Trái phiếu là một loại chứng khoán, được phát hành rộng rãi và phổ biến trên thị trường chứng khoán. Theo đó, Thị trường trái phiếu ở Việt Nam có nhiều biến động qua các năm. Bài viết dưới đây LVN Group sẽ điểm qua những điểm nổi bật của Thị trường trái phiếu năm 2021 để các bạn có cái nhìn tổng quát về thị trường trái phiếu ở Việt Nam năm 2021.
Thị trường trái phiếu năm 2021
1/ Trái phiếu là gì?
Theo Luật chứng khoán năm 2019 thì Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.
2/ Phân loại trái phiếu
2.1/ Phân loại theo người phát hành
Theo người phát hành, trái phiếu được phân thành 3 loại như sau:
– Trái phiếu của Chính phủ: Đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, Chính phủ phát hành trái phiếu để huy động tiền nhàn rỗi trong dân và các tổ chức kinh tế, xã hội. Chính phủ luôn được coi là Nhà phát hành có uy tín nhất trên thị trường. Vì vậy, trái phiếu Chính phủ được coi là loại chứng khoán có ít rủi ro nhất.
– Trái phiếu của doanh nghiệp: Là những trái phiếu do doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành để tăng vốn hoạt động. Trái phiếu doanh nghiệp có nhiều loại và rất đa dạng.
– Trái phiếu của ngân hàng và các tổ chức tài chính: Các tổ chức này có thể phát hành trái phiếu để tăng thêm vốn hoạt động.
2.2/ Phân loại lợi tức trái phiếu
Phân theo lợi tức trái phiếu thì trái phiếu được phân thành 03 loại như sau:
– Trái phiếu có lãi suất cố định: Là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá.
– Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi): Là loại trái phiếu mà lợi tức được trả trong các kỳ có sự khác nhau và được tính theo một lãi suất có sự biến đổi theo một lãi suất tham chiếu.
– Trái phiếu có lãi suất bằng không: Là loại trái phiếu mà người mua không nhận được lãi, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn.
3/ Khái quát thị trường trái phiếu năm 2021
3.1/ Về thị trường trái phiếu chính phủ năm 2021
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam thì:
– Trong năm 2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 50 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) với tổng giá trị gọi thầu đạt 431,000 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu chạm mức 318,213 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đạt 74%. Tổng giá trị trúng thầu giảm 1.8% so với năm 2020.
– Tổng giá trị TPCP phát hành trong năm 2021 đạt 98% kế hoạch năm. Trong năm 2021, Kho bạc Nhà nước đã có 2 lần điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP, lần đầu điều chỉnh tăng 23,000 tỷ đồng lên 373,000 tỷ đồng và lần thứ 2 điều chỉnh xuống 324,000 tỷ đồng.
– Trong năm 2021, tỷ trọng phát hành của các kỳ hạn không thay đổi nhiều so với năm 2020. Kỳ hạn 10 năm và 15 năm vẫn chiếm nhiều nhất, lần lượt đạt 42% và 33%.
– Lãi suất phát hành giảm ở tất cả các kỳ hạn. So với năm 2020, lãi suất ở các kỳ hạn giảm từ 35 đến 68 điểm, trong đó kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm có mức giảm mạnh nhất.
– Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,866 tỷ đồng TPCP trong năm 2021, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất là 3 năm, 5 năm và 10 năm. Tổng khối lượng giao dịch (KLGD) Outright TPCP của NĐTNN trong năm 2021 chiếm khoảng 0.57% tổng KLGD cả thị trường.
– Về trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (TPCPBL):
Trong năm 2021, tổng khối lượng TPCPBL đã phát hành đạt 21,524 tỷ đồng, trong đó có 11,024 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Ngân hàng Chính sách xã hội (phát hành 100% hạn mức theo QĐ số 945/QĐ-TTg ngày 15/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và 10,500 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam (đạt 61% hạn mức phát hành tối đa của năm theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 10/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh của cả 2 ngân hàng trên đều cao hơn lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn.
– Ngân hàng phát triển Việt Nam phát hành nhiều nhất ở kỳ hạn 10 năm (7,800 tỷ đồng), theo sau đó là kỳ hạn 5 năm (1,500 tỷ đồng) và 7 năm (1,200 tỷ đồng). Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ phát hành 2 kỳ hạn là 10 năm (7,400 tỷ đồng) và 15 năm (3,624 tỷ đồng).
3.2/ Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021
Tổng Khối lượng phát hành trong nước 2021: 658,009 tỷ đồng
Trong đó, tỷ lệ phát hành ra công chúng: 4.58% (thấp hơn rất nhiều so với năm 2020: 7.10%) Tổng số đợt phát hành trên thị trường trong nước: 1,033 đợt (tương ứng quy mô trung bình mỗi đợt phát hành: 636 tỷ đồng/đợt (gấp 2.8 lần so với năm 2020)) Tổng số đợt phát hành ra quốc tế: 04 đợt – 1,425 tỷ USD (tương ứng quy mô trung bình 356.25 triệu USD/đợt).
– Nhóm Ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất về khối lượng phát hành, với gần 40% khối lượng trái phiếu được phát hành vào Quý 4, nhằm huy động vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng cuối năm và tuân thủ các quy định theo Basel II.
– Trái phiếu DN Bất động sản chiếm 35% tổng KLPH, tiếp tục tăng mạnh về quy mô trong năm khi thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng trong năm qua.
Trong năm 2021 thì có 243 doanh nghiệp phát hành lần đầu, với khối lượng phát hành chiếm 40%. Trên 60% trong số đó là DN Bất động sản và xây dựng, tăng mạnh so với năm 2020, trong khi giảm ở hầu hết các nhóm ngành còn lại.
Bài viết trên là khái quát cơ bản Thị trường trái phiếu năm 2021. Từ đó thấy được những thuận lợi và khó khăn của thị trường trái phiếu Việt Nam và có những định hướng xây dựng mới để thị trường trái phiếu ngày càng có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.