Trong đấu thầu, vẫn có nhiều câu hỏi nhà thầu phụ được thực hiện bao nhiêu phần trăm. Vậy để giúp các bạn trả lời các câu hỏi trên. Cùng chúng tôi nghiên cứu qua bài dưới đây về nhà thầu phụ được thực hiện bao nhiêu phần trăm.
Nhà thầu phụ được thực hiện bao nhiêu phần trăm? (cập nhật 2023)
1. Khái niệm nhà thầu phụ
Căn cứ Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH 2019 Luật Đấu thầu quy định như sau:
- Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Nhà thầu phụ đặc biệt là nhà thầu phụ thực hiện công việc cần thiết của gói thầu do nhà thầu chính đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên cơ sở yêu cầu ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Vì vậy nhà thầu sẽ có hai loại là nhà thầu chính và nhà thầu phụ, căn cứ để phân ra thành hai loại này sẽ phụ thuộc vào công việc mà nhà thầu đã nhận, mức độ cần thiết của nhà thầu đó. Thông thường nhà thầu phụ đặc biệt là những nhà thầu đảm việc thực hiện những phần việc cần thiết, yêu cầu về tính kỹ thuật cao và một số yếu tố khác.
2. Cần những lưu ý về nhà thầu chính và nhà thầu phụ ?
Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp quy định như sau:
29.1. Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ kê khai theo Mẫu số 18(a) Chương IV – Biểu mẫu dự thầu. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các trách nhiệm của nhà thầu chính. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ sẽ không được xem xét khi đánh giá HSDT của nhà thầu chính (trừ trường hợp HSMT quy định được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt). Bản thân nhà thầu chính phải đáp ứng các tiêu chí năng lực (không xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ).
Trường hợp trong HSDT, nếu nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ cho một công việc cụ thể hoặc không dự kiến các công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ thì được hiểu là nhà thầu chính có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát hiện việc sử dụng nhà thầu phụ thì nhà thầu chính sẽ được coi là vi phạm hành vi “chuyển nhượng thầu” theo hướng dẫn tại Mục 3 CDNT.
29.2. Nhà thầu chính chỉ được sử dụng nhà thầu phụ thực hiện các công việc với tổng giá trị dành cho nhà thầu phụ không vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) trên giá dự thầu của nhà thầu theo hướng dẫn tại BDL.
29.4. Chủ đầu tư có thể cho phép nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt theo hướng dẫn tại BDL. Trong trường hợp này, nhà thầu chính phải kê khai danh sách nhà thầu phụ đặc biệt theo Mẫu số 18(b) Chương IV – Biểu mẫu dự thầu và kê khai về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt. Bên mời thầu sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt theo tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Khoản 2.3 Mục 2 – Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm Chương III – Tiêu chuẩn đánh giá HSDT. Trường hợp nhà thầu phụ đặc biệt không đáp ứng yêu cầu của HSMT và nhà thầu chính có năng lực, kinh nghiệm không đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc đã dành cho nhà thầu phụ đặc biệt thì HSDT của nhà thầu được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu của HSMT
Trong đó, các từ viết tắt được hiểu như sau:
CDNT Chỉ dẫn nhà thầu
BDL Bảng dữ liệu đấu thầu
HSMT Hồ sơ mời thầu
HSDT Hồ sơ dự thầu
3. Nhà thầu phụ được thực hiện bao nhiêu phần trăm?
Căn cứ Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ kê khai theo Mẫu số 19(a) Chương IV – Biểu mẫu dự thầu quy định như sau:
Nhà thầu chính chỉ được sử dụng nhà thầu phụ thực hiện các công việc với tổng giá trị dành cho nhà thầu phụ không vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) trên giá dự thầu của nhà thầu theo hướng dẫn tại Bảng dữ liệu đấu thầu.
Đối với trường hợp nêu trên, việc sử dụng nhà thầu phụ đối với gói thầu xây lắp phải tuân thủ theo hướng dẫn nêu trên. Pháp luật về đấu thầu hiện hành không có quy định cụ thể về tỷ lệ % sử dụng nhà thầu phụ. Theo đó, tùy theo quy mô, tính chất gói thầu, chủ đầu tư đưa ra quy định về tỷ lệ % sử dụng nhà thầu phụ cho phù hợp. Tuy nhiên, việc đưa ra tỷ lệ % sử dụng nhà thầu phụ phải phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu; tránh trường hợp lợi dụng việc sử dụng nhà thầu phụ nhằm mục đích chuyển nhượng thầu hoặc đưa các nhà thầu phụ có năng lực yếu kém vào thực hiện gói thầu, dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình.
4. Lưu ý khi nhà thầu chính muốn sử dụng nhà thầu phụ
Nhà thầu chính muốn sử dụng nhà thầu phụ thì phải có sự đồng ý của bên chủ đầu tư, sử dụng thầu phụ nào thì phải thực hiện đăng ký trước khi có quyết định trúng, tức là trong hồ sơ dự thầu đã phải có danh sách nhà thầu phụ tham gia gói thầu. Còn trường hợp không đăng ký nhà thầu phụ trước, khi trúng thầu mà sử dụng nhà thầu phụ đề thực hiện sẽ được coi là chuyển nhượng thầu, là một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Căn cứ Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH 2019 Luật Đấu thầu quy định như sau:
Điều 89. Các hành vi bị cấm trong đấu thầu
- Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi sau đây:
- a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;
- b) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.
5. Nhà thầu chính có được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong Hồ sơ dự thầu?
Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp quy định như sau:
29.3. Nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong HSDT; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong HSDT và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt quá tỷ lệ theo hướng dẫn tại Mục 29.2 CDNT chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được Chủ đầu tư chấp thuận; trường hợp sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ, ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong HSDT mà chưa được Chủ đầu tư chấp thuận được coi là hành vi “chuyển nhượng thầu”.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nhà thầu phụ được thực hiện bao nhiêu phần trắm. Mọi câu hỏi xin gửi về đường dây nóng hoặc liên hệ, gửi câu hỏi với chúng tôi qua website, bạn sẽ nhận được phản hồi nhanh nhất và chính xác nhất