Dân sự và hợp đồng dân sự là lĩnh vực phổ biến nhất trong đời sống xã hội. Hàng ngày chúng ta giao kết hàng trăm, hàng triệu hợp đồng dân sự với nhau. Phổ biến là vậy nhưng không mấy ai biết rõ hợp đồng dân sự là gì và những quy định xoay quanh vấn đề này. Hiểu được điều đó, LVN Group xin gửi tới quý khách hàng nội dung trình bày “Hợp đồng dân sự là gì?” với những nội dung sau:
Hợp đồng dân sự là gì?
1. Hợp đồng dân sự là gì?
Hợp đồng dân sự là một giao dịch dân sự mà trong đó các bên tự trao đổi ý chí với nhau nhằm đi đến sự thỏa thuận cùng nhau làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định. Dưới góc độ pháp lý thì hợp đồng dân sự được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (theo Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015). Hợp đồng dân sự là một bộ phận các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể với nhau.
Cần phân biệt thuật ngữ hợp đồng dân sự với thuật ngữ pháp luật về hợp đồng dân sự. Đây là hai khái niệm không đồng nhất với nhau. Hợp đồng dân sự theo nghĩa chủ quan là quan hệ xã hội được hình thành từ sự thỏa thuận của các bên để để thỏa mãn nhu cầu trao đổi trong giao lưu dân sự. Còn pháp luật về hợp đồng dân sự (nghĩa khách quan) là sự thừa nhận và là yêu cầu của Nhà nước đối với các giao lưu dân sự đó.
2. Đặc điểm của hợp đồng dân sự?
2.1. Tính thỏa thuận:
Hợp đồng dân sự trước hết phải là một thỏa thuận có nghĩa là hợp đồng phải chứa đựng yếu tố tự nguyện khi giao kết nó phải có sự trùng hợp ý chí của các bên. Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng, tự do giao kết hợp đồng, nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Yếu tố thỏa thuận đã bao hàm trong nó yếu tố tự nguyện, tự định đoạt và sự thống nhất về mặt ý chí. Đây là yếu tố cần thiết nhất tạo nên sự đặc trưng của hợp đồng so với các giao dịch dân sự khác, đây cũng là yếu tố làm nên bản chất của Luật dân sự so với các ngành luật khác.
2.2. Về chủ thể tham gia hợp đồng dân sự:
Chủ thể giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải có ít nhất từ hai bên trở lên, vì hợp đồng dân sự là một giao dịch pháp lý song phương hay đã phương. Các chủ thể khi giao kết, thực hiện hợp đồng đều phải có tư cách chủ thể tức là phải đáp ứng các điều kiện theo hướng dẫn của pháp luật đối với một chủ thể của quan hệ dân sự (ví dụ: nếu chủ thể là cá nhân thì phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự…);
2.3. Mục đích:
Hướng tới của các bên khi tham gia hợp đồng là để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Quyền và nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng có phạm vi rất rộng, trước đây trong Pháp lệnh hợp đồng dân sự ngày 29-4-1991 (Điều 1) quy định hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng, cho tài sản, làm một hoặc không làm công việc, dịch vụ hoặc các thỏa thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không liệt kê cụ thể các quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể đó tuy nhiên về bản chất thì các quyền và nghĩa vụ mà các bên hướng tới khi giao kết, thực hiện hợp đồng là những quyền và nghĩa vụ để đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu trong sinh hoạt, tiêu dùng, đó cũng chính là một trong những đặc điểm cơ bản để phân biệt giữa hợp đồng dân sự và các hợp đồng kinh tế, thương mại. Yếu tố này giúp phân biệt hợp đồng dân sự với hợp đồng kinh tế: Mục đích của hợp đồng kinh tế khi các bên chủ thể tham gia là mục đích kinh doanh (nhằm phát sinh lợi nhuận) trong khi đó hợp đồng dân sự các bên tham gia nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng.
Chủ thể tham gia hợp đồng kinh tế phải là các thương nhân, các công ty, đơn vị kinh doanh (nếu chủ thể là cá nhân thì phải có đăng ký kinh doanh).
