Thực trạng thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam

Hiện nay, thị trường trái phiếu Chính phủ ở Việt Nam đang khá sôi động và phát triển. Thị trường trái phiếu Chính phủ đang phát triển trở thành thị trường chuẩn của thị trường tài chính. Bài viết dưới đây LVN Group sẽ khái quát về Thực trạng thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam để các bạn cân nhắc.

Thực trạng thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam

1/ Khái niệm phát triển  thị trường trái phiếu Chính phủ 

Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ là sự thay đổi các yếu tố của thị trường cả về định lượng và định tính theo hướng tích cực nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò của thị trường trái phiếu chính phủ. 

2/ Yêu cầu đối với phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ

– Đáp ứng nhu cầu về vốn của Chính phủ; 

– Thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; 

– Thúc đẩy phát triển thị trường vốn và thị trường chứng khoán; 

– Thị trường nợ chuẩn để các thị trường khác tham chiếu. 

3/ Lợi ích phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ 

– Hỗ trợ hoạt động quản lý thanh khoản của Ngân hàng Trung ương; 

– Cung cấp giải pháp thay thế đầu tư với ít hoặc không có rủi ro cho nhà đầu tư; 

– Duy trì và phát triển thị trường tài chính hiệu quả; 

– Cung cấp cơ sở hạ tầng thị trường thông qua một hệ thống thanh toán và một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh. 

4/Sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam

4.1/ Thị trường sơ cấp

Sau 12 năm hoạt động và phát triển, thị trường cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu của lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho thị trường trái phiếu Việt Nam, đó là phát triển thị trường trái phiếu ổn định, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Đến cuối năm 2020, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ đạt 28,28% GDP; tăng 11% về giá trị tuyệt đối so với năm 2019. Trong đó, dư nợ trái phiếu chính phủ kỳ hạn còn lại trên 5 năm chiếm 61,14%, tiếp theo là kỳ hạn 1-5 năm (27,4%), các kỳ hạn ≤ 1 năm chỉ chiếm 11,46%.

Trên thị trường sơ cấp, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020, và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020. Để huy động được lượng vốn hơn 2,47 triệu tỷ đồng này, đã có hơn 2.600 phiên đấu thầu được tổ chức tại HNX với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động vốn trên thị trường trái phiếu chính phủ đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho Ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4 đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại kỳ hạn 5 năm (giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 1%/năm trong 2021; kỳ hạn 10 năm (giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 2,06%/năm trong 2021). 

Hiện nay, thị trường trái phiếu chính phủ được đánh giá là đa dạng hóa sản phẩm và kỳ hạn phát hành. Theo đó, trên thị trường sơ cấp, ngoài sản phẩm cơ bản là trái phiếu trả lãi định kỳ (standard/long/short coupon), còn có các sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ. Việc đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành từ 3 tháng đến 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm đã góp phần nâng cao khả năng huy động vốn cho Ngân sách nhà nước,  tái cơ cấu danh mục trái phiếu chính phủ theo hướng bền vững, góp phần tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

4.2/ Thị trường thứ cấp

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch trái phiếu chính phủ không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường trái phiếu chính phủ phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tổng dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ tại HNX tính đến hết tháng 8/2021 đạt 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 8,7 lần quy mô năm 2009. Thanh khoản trái phiếu năm 2021 đạt mức 10,8 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 29,7 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch Repos theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009 lên mức 33% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2021. 

Trên thị trường thứ cấp, ngoài 2 sản phẩm cơ bản là Outright và Repos, trước xu thế phát triển mạnh của giao dịch Repos, vào cuối năm 2018, đã có thêm 2 sản phẩm Repos gồm Vay trái phiếu, Bán kết hợp mua lại được giới thiệu ra thị trường. Sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 5 năm bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2019 và mới đây là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 10 năm ra mắt vào tháng 6/2021 đã bổ sung thêm công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư. Tháng 7/2021, sản phẩm mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ từ nguồn Ngân sách nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước đã được triển khai chính thức, tạo thêm một kênh  mới, giúp các chủ sở hữu có thể bán lại trái phiếu chính phủ cho Kho bạc Nhà nước, lần đầu tiên mở ra cơ chế cho phép Kho bạc Nhà nước trở thành nhà đầu tư có thể mua lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp do chính tổ chức này phát hành.

Lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp năm 2020 tăng trong tháng 3 – tháng 4/2020 do tại thời gian này dịch bệnh Covid bùng phát. Tuy nhiên, do thanh khoản thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp có xu hướng giảm dần từ tháng 5/2020 đến cuối tháng 12/2020, lãi suất kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm ở mức 1,12%, 1,37%, 2,34%, 2,56% (mức lãi suất giao dịch thấp nhất từ trước đến nay). So với thời gian đầu năm 2020, lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam trên thị trường thứ cấp tại thời gian cuối năm giảm bình quân khoảng 100 điểm cơ bản ở hầu hết các kỳ hạn, là mức giảm mạnh nhất so với lãi suất trái phiếu chính phủ của các nước trong khu vực.

Các nguyên nhân giúp giảm lợi suất trái phiếu bao gồm: 

(1) Thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng năm 2020 tương đối dồi dào, lãi suất liên ngân hàng duy trì mức thấp đã giúp tăng nhu cầu đầu tư vào các tài sản phi rủi ro, trong đó có trái phiếu chính phủ. 

(2) Nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới đã củng cố niềm tin của thị trường vào các định hướng, giải pháp của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. 

Thị trường trái phiếu chính phủ được thành lập vào năm 2009, sau 12 năm hoạt động thị trường trái phiếu chính phủ được đánh giá là làm tốt vai trò trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cần thiết cho ngân sách nhà nước , gắn công tác phát hành trái phiếu chính phủ với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Bài viết trên là những nội dung mà LVN Group cập nhật với bạn đọc về chủ đề Thực trạng thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com