Theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 128 doanh nghiệp, tuy nhiên tính đến hết tháng 7/2020 mới tiến hành cổ phần hóa được 37 doanh nghiệp, bằng 28% kế hoạch. Tiến độ cổ phần hóa hiện rất chậm so với mục tiêu đề ra. Đến năm 2023, theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn diễn ra còn chậm. Một trong những nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) CPH, thoái vốn thời gian này đều có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai; một số đơn vị uỷ quyền chủ sở hữu và người đứng đầu DN chưa quyết liệt, còn tư tưởng đối phó. Sau đây là danh sách các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, mời bạn đọc theo dõi nội dung trình bày.
1. 91 doanh nghiệp cần cổ phần hóa
Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 06 doanh nghiệp, trong đó có 01 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.
Tính lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443,5 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207,1 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.
Vì vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 như: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 01 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.
Việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
2. Nguyên nhân cổ phần hóa chậm và đề xuất giải pháp đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa
Theo Bộ Tài chính, một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại hiện nay là do sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước từ nay đến hết năm 2020, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại DNNN giai đoạn 2021 -2025; ngành nghề lĩnh vực thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn…
Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẩn trương xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thoái vốn để bảo đảm nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào NSNN theo yêu cầu của Quốc hội.
Còn tư tưởng đối phó
Báo cáo cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác CPH theo kế hoạch đã được phê duyệt. Mặt khác ghi nhận bổ sung 1 DN CPH là Công ty TNHH MTV Phà An Giang đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021 thuộc danh mục CPH giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị là 309 tỷ đồng. Trong đó giá trị thực tiễn phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Đối với công tác thoái vốn, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại DN với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng.
Với kết quả này, Cục Tài chính DN đánh giá, tiến độ triển khai CPH, thoái vốn chậm. Các nguyên nhân làm chậm quá trình CPH bao gồm cả khách quan và chủ quan. Trong đó phải kể tới lý do DN CPH, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Dịch bệnh Covid-19 tác động đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị DN, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo hướng dẫn. Việc triển khai CPH, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời gian bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.
Mặt khác, trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số đơn vị uỷ quyền chủ sở hữu và người đứng đầu DN cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, nên còn tư tưởng đối phó dẫn đến kết quả CPH, thoái vốn đối với các DNNN không cần nắm giữ vốn thấp. Công tác chuẩn bị chưa tốt, nhiều DN chưa hoàn thiện trọn vẹn thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi CPH, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm. Việc phối hợp giữa các đơn vị uỷ quyền chủ sở hữu với các UBND các tỉnh, TP, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng dẫn còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm.
Đổi mới các quy định xác định giá trị DN
Để . khắc phục, đổi mới, đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn trong thời gian tới, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, hoàn thiện đảm bảo tháo gỡ khó. Trước mắt nghiên cứu đổi mới các quy định về xác định giá trị DN; xác định giá trị quyền sử dụng đất bám sát tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII. Trong đó, tách giá trị quyền sử dụng đất ra khỏi giá trị DN.
Về lâu dài, Cục Tài chính DN cho biết sẽ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.
Đối với việc tổ chức thực hiện, xây dựng Kế hoạch sắp xếp lại DN giai đoạn 2021-2025 đảm bảo khả thi, phù hợp và đảm bảo nguồn thu từ CPH, thoái vốn. Cơ quan uỷ quyền chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các DN và các tập đoàn, tổng công ty, DNNN triển khai CPH, thoái vốn nhà nước tại DNNN thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi cao nhất phần vốn nhà nước tại DN. Đồng thời, khẩn trương đôn đốc các DN trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo hướng dẫn.
UBND các tỉnh, TP sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các DN của trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, đơn vị trung ương để bảo đảm tiến độ; xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý tiến độ kê khai, báo cáo, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tổ chức xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cục Tài chính DN cũng đề nghị xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi kết quả thực hiện là một tiêu chí đánh giá các đơn vị, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan. Song song, tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai CPH, thoái vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, việc tháo gỡ khó khăn cho DN.
XEM THÊM :>>>Bất cập trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì?