Tài sản được quy định rất cụ thể trong Bộ luật dân sự 2015 và người có tài sản bị xâm phạm, đủ yếu tố cấu thành theo hướng dẫn của pháp luật hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, đất đai là thuộc sở hữu của toàn dân, cá nhân, tổ chức được Nhà nước cho phép sử dụng qua các cách thức giao đất, cho thuê đất,…theo đúng quy định. Vì vậy, khi một người chiếm đoạt tài sản là đất đai thì pháp luật có những hình phạt cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ cùng bạn Tìm hiểu về tội chiếm đoạt tài sản là đất đai và mức phạt mới nhất năm 2023 để các bạn có những kiến thức pháp lý hữu ích về vấn đề trên.
Tìm hiểu tội chiếm đoạt tài sản là đất đai và mức phạt mới nhất năm 2023
1/ Tội chiếm đoạt tài sản là gì?
Chiếm đoạt tài sản là một hành vi của các chủ thể nhằm mục đích cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của người khác vào phạm vi sở hữu của chính bản thân mình. Chiếm đoạt được hiểu là quá trình mà các chủ thể vừa làm cho chủ tài sản mất hẳn tài sản (chủ tài sản sẽ mất khả năng thực tiễn thực hiện quyền sở hữu của mình) vừa để tạo cho chủ thể là người chiếm đoạt có được tài sản đó (người chiếm đoạt có khả năng thực tiễn thực hiện việc chiếm hữu, việc sử dụng và việc định đoạt tài sản).
Hành vi chiếm đoạt tài sản coi là bắt đầu khi chủ thể là người chiếm đoạt bắt đầu thực hiện việc làm mất khả năng chiếm hữu của chủ tài sản để nhằm mục đích có thể tạo khả năng đó cho mình. Hành vi chiếm đoạt tài sản này hoàn thành khi người chiếm đoạt đã làm chủ được tài sản chiếm đoạt (đã chiếm đoạt được tài sản đó).
Công ty Luật LVN Group sẽ gửi tới thông tin tới quý bạn đọc những quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội chiếm đoạt tài sản trái phép
2/ Tội chiếm đoạt tài sản là đất đai là gì?
Chiếm đoạt tài sản là đất đai là hành vi lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc quyền quản lý, sở hữu của người khác vào phạm vi sở hữu của mình.
3/ Căn cứ pháp lý
– Điều 12 Luật đất đai 2013
– Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
– Điều 228 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017
4/ Cấu thành tội chiếm đoạt tài sản là đất đai
– Về chủ thể: Chủ thể của tội này là người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 12 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
– Về khách thể: Hành vi phạm tội chiếm đoạt đất đai xâm phạm đến chế độ quản lý và sử dụng đất đai của nhà nước.
– Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
– Về mặt khách quan: Có một trong các hành vi lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai:
+ Lấn chiếm đất: là việc tự chuyển dịch cột mốc giới sang đất của người khác hoặc đất công cộng để mở rộng diện tích đất của mình. Bên cạnh đó, còn có hành vie lấn chiếm đất trong trường hợp đất do nhà nước tạm giao hoặc cho mượn trong thời gian thi công công trình sau đó không trả lại đất hoặc việc sử dụng đất của người khác, đất công cộng mà không được pháp luật cho phép cùng được xem là phạm tội chiếm đoạt tài sản là đất đai.
+ Chuyển quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật: là chuyển quyền (bao gồm các hình thức: chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn) sử dụng đất cho người khác khi không đủ điều kiện chuyển quyền, hay cấm chuyển nhượng.
+ Sử dụng đất trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai: là trường hợp người sử dụng đất đã không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về sử dụng đất.
Lưu ý:
– Phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi nêu trên hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
– Trường hợp không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tội chiếm đoạt đất đai như nêu ở trên, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
5/ Mức phạt đối với tội chiếm đoạt tài sản là đất đai
Căn cứ vào Điều 228 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai thì khung hình phạt của tội chiếm đoạt tài sản đất đai được quy định như sau:
“1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Theo đó, mức phạt thấp nhất đối với tội này là phạt tiền và cao nhất là phạt tù lên đến 07 năm.
6/ Các câu hỏi có liên quan
6.1/ Cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu đất đai không?
Căn cứ vào quy định của pháp luật, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, cá nhân, tổ chức chỉ có quyền sử dụng thông qua việc giao đất, cho thuê đất,…
6.2/ Có áp dụng hình phạt bổ sung cho tội chiếm đoạt tài sản là đất đai không?
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 228 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì có áp dụng hình phạt bổ sung là người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6.3/ Hình phạt tù cao nhất đối với chiếm đoạt tài sản là đất đai là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 228 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì hình phạt tù cao nhất đối với tội chiếm đoạt tài sản là đất đai là 07 năm.
Luật LVN Group cập nhật với bạn đọc những thông tin pháp lý cơ bản về tội chiếm đoạt tài sản là đất đai và mức phạt mới nhất năm 2023. Các bạn trong quá trình nghiên cứu có câu hỏi pháp lý liên quan, hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được trả lời.