Mới đây, Công an tỉnh ban hành Đề án phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, tạo lập tài sản trái phép trên đất quy hoạch, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mang lại hiệu quả tích cực; giải quyết, xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, góp phần đảm bảo ANTT, bảo vệ tài sản cho nhân dân. Mời bạn đọc theo dõi nội dung trình bày tình hình tội phạm về đất đai dưới đây.
1. Những sai phạm điển hình
Hiện nay, hành vi vi phạm, tình hình tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai vẫn diễn ra phức tạp trên cả nước nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng. Các hành vi chủ yếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về sử dụng đất đai; sử dụng giấy tờ, tài liệu giả; khai thác đất trái phép; tình trạng tự ý phân lô, tách thửa, bán đất nền trái pháp luật đối với đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở…; tạo “dự án ma” rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.
Điển hình như vụ việc của đối tượng Đỗ Thúy Miên, ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên lập dự án “ma” lừa đảo chiếm đoạt 30 tỷ đồng. Theo tài liệu của đơn vị điều tra, cuối năm 2020, Miên mua gom khoảng 6 ha đất trồng lúa, hoa màu, đất lâm nghiệp và đất rừng của một số hộ dân tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; xã Đạo Tú, huyện Tam Dương và xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên với giá chỉ từ 10 triệu đến 160 triệu đồng/sào (360m2).
Sau đó, Miên tự ý thuê người vẽ bản đồ quy hoạch, lập dự án khu đô thị, nhà ở để lừa bán 131 ô đất cho nhiều người, thu lời bất chính khoảng 30 tỷ đồng. Hiện tại, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang điều tra mở rộng vụ án.
Thượng tá Nguyễn Đức Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết: “Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, hám lợi của người dân, trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, xây dựng còn nhiều sơ hở, bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất, nhất là việc cho phép phân lô, tách thửa đối với từng loại đất, kể cả đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp và sự buông lỏng quản lý, giám sát ngay từ chính quyền cơ sở, các đối tượng phạm tội tự ý xây dựng, ký hợp đồng chuyển nhượng và thu tiền của khách hàng khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Hoặc, các đối tượng sử dụng các công ty con thu gom đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp ở các địa bàn “sốt” đất, sau đó, tự ý lập dự án phân lô, tách thửa, tự ý xây dựng cơ sở hạ tầng; giao cho công ty mẹ hoặc công ty môi mới bất động sản quảng cáo sai sự thật, chào bán dưới nhiều cách thức, nhất là, bán đất nền theo cách thức kinh doanh đa cấp với lãi suất cao.
Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cũng phát hiện tình trạng các đối tượng thành lập doanh nghiệp bất động sản, tập hợp các đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, gây sức ép với các đơn vị quản lý, người dân để lấn chiếm đất đai, phân lô bán nền, xây dựng trái phép, thao túng hoạt động “đấu giá” tại các dự án bất động sản… gây phức tạp tình hình an ninh trật tự”.
2. Tăng cường đấu tranh, xử lý
Trong năm 2021, lực lượng công an đã tham mưu, phối hợp với UBND các cấp xử lý dứt điểm hơn 1.300 trường hợp vi phạm cũ, gần 500 trường hợp vi phạm mới phát sinh về đất đai. Các lực lượng trong Công an tỉnh đã khởi tố 11 vụ án hình sự với 11 bị can liên quan đến vi phạm đất đai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo lập tài sản trái phép trên đất quy hoạch, giải phóng mặt bằng hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguyên nhân do phần lớn các trường hợp vi phạm đã sử dụng ổn định, lâu dài về đất đai, công trình vi phạm có giá trị lớn, khi củng cố hồ sơ xử lý, người vi phạm chống đối quyết liệt gây khó khăn trong việc xử lý; quy định về xử lý vi phạm liên quan đến đất đai chưa được cụ thể, có sự khác nhau hoặc chồng lấn giữa các quy định. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa chỉ đạo quyết liệt, có biểu hiện buông lỏng, né tránh, e ngại trong xử lý các vi phạm…
Trước tình hình tội phạm trên, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, cấp phép xây dựng; thông tin, tuyên truyền rộng rãi, công khai, minh bạch các dự án đã được cấp phép ở địa phương để người dân được tiếp cận nguồn thông tin chính thống và cảnh báo những dự án có dấu hiệu lừa đảo.
Đồng thời, chủ động phối hợp với sở, ngành chức năng rà soát, nắm tình hình các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, được chấp thuận đầu tư đang triển khai xây dựng, các dự án đang xin chủ trương đầu tư, kịp thời phát hiện việc mua bán, chuyển đổi các dự án có dấu hiệu vi phạm, nhất là các dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, các dự án “ma” ngay từ cấp xã, phường, thị trấn… để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tự ý phân lô, tách thửa, bán đất nền trái quy định của pháp luật.
Tập trung làm rõ các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi trong các đơn vị quản lý nhà nước; quyết liệt đấu tranh, xử lý nghiêm các băng nhóm tội phạm hoạt động kiểu “xã hội đen” lấn chiếm đất, tự ý phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, ép giá, chèn ép khách hàng, thao túng hoạt động “đấu giá” tại các dự án bất động sản.
3. Giải đáp có liên quan
Tội phạm hình sự trong lĩnh vực đất đai được quy định Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thế nào?
Tội phạm hình sự trong lĩnh vực đất đai được quy định Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, bao gồm:
- Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai;
- Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai;
- Điều 230. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Các yếu tố cấu thành cơ bản tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (Điều 228)
1/ Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:
– Về hành vi: Có một trong các hành vi lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
(a) Lấn chiếm đất được hiểu là việc tự chuyển dịch cột mốc giới sang đất của người khác hoặc đất công cộng để mở rộng diện tích đất của mình. Cũng được coi là lấn chiếm đất trong trường hợp đất do nhà nước tạm giao hoặc cho mượn trong thời gian thi công công trình sau đó không trả lại đất hoặc việc sử dụng đất của người khác, đất công cộng mà không được pháp luật cho phép.
(b) Chuyển quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật. Được hiểu là chuyển quyền (bao gồm các hình thức: chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn) sử dụng đất cho người khác khi không đủ điều kiện chuyển quyền, hay cấm chuyển nhượng. Ví dụ: chuyển quyền sử dụng đất khi chưa có giấy chứng nhận, chuyển quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện về tách thửa, không đăng ký khi thực hiện việc chuyển quyền,…
(c) Sử dụng đất trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Là trường hợp người sử dụng đất đã không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về sử dụng đất. Ví dụ: sử dụng đất sai mục đích,…
– Các dấu hiệu khác: Phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi nêu trên hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
2/ Khách thể của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai:
Hành vi phạm tội xâm phạm đến chế độ quản lý và sử dụng đất đai của nhà nước.
3/ Mặt chủ quan của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai:
Người phạm tội với lỗi cố ý.
4/ Chủ thể của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai: chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
XEM THÊM:>>>Nội dung thuyết bắt chước trong tội phạm học
Trên đây là nội dung trình bày về tình hình tội phạm về đất đai mà bạn đọc có thể cân nhắc. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi nội dung trình bày.