Quy định của pháp luật về giao dịch cổ phiếu

Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư đang có sự quan tâm và mong muốn đầu tư cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán. Cổ phiếu cũng có thể được mua bán như một loại hàng hóa. Vậy giao dịch cổ phiếu là gì? Quy định của pháp luật về giao dịch cổ phiếu? Mời quý bạn đọc cùng nghiên cứu nội dung này trong nội dung trình bày dưới đây.

Quy định của pháp luật về giao dịch cổ phiếu

1. Cổ phiếu là gì?

Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Chỉ công ty cổ phần mới có quyền phát hành cổ phiếu. Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, cổ phiếu là một loại chứng khoán và được coi là tài sản, là đối tượng giao dịch trên sàn chứng khoán.

Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, có hai loại cổ phiếu như sau:

– Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông): Dùng để xác định quyền sở hữu của các cổ đông. Người nắm giữ cổ phiếu này sẽ có quyền quản lý và kiểm soát công ty hay tham gia vào các cuộc họp hội đồng quản trị, cũng như bỏ phiếu quyết định vào các vấn đề lớn của công ty.

– Cổ phiếu ưu đãi: Người nắm giữ có thể nhận ưu đãi về cổ tức và quyền biểu quyết hay được hoàn lại phần vốn góp. Có ba loại cổ phiếu ưu đãi phổ biến:

+ Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: người mua cổ phiếu ưu đãi cổ tức được trả cổ tức cao hơn người nắm cổ phiếu phổ thông nhưng bị loại trừ quyền biểu quyết, dự họp đại hội cổ đông hay đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

+ Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: người nắm giữ cổ phiếu này được công ty hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được thoả thuận trước, người nắm cổ phiếu ưu đãi hoàn loại cũng không có quyền biểu quyết, dự họp đại hội cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

+ Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: là cổ phiếu có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phiếu phổ thông.

2. Giao dịch cổ phiếu là gì?

Giao dịch cổ phiếu có thể hiểu đơn giản là hoạt động mua, bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Hoạt động này có thể thực hiện trên thị trường có tổ chức như sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc trên thị trường phi tổ chức.

– Trên thị trường có tổ chức (thị trường giao dịch tập trung): Việc mua, bán chứng khoán thông qua các tổ chức môi giới là thành viên của sở giao dịch hoặc trung tâm giao dịch.

– Trên thị trường phi tổ chức (phi tập trung): Các nhà môi giới và tự kinh doanh chứng khoán mua, bán chứng khoán với nhau và với các nhà đầu tư tại sản giao dịch của công ty chứng khoán hoặc ngân hàng.

3. Các trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch

Theo điểm d khoản 1 Điều 46 Luật Chứng khoán 2019, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số cổ phiếu trong các trường hợp sau:

– Giá, khối lượng giao dịch cổ phiếu có biến động bất thường;

– Tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch;

– Trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán;

Mặt khác, theo khoản 1 Điều 41 Quyết định 17/QĐ-HĐTV ngày 21 tháng 3 năm 2023 về Quy chế đăng ký niêm yết, quản lý đăng ký niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết; xử lý vi phạm đối với tổ chức niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

– Tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm có kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên có soát xét quá 06 tháng so với thời hạn quy định.

– Tổ chức niêm yết không đưa ra biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán.

– Tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

– Theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

– Sở giao dịch chứng khoán xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán đồng thời báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ttrong thời hạn 05 ngày công tác kể từ ngày phát hiện các trường hợp như trên, Sở giao dịch chứng khoán ban hành Quyết định đưa cổ phiếu vào diện đình chỉ giao dịch và hiển thị ký hiệu đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu đó.

4. Thẩm quyền đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu

Theo điểm d khoản 1 Điều 46 Luật Chứng khoán 2019, thẩm quyền đình chỉ giao dịch cổ phiếu thuộc về Sở giao dịch chứng khoán. Căn cứ, theo Điều 303 Nghị định 155/2020/NĐ-CP:

– Sở giao dịch chứng khoán thực hiện đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số cổ phiếu niêm yết theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 46 Luật Chứng khoán 2019 và theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

– Sở giao dịch chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 24 giờ kể từ khi áp dụng biện pháp này.

– Sở giao dịch chứng khoán quy định cụ thể tại quy chế của Sở giao dịch chứng khoán việc thực hiện biện pháp đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số cổ phiếu niêm yết.

– Sở giao dịch chứng khoán phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của mình trong thời hạn 24 giờ khi áp dụng hoặc hủy bỏ áp dụng biện pháp đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số cổ phiếu niêm yết.

Trên đây là các thông tin liên quan đến Quy định của pháp luật về giao dịch cổ phiếu. Mong rằng nội dung trình bày sẽ gửi tới cho quý bạn đọc thêm nhiều thông tin hữu ích. Nếu có câu hỏi hay cần tư vấn, hãy liên hệ với công ty luật LVN Group để chúng tôi có thể trả lời cho quý bạn đọc một cách nhanh chóng nhất.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com