1. Cơ sở pháp lý
Theo Điều 9 Luật giao thông đường bộ số 23/20008/QH13 ngày 13/11/2008, quy định quy tắc khi tham gia giao thông đường bộ như sau:
“Điều 9. Quy tắc giao thông đường bộ:
- Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
- Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.”
– Thực hiện quy tắc trên, người tham gia giao thông cần phải:
+ Người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, không được phép đi sang bên trái, phải đi đúng làn đường không được phép lấn sang các làn đường của phương tiện khác, đi đúng phần đường của mình theo hướng dẫn. Chấp hành tốt báo hiệu đường bộ, không được phép vượt đèn đỏ.
+ Đối với người tham gia giao thông đường bộ đi xe ô tô thì ô tô phải được trang bị dây an toàn, khi tham gia giao thông thì người lái xe và người ngồi hàng ghế bênh cạnh (ghế phía trước) trong ô tô đều phải thắt dây an toàn.
2. Hệ thống báo hiệu đường bộ
Căn cứ theo Điều 10 Luật giao thông đường bộ số 23/20008/QH13 ngày 13/11/2008, quy định hệ thống báo hiệu đường bộ như sau:
“ Điều 10. Hệ thống báo hiệu đường bộ:
- Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:
- a) Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;
- b) Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi;
- c) Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.
- Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
- a) Tín hiệu xanh là được đi;
- b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
- c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
- Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, quy định như sau:
- a) Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;
- b) Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;
- c) Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;
- d) Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;
đ) Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.
- Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.
- Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ được đặt ở mép các đoạn đường nguy hiểm để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.
- Rào chắn được đặt ở nơi đường bị thắt hẹp, đầu cầu, đầu cống, đầu đoạn đường cấm, đường cụt không cho xe, người qua lại hoặc đặt ở những nơi cần điều khiển, kiểm soát sự đi lại.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về báo hiệu đường bộ.”
– Căn cứ vào Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều 10 đã quy định ở trên, nghĩa là:
+ Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
+ Tín hiệu đèn giao thông là một thiết bị được dùng để điều khiển giao thông ở những giao lộ có lượng phương tiện lưu thông lớn (thường là ngã ba, ngã tư đông xe qua lại).
+ Biển báo hiệu là những biển báo có hình ảnh được dựng lên ở ven hai bên đường giao thông để nhằm gửi tới các thông tin hữu ích cụ thể có liên quan mật thiết đến mọi người tham gia giao thông.
+ Vạch kẻ đường là một dạng biển báo giao thông nhằm hướng dẫn, điều khiển giao thông trên đường giúp đảm bảo khả năng lưu thông xe cũng như sự an toàn cho người tham gia giao thông.
+ Tường bảo vệ là một thiết bị thường được thiết kế dạng hình chóp, sơn đỏ, vàng, cam và đặt trên bề mặt phẳng.
+ Rào chắn là thiết bị được dùng để điều tiết, phân luồng hoặc cảnh báo giao thông.
+ Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là hệ thống báo hiệu mà người tham gia giao thông phải chấp hành.
+ Cột tín hiệu đèn giao thông có 3 màu: xanh được phép đi, đèn đỏ dừng lại, vàng đi chậm lại. Trường hợp đèn xanh đang bật mà cả đèn vàng và đỏ được bật cùng thời gian thì các phương tiện vẫn được phép di chuyển, nhưng phải ưu tiên cho các phương tiện ở hướng khác đi.
+ Đối với người tham gia giao thông khi đi bộ, có 2 đèn đỏ và xanh: đèn đỏ có vẫn dừng lại, đèn xanh thì mới được phép đi. Người đi bộ chỉ được phép đi trên đoạn đường có vạch kẻ trắng, khi đèn có dấu hiệu nhấp nháy thì báo hiệu đèn sắp chuyển sang màu khác.
– Căn cứ vào Khoản 4, Điều 10, đã được quy định ở trên, thì biển bảo hiệu đường bộ được hiểu là:
+ Biển báo cấm có dạng hình tròn, nền màu trắng và viền màu đỏ.
+ Biển báo nguy hiểm có dạng hình tam giác, nền màu vàng và viền màu đỏ.
+ Biển báo hiệu lệnh: Hình tròn, nền màu xanh. Nội dung thể hiện bên trong nằm chính giữa và có màu trắng. Đây là những biển bắt buộc mọi người lái xe, tham gia giao thông thì gặp đều phải tuân thủ và làm theo, thông thường là các hướng phải đi, hay hạn chế tốc độ tối thiểu…
+ Biển báo chỉ dẫn có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, nền màu xanh. Nội dung thể hiện bên trong có thể là mầu đen, màu trắng, màu vàng hoặc đỏ.
+ Biển báo phụ đề có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, nền màu trắng. Nội dung thể hiện bên trong chủ đạo là màu đen hoặc màu đỏ.
+ Vạch kẻ đường thể hiện đa dạng bằng các hình vẽ, các đường kẻ sọc…được sơn bằng các màu trắng hoặc vàng trên mặt đường.
3. Chấp hành báo hiệu đường bộ
Căn cứ theo Điều 11 Luật giao thông đường bộ số 23/20008/QH13 ngày 13/11/2008, quy định việc chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:
“ Điều 11. Chấp hành báo hiệu đường bộ
- Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
- Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
- Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
- Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.”
– Căn cứ theo hướng dẫn trên, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiến giao thông, nếu không chấp hành thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
+ Trường hợp người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô thì sẽ phạt tiền từ 200.000 đồng – 400.000 đồng (Căn cứ theo Khoản 1, Điều 5, Nghị Định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.)
+ Trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (Căn cứ theo Khoản 1, Điều 6, Nghị Định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.)
+ Trường hợp người đi bộ vi phạm sẽ bị phạt từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng (Căn cứ theo Khoản 1, Điều 9, Nghị Định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.)