Ma tuý vẫn đang còn là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Những tác hại và hậu quả của ma tuý vẫn đang tác động và gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta từng ngày, từng giờ. Vì vậy, “chung tay đẩy lùi ma tuý” và “giảm thiểu tác hại” của ma tuý không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị nhà nước hay các tổ chức liên quan đến việc phòng chống ma tuý mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 đã quy định chi tiết, cụ thể về các tội danh và hình phạt của Tội phạm ma túy. Bài viết hôm nay của Luật LVN Group với chủ đề Tìm hiểu các quy định về tội phạm ma túy trong Bộ luật Hình sự 2015 sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về tội phạm ma túy nhờ đó biết cách phòng tránh, ngăn ngừa, chống lại tệ nạn nguy hiểm này.
1. Ma túy là gì?
Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”.
Cũng theo Tổ chức y tế thế giới: Ma túy theo nghĩa rộng nhất là “Mọi thực thể hoá học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khoẻ bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”.
Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, cũng đưa khái niệm về chất ma túy như sau: Chấy ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.
2. Khái niệm tội phạm về ma túy
Tội phạm về ma túy là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm chế độ thống nhất quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy và các loại thuốc gây nghiện, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và tính mạng, sức khỏe con người và sự phát triển bình thường của nòi giống dân tộc.
3. Các quy định về tội phạm ma túy trong BLHS 2015
Các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XX với 13 điều luật từ Điều 247 đến Điều 259 (tăng 04 điều so với BLHS năm 1999), cụ thể như sau:
Điều 247: Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.
Điều 248: Tội sản xuất trái phép chất ma túy.
Điều 249: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Điều 250: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Điều 251: Tội mua bán trái phép chất ma túy.
Điều 252: Tội chiếm đoạt chất ma túy.
Điều 253: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
Điều 254: Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
Điều 255: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 256: Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 257: Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 258: Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 259: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Việc tách từng hành vi thành từng điều luật riêng biệt sẽ dễ dàng cho các đơn vị điều tra, truy tố, xét xử trong việc định tội danh, xác định hình phạt. Vì mỗi hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau nhưng gộp chung trong một điều luật sẽ không đảm bảo tính khoa học và công bằng trong áp dụng pháp luật.
Về hình phạt: BLHS năm 2015 quy định mức án tử hình đối với 3 tội danh, đó là: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) và Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251). Trong khi theo hướng dẫn tại Điều 194 BLHS năm 1999, thì các hành vi“tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy” đều có thể bị áp dụng hình phạt tử hình.
Có 06 tội danh BLHS năm 2015 quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255); Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (điều 257) và Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258).
Bên cạnh hình phạt tù, BLHS năm 2015 còn quy định hình phạt tiền đối với tất cả 13 điều luật với mức phạt thấp nhất là 5.000.000 đồng (tăng 4 triệu đồng so với BLHS năm 1999) và cao nhất là 500.000.000 đồng. Trong đó:
- Có 06 tội danh: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Tội chiếm đoạt chất ma túy (điều 252) và Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 254) có cùng mức phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
- Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
- Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256) có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
- Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257) và Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258) đều có mức phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Đối với Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (Điều 259) có hai mức phạt tiền khác nhau. Khung 1 mức phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng và khung 3 có mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
- Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247) có mức phạt tiền thấp nhất trong các tội phạm về ma túy là từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
4. Các câu hỏi thường gặp
Ma túy có những loại nào?
Dựa vào nguồn gốc của ma tuý, người ta phân chia thành 3 loại:
- Ma túy tự nhiên: Đây là các chất ma tuý có sẵn trong tự nhiên, là alcaloid của một số thực vật như cây thuốc phiện (anh túc), cây cần sa (cây gai dầu), cây coca (cocain).
- Ma túy bán tổng hợp: Là các chất ma túy được tổng hợp một phần từ một số loại ma tuý có sẵn trong tự nhiên, có tác dụng mạnh hơn chất ma túy ban đầu. Ví dụ: Morphin, heroin.
- Ma túy tổng hợp: Là nhóm các chất ma túy không có trong tự nhiên. Ma túy tổng hợp được tổng hợp nên từ các loại hóa chất (các hóa chất này được gọi là tiền chất): ví dụ: Amphetamin, MDMA, ecstasy, ma túy đá…
Sử dụng ma túy có bị coi là tội phạm không?
Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì các hành vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự hiện nay không bao gồm hành vi sử dụng ma túy trái phép. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm. Tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo hướng dẫn.
Tội phạm ma túy có được hưởng án treo không?
Cho đến nay, không có điều luật nào quy định cụ thể các tội phạm về ma túy thì không được hưởng án treo. Tùy theo nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án sẽ cho hưởng án treo.
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 65 BLHS 2015, sửa đổi 2017; Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn Điều 65 BLHS 2015; điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP.