1. Caddie là gì?

Caddie hay Caddy golf là những nhân viên có nhiệm vụ bảo quản, chăm sóc gậy chơi golf cho các golfer (người chơi môn thể thao golf), theo dõi đường đi của bóng, ghi điểm cho người chơi, đánh dấu khi bóng sắp vào lỗ và thực hiện các công việc hỗ trợ khác cho người chơi golf. Caddie được ví như “người bạn đồng hành” hay “người phụ tá” đắc lực không thể thiếu trên sân golf. Ngoài ra, nhiều Caddie còn tham gia tư vấn, hỗ trợ golf thủ trong tư thế, lựa chọn gậy và cách đánh golf chuẩn trên sân.

Caddy golf bắt nguồn từ từ “Le Cadet” trong tiếng Pháp có nghĩa là “cậu bé” hoặc chỉ những thành viên nhỏ tuổi trong gia đình. Bắt đầu từ thế kỷ 18, những từ như “Cady”, “Caddy” hay “Caddie” bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Sau đó, những từ này được thêm vào từ điển Oxford từ năm 1730 và sử dụng rộng rãi đến bây giờ. Vào năm 1875, Caddy được dùng với nghĩa là những người cầm gậy, mang gậy golf trên sân.

Ở Việt Nam hiện nay, đa phần Caddie đều là nữ giới, lượng Caddie là nam giới chiếm số lượng khá nhỏ.

 

2. Công việc của Caddie trên sân golf

2.1. Phục vụ khách chơi golf

– Kéo túi chứa gậy của khách chơi golf, bảo vệ gậy không bị hư hỏng, đưa đúng gậy golf cho khách.

– Theo dõi đường đi của bóng, ghi điểm cho người chơi, đánh dấu khi bóng gần vào lỗ.

– Cào hố cát, thay thế các tảng đất cỏ.

– Sửa lại các điểm phát bóng để thuận tiện cho khách chơi.

– Lau chùi gậy và bóng golf khi cần thiết trong quá trình khách chơi.

– Che nắng, cung cấp nước uống, khăn lau mồ hôi, khăn lạnh và cổ vũ khách chơi golf.

– Đảm bảo theo sát khách chơi để sẵn sàng trợ giúp khi cần thiết.

 

2.2. Hướng dẫn khách chơi golf

Trong trường hợp khách chơi golf chưa biết cách chơi hoặc chưa am hiểu nhiều về golf, Caddie có nhiệm vụ hướng dẫn khách chơi đúng cách, điều chỉnh tư thế đúng cho khách khi chơi golf, tư vấn cho khách chọn loại gậy phù hợp, học thuộc địa hình sân, đoán khoảng cách từ bóng golf đến lỗ cờ, đoán hướng gió… để đưa ra ra những lời khuyên hữu ích cho người chơi.

 

2.3. Các công việc khác

– Nhắc nhở khách tuân thủ các quy định của sân golf và luật chơi golf.

– Giữ gìn vệ sinh khu vực khách chơi golf.

– Hỗ trợ ban quản lý bảo vệ, chăm sóc cảnh quan sân golf.

– Tham gia đầy đủ các cuộc họp định kỳ, đột xuất và làm các báo cáo công việc theo yêu cầu.

– Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khi được ban quản lý tạo điều kiện.

– Thực hiện các công việc khác khi được cấp trên yêu cầu.

 

3. Các kỹ năng mà Caddie cần có

Với một Caddie chuyên nghiệp, có 2 yêu cầu đầu tiên và bắt buộc là sức khoẻ và kiến thức về golf.

Caddie cần phải có sức khỏe tốt, dẻo dai vì khối lượng công việc thực hiện trong một trận golf rất lớn. Hơn nữa họ phải làm việc ở điều kiện ngoài trời, trên một sân golf rộng lớn và thời gian cũng không cố định, có thể sáng sớm hoặc tối muộn theo lịch của khách hàng. Vì vậy nếu không có sức khoẻ, Caddie sẽ không thể duy trì công việc được.

Caddie cần biết tất cả thuật ngữ về golf, luật chơi, các thiết bị như về các câu lạc bộ hiện có. Caddie cũng phải sẵn sàng đưa ra lời khuyên cho người chơi golf khi được hỏi. Thông thường, Caddie sẽ được công ty tuyển dụng đào tạo những kiến thức này trong thời gian 2 – 3 tháng học việc.

