Quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp 1946 - Biểu mẫu
Văn Phòng Luật LVN
Trang chủ - ACC - Quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp 1946

Quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp 1946

Bài viết dưới đây đề cập đến quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp 1946. Hãy cùng LVN Group theo dõi nội dung trình bày dưới đây !.

Quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp 1946

Công dân

Khái niệm công dân trước hết biểu hiện tính chất đặc biệt của mối quan hệ pháp lý giữa Nhà nước với một số người nhất định.

Khái niệm công dân hẹp hơn khái niệm cá nhân, bởi cá nhân bao gồm những người là công dân và cả những người không phải là công dân. Chúng ta đều biết trong một quốc gia không những chỉ có công dân của quốc gia đó mà còn có công dân nước ngoài và những người không phải là công dân vì không có quốc tịch. Vậy công dân là gì?

Công dân là sự xác định một thể nhân về mặt pháp lý thuộc về một nhà nước nhất định. Nhờ sự xác định này con người được hưởng chủ quyền của nhà nước và được nhà nước bảo hộ quyền lợi khi ở trong nước cũng như ở nước ngoài; đồng thời cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định đối với nhà nước. Theo khoản 1 Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 thì công dân nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, khái niệm công dân gắn liền với khái niệm quốc tịch. Quốc tịch là mói liên hệ bền vững của một thể nhân với một nhà nước nhất định. Quốc tịch Việt Nam là căn cứ duy nhất để xác định một người là công dân Việt Nam.

 

Quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp năm 1946 

Hiến pháp năm 1946 gồm 70 điều được chia thành 07 chương và lời nói đầu. Trong đó, các nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân được ghi nhận tại Chương II với tên gọi “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” gồm 18 điều. Qua quá trình nghiên cứu, Chương II Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện những tư tưởng tiến bộ, giá trị nổi bật về quyền tự do, dân chủ của nhân dân Việt Nam, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thứ tự, Chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” đứng vị trí thứ hai trong Hiến pháp năm 1946. Điều này thể hiện sự đề cao, coi trọng của Nhà nước ta trong việc ghi nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Nội dung về quyền công dân trong Hiến pháp năm 1946 chỉ đứng sau một chương duy nhất là Chương “Chính thể” đã cho thấy vai trò nền tảng của chế định về quyền công dân cũng như khẳng định, làm rõ hơn mục đích và bản chất nhà nước ta là Nhà nước do nhân dân làm chủ. Do vậy, các quy định về địa vị pháp lý của nhân dân Việt Nam đã được đặt ở một vị trí rất trang trọng, chỉ đứng sau các quy định về cách thức chính thể, nguồn gốc quyền lực, tuyên bố chủ quyền của chương đầu tiên. Mặt khác, cách quy định này cũng phù hợp với bố cục của đa số các bản Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới.

Thứ hai, về nội dung, Chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” đã cơ bản ghi nhận được những nghĩa vụ và quyền tự do của nhân dân Việt Nam. Theo đó, công dân Việt Nam có các nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật và nghĩa vụ đi lính. Về quyền lợi, lần đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp đã ghi nhận quyền bình đẳng của công dân Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, đồng thời khẳng định mọi công dân đều có thể tham gia vào chính quyền và công cuộc xây dựng đất nước. Mặt khác, Hiến pháp năm 1946 cũng quy định “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi mặt”. Các quy định này của Hiến pháp năm 1946 đã mở ra cơ sở xã hội rộng rãi để người dân có thể tham gia vào việc xây dựng chính quyền và thực hiện các công việc của đất nước, đồng thời thể hiện tư tưởng tiến bộ trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của công dân.

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 1946 đã bước đầu ghi nhận một số quyền tự do cần thiết của người dân Việt Nam trong lĩnh vực chính trị và dân sự như tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và nước ngoài… Mặt khác, Hiến pháp năm 1946 cũng rất chú trọng đến việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho những nhóm yếu thế trong xã hội như quyền được giúp đỡ của công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc, quyền được giúp đỡ và học bằng tiếng dân tộc của người dân thiểu số… Những quy định này của Hiến pháp năm 1946 một mặt tạo nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phần dân cư trong xã hội, góp phần cụ thể hóa nguyên tắc đoàn kết toàn dân được nêu trong lời nói đầu, mặt khác thể hiện những giá trị nhân văn cao quý về bản chất của một Nhà nước dân chủ ưu việt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam[1]. Trong lĩnh vực chính trị, vai trò của nhân dân với các quyết định lớn của Nhà nước được tăng cường với quy định độc đáo tại Điều 21 Hiến pháp năm 1946: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Quy định về thủ tục phúc quyết một lần nữa được nhắc đến tại Điều 70 Hiến pháp năm 1946 về thủ tục sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền được tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước của nhân dân chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 với thủ tục phúc quyết. Quy định này của Hiến pháp năm 1946 đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có thể chủ động tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, đồng thời phản ánh rõ bản chất nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân và tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Thứ ba, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, nội dung về quyền công dân trong Hiến pháp năm 1946 vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trước hết, do ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, chiến tranh gần kề và bộ máy chính quyền còn non trẻ nên tinh thần chủ đạo của Hiến pháp năm 1946 là thiết lập một Nhà nước thống nhất, mạnh mẽ để lãnh đạo nhân dân vượt qua những mối đe dọa từ nhiều phía. Do vậy, các quy định trong chương về quyền công dân nhìn chung chỉ mới dừng lại ở mức cơ bản, chưa mở rộng ra được nhiều lĩnh vực. Một số quyền cần thiết của người dân về kinh tế, văn hoá, xã hội chưa được quy định một cách trọn vẹn. Mặt khác, Hiến pháp năm 1946 cũng chưa thể hiện sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân.

 

Trên đây LVN Group đã đề cập đến quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp 1946. Trong quá trình nghiên cứu nếu có vấn đề câu hỏi xin vui lòng liên hệ website của Công ty Luật LVN Group để được trả lời.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com