Thanh toán lương cho nhân viên nghỉ tai nạn lao động

Chị Lan có câu hỏi:

Em chào luật sư.

Luật sư cho em hỏi một chút trường hợp của chuyên viên bên em: Công ty em có một chuyên viên bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về vào ngày 05/09. Khi đến bệnh viện, chuyên viên được chuẩn đoán bị rạn xương hông nên phải điều trị tại bệnh viện. Đến ngày 06/10 chuyên viên đó điều trị ổn định và có đi giám định sức khoẻ thì bị suy giảm tỷ lệ là 35%. Sau khi điều trị ổn định và giám định sức khoẻ xong thì chuyên viên đó có đến một cơ sở y tế khác xin giấy 06 giấy nghỉ hưởng bảo hiểm để tiếp tục nghỉ. Trong đó có 04 giấy nghỉ bảo hiểm bác sĩ có ghi chuẩn đoán: ” bị rạn xương hông sau khi bị tai nạn giao thông” và được nghỉ 4 tuần, còn 02 giấy tiếp theo thì bác sĩ ghi bị rạn xương do tai nạn sinh hoạt và cho nghỉ tiếp 2 tuần nữa. Vậy luật sư cho em hỏi: trong trường hợp này thì Công ty em phải thanh toán lương cho người lao động đến thời gian nào? và theo luật nào ạ?

Em cám ơn luật sư rất nhiều.

Luật sư trả lời:

Thứ nhất, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường tai nạn:
Theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động. Theo đó, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“a) Tại nơi công tác và trong giờ công tác;
b) Ngoài nơi công tác hoặc ngoài giờ công tác khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi công tác trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này”
Đồng thời theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định:
“Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo khoản 1 Điều 39 và điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo khoản 1 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau: Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi công tác trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi công tác trước giờ công tác hoặc trở về sau giờ công tác. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi công tác và ngược lại”.
Vì vậy, người lao động bị tai nạn giao thông trong khoảng thời gian đi đến nơi công tác trước giờ công tác và trên tuyến đường thường xuyên đi từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi công tác được coi là tai nạn lao động. Nếu chuyên viên công ty bạn vi phạm về mặt thời gian hoặc địa điểm tai nạn theo hướng dẫn nêu trên thì không được coi là tai nạn lao động và công ty bạn đương nhiên không có nghĩa vụ bồi thường cũng như trợ cấp cho người lao động đó. Nếu người lao động có mua BHXH thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về bên BHXH. Tuy nhiên, trong trường hợp xác định được đó là khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì công ty bạn phải có các nghĩa vụ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động cho người lao động.
Thứ hai, về tính chính xác của việc xác định suy giảm tỉ lệ sức khỏe do tai nạn.
Theo như thông tin chúng tôi được gửi tới, chuyên viên công ty bạn đã chữa trị tại bệnh viện E sau khi nhập viện do tai nạn giao thông. Tuy nhiên sau khi đã điều trị ổn định và giám định sức khỏe, chuyên viên đó lại đến cơ sở y tế F để nhận thêm giấy xin nghỉ phép hưởng bảo hiểm.
Trường hợp này có thể thấy rằng không có sự thống nhất về việc chứng nhận sức khỏe của chuyên viên đó bởi chuyên viên chữa trị và tái khám ở hai cơ sở y tế hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, cần phải tiến hành việc giám định lại sức khỏe để xác định mức suy giảm khả năng lao động một cách chính xác nhất. Trên kết quả giám định đó mới có căn cứ để tính các khoản trợ cấp mà người lao động đó được nhận từ công ty bạn.
Thứ ba, về thời hạn bồi thường, chi trả trợ cấp cho người lao động khi bị tai nạn lao động.
Tại Khoản 7 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định:
“Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người”
Theo quy định nêu trên thì chỉ khi có kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động, mất sức lao động… mới có căn cứ xác định được mức trợ cấp, mức chi trả của công ty cho người lao động cũng như khoản tiền bồi thường (nếu có). Theo quy định thì thời hạn chi trả là 05 ngày kể từ ngày có kết quả giám định.
Trên đây là nội dung trả lời trường hợp bạn hỏi và hy vọng rằng sự tư vấn của tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu bạn có câu hỏi hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp điện thoại với tôi để được tư vấn cụ thể hơn.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com