QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG NGÀNH THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2020 – 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2095/TTr-SNN ngày 18 tháng 10 năm 2021 về Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận – huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG NGÀNH THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2020 – 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 4306/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất lĩnh vực thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2021 – 2025
– Nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản:
+ Từ 70% trở lên nông, ngư dân tại vùng ven biển, vùng nuôi tập trung và cán bộ quản lý thủy sản các cấp được phổ biến tuyên truyền, tập huấn về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa;
+ Từ 80% trở lên cán bộ quản lý rừng phòng hộ, hộ dân giữ rừng phòng hộ được tuyên truyền về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa.
– Giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần:
+ Từ 10% trở lên tàu khai thác thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần;
+ Giảm 30% sử dụng phao xốp trong nuôi biển;
+ Từ 30% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng một lần bằng loại vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần.
– Nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản:
+ Từ 50% trở lên tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa (sinh hoạt, sản xuất) mang về bờ, tập trung tại các điểm thu gom, chuyên các đơn vị có chức năng xử lý;
+ Từ 70% trở lên cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý;
+ Từ 50% trở lên cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý;
+ 80% các cơ sở sản xuất – ương dưỡng giống thủy sản, các cơ sở kinh doanh vật tư thủy sản thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyến các đơn vị có chức năng xử lý;
+ 100% các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu và 50% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại nguồn trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý;
+ Từ 70% trở lên các bến cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý.
b) Giai đoạn 2026 – 2030
– Nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản:
+ 100% nông, ngư dân tại vùng ven biển, vùng nuôi tập trung và cán bộ quản lý thủy sản các cấp được phổ biến tuyên truyền, tập huấn về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa;
+ 100% cán bộ quản lý rừng phòng hộ, hộ dân giữ rừng được tuyên truyền về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa.
– Giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần:
+ Từ 20% trở lên tàu khai thác thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần;
+ Giảm 50% sử dụng phao xốp trong nuôi biển;
+ Từ 80% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng một lần bằng loại thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần.
– Nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản:
+ 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa (sinh hoạt, sản xuất) mang về bờ, tập trung tại các điểm thu gom, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý;
+ 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý;
+ Từ 70% trở lên các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý;
+ 90% các cơ sở sản xuất – ương dưỡng giống thủy sản, các cơ sở kinh doanh vật tư thủy sản thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyên các đơn vị có chức năng xử lý;
+ 80% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại nguồn trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý;
+ 100% bến cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen của cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan
a) Nội dung chủ yếu
– Biên soạn tài liệu cho các lớp tập huấn, tài liệu tuyên truyền đảm bảo dễ hiểu, cụ thể, phù hợp với từng loại đối tượng, từng loại nghề; xây dựng, in ấn tờ rơi, biểu ngữ… phân phát cho người dân, đặt ở nơi tập trung của cộng đồng;
– Đa dạng hóa các cách thức tuyên truyền và lồng ghép nội dung tuyên truyền về rác thải nhựa trong các đợt tuyên truyền bảo vệ môi trường trong các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư;
– Phát huy vai trò của tổ chức thanh thiếu niên, phụ nữ, hội nghề nghiệp… làm đầu tàu gương mẫu, tổ chức thường xuyên các đợt làm sạch môi trường biển, ven biển, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, bến cá trên địa bàn;
– Tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 3T (Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế) trong hoạt động sản xuất thủy sản và cộng đồng ngư dân ven biển;
– Thực hiện mô hình “Nói không với túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần” tại Rừng phòng hộ Cần Giờ.
b) Thời gian và trách nhiệm thực hiện
– Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2030.
– Trách nhiệm thực hiện:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì biên soạn các tài liệu tuyên truyền, in ấn tờ rơi, biểu ngữ nâng cao nhận thức cộng đồng nông ngư dân địa phương; lồng ghép nội dung tuyên truyền về rác thải nhựa trong các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, trong đó tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 3T (Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế) trong hoạt động sản xuất thủy sản và cộng đồng ngư dân ven biển; phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ tổ chức tuyên truyền cho cán bộ Ban Quản quản lý và hộ dân giữ rừng phòng hộ về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa;
+ Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các đơn vị báo chí Thành phố tăng cường thời lượng, thông tin chính xác trọn vẹn công tác tuyên truyền về kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền các nội dung qua hệ thống thông tin cơ sở bằng nhiều cách thức phù hợp, hiệu quả;
+ Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tổ chức các phong trào làm sạch môi trường biển, ven biển, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, bến cá; chỉ đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ thực hiện mô hình “Nói không với túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần”;
+ Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận – huyện thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao trách nhiệm cộng đồng nông ngư dân, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh giống thủy sản, vật tư nuôi trồng thủy sản trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản.
2. Giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom, phân loại từ nguồn, tái sử dụng, tái chế và từng bước thay thế sử dụng vật tư chuyên dùng bằng nhựa trong ngành thủy sản
a) Nội dung chủ yếu
– Khuyến khích cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ, tàu cá và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng, túi nhựa dùng một lần bằng loại thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển không sử dụng phao xốp trong nuôi biển;
– Tổ chức rộng rãi việc cam kết của các chủ tàu cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển không xả thải rác thải nhựa xuống biển và thu gom rác thải nhựa mang về bờ chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý; tổ chức cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển cam kết giảm sử dụng phao xốp trong nuôi biển;
– Xây dựng mô hình tổ đội tàu khai thác, nuôi trồng thủy sản (trên biển và đất liền), mô hình quản lý cộng đồng, cơ sở chế biến quy mô nhỏ sử dụng vật tư, dụng cụ chuyên dùng, bao gói thủy sản thay bằng các loại thân thiện với môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần và thu gom, thu đổi, phân loại rác thải nhựa tại các vùng ven biển, gắn với tiêu chí nông thôn mới, xây dựng làng nghề văn minh, sạch đẹp và phát triển dịch vụ du lịch làng nghề;
– Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu gom các ngư cụ bị mất, bị thải bỏ và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa tại Rừng phòng hộ Cần Giờ.
b) Thời gian và trách nhiệm thực hiện:
– Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2030.
– Trách nhiệm thực hiện:
+ Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tổ chức vận động nông dân, ngư dân làm cam kết thu gom rác thải nhựa, từng bước thay thế các vật tư chuyên dùng bao gói thủy sản thay bằng các loại thân thiện với môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; phát triển các tổ chức thu gom, xử lý rác thải; nhân rộng các mô hình thu gom, thay thế, tái sử dụng và tái chế; mô hình quản lý cộng đồng và mô hình xã hội hóa tổ chức thu gom, thu đổi, phân loại rác thải nhựa tại các vùng ven biển; phát các loại bao bì thân thiện môi trường cho cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ để dần thay đổi thói quen sử dụng túi nhựa dùng một lần; đề nghị Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ xây dựng kế hoạch và tổ chức thu gom các ngư cụ bị thải bỏ, thu gom, phân loại rác thải nhựa tại rừng phòng hộ;
+ Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận – huyện bố trí các thiết bị lưu chứa, các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp; xây dựng hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa tại các bến cá, khu dân cư ven sông, ven biển, nuôi trồng thủy sản … phù hợp với điều kiện của địa phương;
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền giảm sử dụng phao xốp trong nuôi biển; tổ chức cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biến cam kết giảm sử dụng phao xốp trong nuôi biển, khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển thay thế phao xốp trong nuôi biển bằng các loại vật tư phù hợp.
3. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản
a) Nội dung chủ yếu
– Nghiên cứu việc thay thế các loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản nhằm giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần hoặc nâng cao tuổi thọ sử dụng, phù hợp với từng ngành nghề, với loại sản phẩm, đặc điểm tự nhiên;
– Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ép nén, cắt… nhằm giảm thể tích, chứa đựng dễ dàng rác thải nhựa trên tàu khai thác thủy sản.
b) Thời gian và trách nhiệm thực hiện
– Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2030.
– Trách nhiệm thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản trên cơ sở đặt hàng của các đơn vị quản lý nhà nước.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận – huyện và các đơn vị, đơn vị có liên quan huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý để vận động, khuyến khích doanh nghiệp tích cực hưởng ứng phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản. Các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch được tổ chức thực hiện căn cứ vào Danh mục nhiệm vụ triển khai Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, xác định đơn vị chịu trách nhiệm chính, đơn vị phối hợp, thời gian thực hiện dự kiến, nhu cầu kinh phí và nguồn kinh phí. Định kỳ vào ngày 30 tháng 11 hàng năm, các đơn vị, đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân Thành phố (Phụ lục kèm theo)
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công nêu trên.
3. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí dự toán kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch này theo hướng dẫn. Nguồn kinh phí thực hiện: do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo hướng dẫn của pháp luật (nếu có).
Cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí trong nguồn ngân sách được phê duyệt và huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ khác theo hướng dẫn của pháp luật để tổ chức thực hiện Kế hoạch.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp chủ động xây dựng chương trình, nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch, có thể lồng ghép với các chương trình, sự kiện khác về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo; thông tin kết quả thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp.
Liên đoàn Lao động Thành phố, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tiếp tục phát huy vai trò xung kích, chủ động sáng tạo, tích cực triển khai các phong trào, hoạt động sâu rộng, tiến đến nói không với rác thải nhựa, cùng gia đình, cộng đồng và toàn xã hội thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG NGÀNH THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2020 – 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 4306/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố)