1. Giới thiệu tác giả

Bộ Sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ gồm 02 cuốn sách: Hỏi đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Bộ Sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Bộ Sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Tác giả: Thanh tra Chính Phủ

Nhà xuất bản Tư Pháp

3. Tổng quan nội dung sách

Tham nhũng là tệ nạn gắn liền với quyền lực nhà nước. Nó làm suy yếu bộ máy chính trị, tiêu cực trong xã hội, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước. Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ hàng đầu cần kiên quyết thực hiện ở mọi giai đoạn để xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký lệnh công bố vào ngày 04/12/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012).  

Nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm được những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật, từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, trong khuôn khổ Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 – 2021” được phê duyệt theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ biên soạn và phát hành 02 cuốn sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng: Hỏi đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Trong đó:

Nội dung cuốn sách “Hỏi đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng” tập trung vào những điểm mới và những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng như: Phạm vi điều chỉnh; các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; trách nhiệm của các chủ thể trong phòng, chống tham nhũng…, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Nội dung sách được viết cô đọng dưới dạng các câu hỏi – đáp, thuận tiện cho bạn đọc trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về pháp luật phòng, chống tham nhũng. Cấu trúc chương mục cuốn sách như sau:

I. Một số vấn đề chung

II. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

2.1. Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

2.2. Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

2.3. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích

2.4. Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn

2.5. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt

2.6. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

III. Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

IV. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng

V. Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

VI. Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

VII. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

VIII. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng

IX. Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

X. Chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng

Nội dung cuốn “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” gồm:

Phần A: Sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

1. Ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005

2. Xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mới nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng

3. Xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mới để đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật khác được Quốc hội thông qua và nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng

Phần B: Nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các nghị định hướng dẫn thi hành

Chương I. Những quy định chung

Chương II. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Mục 1. Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Mục 2. Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Mục 3. Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Mục 4. Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Mục 5. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt

Mục 6. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Chương III. Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Mục 1. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Mục 2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán

Mục 3. Phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng

Chương IV. Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng

Chương V. Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Chương VI. Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Mục 1. Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng

Mục 2. Áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

Chương VIII. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng

Chương IX. Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Mục 1. Xử lý tham nhũng

Mục 2. Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng

4. Đánh giá bạn đọc

Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng mà nhà nước cần quyết liệt thực hiện để xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin trong nhân dân, tập trung phát triển kinh tế, tiến tới xây dựng đất nước phát triển phồn vinh

Hai cuốn sách được biên soạn đã hệ thống toàn diện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng hiện hành là tài liệu chất lượng phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng sâu rộng trong cơ quan, đơn vị và trong quần chúng nhân dân.

5. Kết luận

Trên đây là chia sẻ tổng quan của chúng tôi về nội dung bộ sách pháp luật về phòng chống tham nhũng”. Cơ quan, đơn vị, tổ chức cần triển khai công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng thì đây là tài liệu nên lựa chọn.

Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và giới thiệu những cuốn sách luật hay và hữu ích trong chuyên mục “Sách luật” trong thời gian tới. Rất mong nhận được sự quan tâm và theo dõi của đông đảo bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ “Bộ Sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng” của Thanh tra Chính phủ.

Câu hỏi 1: Căn cứ để quyết định xác minh tài sản, thu nhập trong công tác phòng chống tham nhũng là gì?

Theo quy định tại Điều 41 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;

b) Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;

c) Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;

d) Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;

đ) Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật này.

Câu hỏi: Chủ thể nào có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập trong phòng chống tham nhũng?

Theo quy định tại Điều 42 Luật phòng chống tham nhũng, thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập được quy định như sau:

Thứ nhất, khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 41 hoặc khi xét thấy cần có thêm thông tin để phục vụ cho công tác cán bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập:

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước;

b) Chủ tịch nước yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

c) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Thứ trưởng và chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

đ) Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp;

g) Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu xác minh đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

h) Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội;

i) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có nghĩa vụ kê khai yêu cầu hoặc kiến nghị xác minh đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản này.

Thứ hai, cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xét thấy cần làm rõ về tài sản, thu nhập có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.