Gây rối trật tự công cộng là hành vi nghiêm trọng ảnh hưởng đến giao thông, sức khoẻ, tính mạng con người, không chỉ thế, người có hành vi gây rối cũng gánh những hậu quả pháp lý nhất định. Trong đó, nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù. Hãy cùng nghiên cứu quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội gây rối trật tự công cộng trong nội dung trình bày dưới đây.
1. Hành vi gây rối trật tự công cộng là gì?
Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây tổn hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Gây rối trật tự cộng biểu hiện qua các hành vi cụ thể như:
– Lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác;
– Hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị nơi công cộng;
– Hò hét, tạo tiếng động gây âm ĩ, đua xe máy trái phép;
– Tụ tập đánh nhau…
Các hành vi gây rối trật tự công cộng được thực hiện ở những địa điểm như rạp chiếu phim, rạp hát, sân vận động, công viên, đường phố,… Ở đó, các hoạt động chung được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên.
Vì vậy, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoản 2 Điều 318 BLHS 2015 Tội gây rối trật tự công cộng
2. Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015
Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khung tăng nặng của tội này được quy định tại Khoản 2 Điều 318 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.”
Trong đó:
– Có tổ chức là cách thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu.
Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách: Vũ khí được chia làm các loại là Vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Trong đó, vũ khí quân dụng gồm Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;… Vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.
– Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng được hiểu là những hành vi đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, các thiệt bị an toàn giao thông đường bộ; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ và hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ….
– Xúi giục người khác gây rối được hiểu là hành vi của một người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác phạm tội gây rối trật tự công cộng. Về hình phạt cho người xúi giục gây rối trật tự công cộng còn phải phụ thuộc vào hành vi xúi giục của người đó có tổ chức được không.
– Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng là hành vi dùng lời nói hoặc cử chỉ, hành động thể hiện thái độ coi thường trật tự công cộng, ví dụ như: La hét làm huyên náo nơi công cộng,; hành hung người khác, càn rỡ xúc phạm đến nhiều người ở nơi công cộng; đập phá, làm ô uế các trang thiết bị tại nơi công cộng như tượng đài, công trình văn hóa,…
– Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.
Vì vậy, người phạm tội gây gối trật tự công cộng có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, phạt tù đến 07 năm.
Tóm lại, gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tiền đến 05 triệu đồng khi bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt tù đến 07 năm khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về những hành vi, hậu quả pháp lý, khung hình phạt của Tội gây rối trật tự công cộng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Các bạn hãy nắm rõ những quy định của pháp luật để có những hành vi xử sự hợp lý. Nếu còn vướng mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được trả lời.