài sản riêng của ông Chồng, ông ta có toàn quyền định đoạt nhưng thực tiễn việc như thế này diễn ra rất nhiều và ở Hà Nội thì không công chứng viên nào “dám” công chứng hợp đồng này. Do vậy, việc sang tên khó mà thực hiện được trên thực tiễn (trừ trường hợp sau khi có bản án, quyết định của tòa án xác định nhà đất đó là tài sản riêng).

6. Chị U câu hỏi:

Thực ra em thấy chị em có những hành động hơi quá, chị viết đơn nói xấu, đặt điều cho con chồng, mà con chồng của chị em nghe chị kể lại thì cả hai vợ chồng đều là người tốt và thật thà, chị em lấy chồng nhưng cũng không có con, em hỏi vậy vì cũng lo cho chị, nếu chị làm quá liệu có bị ảnh hưởng gì không. Với hoàn cảnh như của chị theo Luật sư chị em cần phải làm những gì.
Em cám ơn vì các Luật sư đã cho em những thông tin bổ ích.

7. Luật sư C trả lời:

Chào bạn!
Nếu chị bạn tiếp tục có hành vi viết đơn nói xấu, đặt điều con chồng nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người này thì có nguy cơ bị kiện yêu cầu bồi thường tổn hại đó. Còn việc xúc phạm này nghiêm trọng thì có thể bị xử lý về tội vu khống theo Điều 122 BLHS hoặc Tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS

8. Luật sư C trả lời:

Chào bạn!

        Theo thông tin mà bạn mới gửi tới, thì chính bạn là em ruột mà cũng thấy “chị em có những hành động hơi quá, chị viết đơn nói xấu, đặt điều cho con chồng, mà con chồng của chị em nghe chị kể lại thì cả hai vợ chồng đều là người tốt và thật thà“. Vì vậy, bạn nên khuyên chị bạn không nên “nói xấu, đặt điều” cho con  riêng của chồng chị nữa, bởi các lý do sau:
1. XÉT VỀ TÌNH: Từ xưa tới nay mối quan hệ “dì ghẻ” – “con chồng” là mối quan hệ phức tạp… Do vậy để xóa đi những thành kiến, định kiến đó quả là không đơn giản. Việc làm của chị bạn không làm xóa đi khoảng cách “dì ghẻ” – “con chồng” mà càng làm quan hệ đó trở lên phức tạp, căng thẳng. Chị bạn lại không có con, sau này già yếu nhiều việc có thể phải nhờ đến con chồng do vậy nếu không đối xử tốt với vợ chồng anh ta thì sau này khó mà nhờ cạy…
2. XÉT VỀ LÝ: Nguồn gốc ngôi nhà đó là tài sản do ông chồng chị bạn và bà vợ trước tạo lập nên khi bà vợ cả chết thì 1/2 ngôi nhà thuộc về chồng và con trai của họ. ½ tài sản còn lại là của ông chồng. Ông ta có quyền định đoạt. Nếu chị bạn không đóng góp xây dựng, tu sửa nhà thì không có quyền định đoạt đối với ngôi nhà đó. Chị bạn có thể cản trở việc định đoạt ngôi nhà của chồng như tôi nói ở trên trong một thời hạn nhất định. Nhưng nếu ông chồng khởi kiện và Tòa án ra bản án xác định đó là tài sản riêng của ông chồng thì chị bạn sẽ không còn cản trở việc định đoạt đó được nữa. Lúc đó chị bạn sẽ mất tất cả “không còn được sử dụng ngôi nhà, mất hết tình cảm gia đình…”.

Do vậy, bạn nên khuyên chị gái bạn “dĩ hòa vi quý”, hãy mở lòng mình ra cho sự việc trở lên đơn giản hơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Thân ái!

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com