Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 - Biểu mẫu
Văn Phòng Luật LVN
Trang chủ - ACC - Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Pháp luật tố tụng dân sự quy định những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quá trình xét xử vụ án dân sự. Sau đây, Công ty Luật LVN Group – Đồng hành pháp lý cùng bạn xin mời quý bạn đọc cùng nghiên cứu Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để hiểu rõ hơn về trường hợp nào phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng.

Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

1. Quy định pháp luật

Điều 52. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng

Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

1. Họ đồng thời là đương sự, người uỷ quyền, người thân thích của đương sự.

2. Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.

3. Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

2. Thế nào là người thân thích của đương sự?

Người thân thích của đương sự: (theo hướng dẫn tại Điều 13 NQ 03/2012/NQ-HĐTP)

Người thân thích của đương sự là người có quan hệ sau đây với đương sự:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự;

b) Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự;

c) Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự;

d) Là cháu ruột của đương sự, mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

3. Thế nào là có căn cứ cho rằng họ không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ

  • Như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế,… có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Ví dụ: Hội thẩm nhân dân là anh em kết nghĩa của nguyên đơn; Thẩm phán là con rể của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Thủ trưởng đơn vị nơi vợ của Thẩm phán công tác,… mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế,…

  • Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên toà xét xử vụ án dân sự Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án là người thân thích với nhau hoặc nếu Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên được phân công xét xử phúc thẩm vụ án dân sự có người thân thích là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án đó.

4. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng

Thứ nhất, thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân:

Ngoài những căn cứ chung trên, việc thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân còn được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:

(i) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.

(ii) Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

(iii) Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Thứ hai, thay đổi Thư ký tòa án, Thẩm tra viên:

Ngoài những căn cứ chung trên, việc thay đổi Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên còn được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:

(i) Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

(ii) Là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác trong vụ việc đó.

Thứ ba, thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên:

Ngoài những căn cứ chung trên, việc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên còn được thực hiện khi :

Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Vì vậy, Công ty Luật LVN Group – Đồng hành pháp lý cùng bạn đã gửi tới những kiến thức cơ bản cho quý bạn đọc về Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Hy vọng đây sẽ là những kiến thức hữu ích, trả lời được những câu hỏi của bạn đọc liên quan đến vấn đề này.

 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com