1. Tiền đặt cọc trong tiếng anh là gì?
Tiền đặt cọc trong tiếng anh là deposit.
Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trong đó:
– Chủ thể đặt cọc: gồm bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc. Hai bên phải có năng lực pháp luật dân sự , năng lực hành vi dân sự và tham gia giao dịch đặt cọc một cách tự nguyện. (Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự)
– Đối tượng của đặt cọc: là một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác và phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm (theo Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015).
– Hình thức đặt cọc: Bộ luật Dân sự không quy định bắt buộc đặt cọc phải lập thành văn bản như Bộ luật Dân sự. Riêng với trường hợp một tài sản đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ thì mới phải lập thành văn bản ở mỗi lần bảo đảm (Theo Điều 296 Bộ luật Dân sự). Do đó, với việc đặt cọc trong trường hợp không phải lập thành văn bản có thể thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản tùy vào sự thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch.
2. Mục đích của đặt cọc?
Tùy vào sự thỏa thuận của các bên và căn cứ vào thời gian đặt cọc với thời gian giao kết của hợp đồng được bảo đảm bằng biện pháp đặt cọc để xác định mục đích của việc đặt cọc. Việc đặt cọc có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng, có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc thực hiện hợp đồng nhưng cũng có thể mang cả hai mục đích đó.
Khác với các biện pháp bảo đảm khác, thời gian phát sinh thỏa thuận đặt cọc có thể là cùng hoặc sau khi kí kết hợp đồng chính thức, tức là khi các chủ thể đã có quan hệ nghĩa vụ, cũng có thể phát sinh trước khi giữa các chủ thể kí kết hợp đồng chính thức. Mục đích của đặt cọc do các bên chủ thể thỏa thuận.
Việc chỉ ra mục đích của đặt cọc có ý nghĩa cần thiết để xác định hiệu lực của đặt cọc.
– Trường hợp các bên đã thỏa thuận rõ mục đích đặt cọc thì theo sự thỏa thuận đó. (Theo Điều 293 và Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự)
– Trường hợp thỏa thuận đặt cọc được phát sinh trước khi các bên giao kết hợp đồng chính mà các bên không thỏa thuận về mục đích của đặt cọc thì biện pháp đặt cọc đó sẽ đảm bảo cả việc giao kết và thực hiện hợp đồng. (Theo Điều 293 và Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự)
– Trường hợp thỏa thuận đặt cọc được phát sinh sau khi hợp đồng đã được giao kết thì mục đích của đặt cọc là nhằm thực hiện hợp đồng. (Theo Điều 293 và Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự).