Công ty xé hợp đồng, không trả lương

Anh Quý có câu hỏi:

Kính chào luật sư, cháu hiện tại 19 tuổi đã tốt nghiệp trung cấp, cách đây 2 tháng cháu có xin việc ở 1 công ty, qua thử việc 1 tháng thì cháu được nhận làm, nhưng lương thử việc chỉ vỏn vẹn 1 triệu, ngày ký hợp đồng với mức lương 2,8 triệu đã trừ tiền cơm 400,000vnd. Công ty không có bảo hiểm xã hội hay thất nghiệp gì hết, và cũng chỉ có 1 mẫu hợp đồng duy nhất, sau khi ký hợp đồng cháu làm được khoảng nửa tháng thì bị xé hợp đồng, đến hiện tại vẫn chưa nghe lương gì hết. Giờ cháu muốn kiện công ty này thì phải làm thế nào và với cớ gì?

Luật sư trả lời:

Trường hợp của bạn, tôi tư vấn như sau:

Bạn mới xin việc ở một công ty, bạn đã thử việc 1 tháng thì được nhận làm, nhưng lương thử việc chỉ vỏn vẹn 1 triệu, ngày ký hợp đồng với mức lương 2,8 triệu đã trừ tiền cơm 400,000vnd. Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về tiền lương trong thời gian thử việc nhưng phải đảm bảo ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Vì vậy, Công ty (người sử dụng lao động) có hành vi trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.Nếu vi phạm thì người sử dụng lao động có thể bị xử lý theo hướng dẫn tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó và buộc trả đủ 100% tiền lương của công việc đó cho người lao động.”

Theo bạn trình bày hiện nay công ty bạn đang áp dụng mức lương công tác theo hợp đồng thời vụ là 2.800.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, bạn không nói rõ công ty bạn đang công tác tại địa bàn nào nên chưa thể xác định mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn bạn công tác.

Điều 3 Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng như sau:

+ Mức 3.750.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

+ Mức 3.320.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

+ Mức 2.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

+ Mức 2.580.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Trường hợp người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau:

– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

– Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

– Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Trong trường hợp này, công ty không đóng BHXH cho bạn, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể:

“Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”

Khi đó, công ty sẽ bị xử lý theo hướng dẫn tại Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo hướng dẫn của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của đơn vị bảo hiểm xã hội”. 

Vì vậy, khi công ty không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Giám đốc công ty, tổ chức Công đoàn để người sử dụng lao động xem xét lại các hành vi vi phạm ở trên. Trong trường hợp bạn không đồng ý với cách giải quyết của công ty thì bạn có thể khiếu nại lên Phòng Lao động – thương binh và xã hội cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở. Trong trường hợp không giải quyết cho bạn hoặc giải quyết mà bạn không thấy thỏa đáng, bạn cũng có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở yêu cầu Tòa giải quyết.

Trên đây là nội dung trả lời của tôi cho vấn đề bạn đang câu hỏi. Nếu bạn có câu hỏi hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp điện thoại với tôi để được tư vấn cụ thể hơn.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com