Giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi “tín dụng đen”

1. Tình hình đấu tranh phòng ngừa hoạt động tín dụng đen

Sau 3 năm quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 12), kết quả triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật (TP và VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (HĐTDĐ) đã có những chuyển biến tích cực.

Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh. Hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước theo chức năng của lực lượng công an từng bước được nâng cao.

Hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính được duy trì thường xuyên. Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng.

Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

Thống kê trong 03 năm (từ 15/4/2019 đến 14/4/2023) thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ, 4.941 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; đã khởi tố, điều tra 1.575 vụ, với 3.399 bị can. Riêng về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ, 2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ, 2.025 bị can.

2. Giải pháp phòng ngừa tội phạm tín dụng đen

để kiềm chế, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, trước hết, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo. Chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là trong những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau dịch bệnh Covid-19.

Hai là, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương với cách thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động…, gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.

Đồng thời, truyền thông, giáo dục tài chính để người dân có hiểu biết cơ bản về các giao dịch liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ đó, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động ngân hàng chính thức. Trong đó, khuyến nghị người dân có tiền nhàn rỗi nên gửi vào các tổ chức tín dụng hợp pháp để được đảm bảo quyền lợi theo hướng dẫn của pháp luật.

Trường hợp tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền cho người gửi tiền hoặc phá sản thì vẫn được bảo đảm khả năng hoàn trả tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm. Đồng thời, việc làm trên góp phần hạn chế các đối tượng hoạt động TTĐ huy động vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân; duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, sự phát triển lành mạnh của ngành ngân hàng; hạn chế các những rủi ro từ việc hệ thống TDĐ đổ vỡ hoặc phát sinh những phức tạp về trật tự xã hội từ việc vay, mượn tiền, đòi nợ trái pháp luật.

Ba là, UBND các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19; kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến TDĐ.

Phối hợp với ngành ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh huy động, vay vốn chính thống. Đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có cách thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn. Xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến TDĐ để vay vốn.

Bốn là, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về ANTT có liên quan đến công tác phòng, chống TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ. Đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến HĐ TDĐ.

Đề nghị ngành tư pháp Trung ương chỉ đạo liên ngành tư pháp các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án liên quan đến HĐ TDĐ; tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để thống nhất nội dung hướng dẫn, tháo gỡ, phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập, các vi phạm, tiêu cực để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.

Năm là, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của đơn vị chức năng.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com