1. Thực trang tội phạm mua bán người
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Riêng từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố.
Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…. Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Đáng chú ý, gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.
Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…
Lợi dụng chính sách mở của Việt Nam, các đối tượng tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế.
Mặt khác, một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại “quay đầu” trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn đã tham gia hoạt động phạm tội.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới để hạn chế lây lan dịch bệnh. Chính vì thế, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán. Phụ nữ và trẻ em, chiếm hơn 85% nạn nhân mua bán người, cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch.
2. Giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người
Một là, xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Quy định cụ thể và nghiêm khắc các hình phạt trừng trị những hành vi mua bán người.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mua bán người, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.
Giáo dục cho mọi công dân ý thức được thủ đoạn của bọn phạm tội mua bán người, hậu quả tác gây ra cho nạn nhân và xã hội.
Nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các đơn vị bảo vệ pháp luật.
Ba là, nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người.
Bốn là, bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ, đồng thời tổ chức tốt việc tái hoà nhập cộng đồng cho những nạn nhân này có thể sớm ổn định cuộc sống.
Năm là, tích cực hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Căn cứ là, triển khai thực hiện có hiệu quả các công ước, văn kiện quốc tế liên quan đến phòng, chống mua bán người mà Việt Nam gia nhập.
Đồng thời, phối hợp, trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế liên quan, lực lượng chức năng các nước láng giềng, để hỗ trợ nhau trong công cuộc đẩy lùi tội phạm mua bán người.