3. Nội dung của hợp đồng dân sự
Nội dung của hợp đồng dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận. Các điều khoản đó xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên trong hợp đồng. Điều 398 BLDS quy định về nội dung hợp đồng dân sự, cụ thể:
– Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. – Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
+ Đối tượng của hợp đồng;
+ Số lượng, chất lượng;
+ Giá, phương thức thanh toán;
+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
+ Phương thức giải quyết tranh chấp.
Trong các điều khoản nói trên, tùy từng loại hợp đồng mà các bên cần thỏa thuận hoặc không thỏa thuận thì được coi là đã giao kết hợp đồng. Ngoài nhưng nội dung cụ thể này, các bên còn có thể thỏa thuận để xác định với nhau thêm 1 số nội dung khác.
4. Các loại điều khoản trong hợp đồng dân sự?
Có thể phân chia các điều khoản trong nội dung của hợp đồng thành ba loại: Điều khoản cơ bản, Điều khoản thông thường và Điều khoản tùy nghi.
4.1. Điều khoản cơ bản
Các điều khoản cơ bản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng. Đây là những điều khoản không thể thiếu đối với từng loại hợp đồng. Nếu không thỏa thuận được những điều khoản này thì hợp đồng không thể giao kết được. Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của từng hợp đồng quyết định hoặc do pháp luật quy định. Tùy từng loại hợp đồng mà điều khoản cơ bản có thể là đối tượng, giá cả, địa điểm,.. Có những điều khoản đương nhiên là điều khoản cơ bản vì không thỏa thuận tới nó sẽ không thể hình thành hợp đồng.
Ví dụ: Điều khoản về đối tượng luôn là điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán tài sản. Có những điều khoản vốn dĩ không phải điều khoản cơ bản nhưng các bên thấy cần phải thỏa thuận mới giao kết hợp đồng được thì những điều khoản này cũng là điều khoản cơ bản của hợp đồng sẽ giao kết.
4.2. Điều khoản thông thường
Đây là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thỏa thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định.
Khác với điều khoản cơ bản, các điều khoản thông thường không làm ảnh hưởng tới quá trình giao kết hợp đồng. Để giảm bớt công việc không cần thiết trong giao kết hợp đồng, các bên có thể không cần thỏa thuận và không ghi vào hợp đồng nhưng điều khoản mà pháp luật đã quy định nhưng vẫn phải thực hiện các điều khoản đó. Vì vậy, nếu có tranh chấp về những nội dung này thì quy định của pháp luật là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng
Ví dụ: Địa điểm giao tài sản động sản ( đối tượng của hợp đồng mua bán) là tại nơi cư trú của người mua nếu người mua đã trả tiền và trong hợp đồng các bên không thỏa thuận về địa điểm giao tài sản.
4.3. Điều khoản tùy nghi
Ngoài những điều khoản phải thỏa thuận vì tính chất của hợp đồng và những điều khoản mà pháp luật quy định, trước khi giao kết hợp đồng các bên có thể thỏa thuận để xác định thêm một số điều khoản khác nhằm làm rõ nội dung của hợp đồng hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đây được coi là các điều khoản tùy nghi.
Điều khoản tùy nghi là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý chọn lựa và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên. Thông qua điều khoản tùy nghi, bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thức nhất định để thực hiện hợp đồng sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia.
Dựa vào tính chất của các điều khoản tùy nghi, có thể phân chia thành hai loại là tùy nghi ngoài pháp luật và tùy nghi khác pháp luật.
Trên đây là toàn bộ những nội dung cơ bản nhất để trả lời cho câu hỏi hợp đồng dân sự là gì mà LVN Group gửi tới quý khách hàng. Trên thực tiễn có rất nhiều dạng hợp đồng dân sự, có hợp đồng đơn giản dễ thực hiện, những cũng có những hợp đồng vô cùng phức tạp. Nếu có nhu cầu giao kết hợp đồng dân sự hay gặp phải những vướng mắc trong lĩnh vực này, LVN Group rất sẵn lòng được đồng hành cùng quý vị.