Ngoài ra, Caddie còn phải có những kỹ năng khác như giao tiếp tốt, biết động viên và cổ vũ khách hàng sau mỗi pha bóng; đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn; cẩn thận và chu đáo; có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh là lợi thế… Những kỹ năng này sẽ giúp cho Caddie có thêm nhiều cơ hội trong công việc và tăng thu nhập.

 

4. Thu nhập của Caddie golf?

Ở Việt Nam, lương cứng của Caddie dao động từ 3 – 5 triệu đồng, tùy theo khu vực sân golf và kinh nghiệm của Caddie. Tuy nhiên, thông thường các Caddie sẽ được các golf thủ tip thêm. Với mỗi sân golf 18 hố, Caddie thường được tip thêm từ 10 – 30 USD. Tính tổng lại, thu nhập của caddy rơi vào khoảng 10 – 20 triệu đồng, tùy vào kinh nghiệm cũng như năng lực của mỗi người.

Trên thế giới, ngoài mức lương theo hợp đồng, khi golfer vô địch và dành được giải thưởng lớn sẽ phải trích phần trăm (%) phần thưởng cho Caddie, tùy theo độ lớn của giải thưởng. Ví dụ, tại giải vô địch PGA Australia 2022 (PGA là viết tắt của Professional Golfers’ Association of America – tổ chức quy tụ những tay golf chuyên nghiệp hàng đầu thế giới), Quán quân được nhận 240.000 USD (khoảng 5,6 tỷ đồng) thì Caddie của người này sẽ được thưởng 24.000 USD (khoảng 560 triệu đồng) (tương đương với 10% phần thưởng của Quán quân).

Ở Mỹ, theo thống kê của ZipRecruiter, mức lương trung bình hàng năm của caddy là 37.163 USD (gần 880 triệu đồng). Thực tế con số dao động từ 15.500 – 81.500 USD/năm (khoảng 366 triệu – 1,9 tỷ đồng) và phần lớn nằm trong khoảng 25.500 – 40.000 USD/năm (hơn 600 – 944 triệu đồng).

Caddie muốn cải thiện thu nhập thường hướng tới chức vụ Shooter. Shooter là những người điều hành công việc của Caddie và hoạt động trên sân. Một Shooter cần tối thiểu 7 năm trong nghề, hơn nữa vị trí này không sẵn có, cũng không tuyển dụng ào ạt nên xác suất Caddie thành Shooter rất thấp.

 

5. Caddie trên sân golf có phải là công việc nguy hiểm không?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các công việc khi thực hiện sẽ có các yếu tố gây hại, tổn thương đến sức khỏe, tinh thân hoặc có nguy cơ cao và được quy định trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH. Theo đó, Caddie không nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Do đó, Caddie chưa được coi là một công việc nguy hiểm theo quy định pháp luật.

Tuy vậy, trên thực tế, công việc của một Caddie có rất nhiều khó khăn và áp lực. Chuyên về dịch vụ và phục vụ nên có thể nói Caddie là nghề “làm dâu trăm họ”. Thậm chí vì khách hàng đều là những người ưu tú, giàu có và thành công nên đòi hỏi Caddie cũng phải giữ tác phong chuyên nghiệp, tận tình. Bên cạnh đó, mỗi golfer lại có một tính cách và phong cách khác nhau nên Caddie cũng phải dựa vào đó để có cách ứng xử phù hợp.

Có những trường hợp người chơi golf nổi nóng nên đã có những hành vi bạo lực đối với Caddie. Ví dụ điển hình là vụ việc ông Nguyễn Viết Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Quảng, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam có hành vi đánh người tại Sân Golf BRG Đà Nẵng gây xôn xao gần đây.

Trước đó cũng đã có nhiều trường hợp Caddie bị chửi bới, tác động vật lý bởi các Golfer. Vào tháng 5/2022, golfer N.V.T. vi phạm nguyên tắc an toàn và ứng xử cơ bản trên sân tại sân golf Bà Nà Hills Đà Nẵng. Ngoài việc vi phạm trên, ông T. còn có hành vi bạo lực, khiếm nhã với nhân viên phục vụ của sân golf Bà Nà Hills. Cụ thể, trong quá trình chơi golf trên sân, do nhóm phía trước chưa ra khỏi phạm vi an toàn nên caddie đã ngăn cản  ông T. và nhóm khách của ông phát bóng. Đây là nguyên tắc an toàn và ứng xử cơ bản mà bất cứ golfer nào cũng nên tuân thủ. Thế nhưng, ông T. đã từ chối nghe theo, thậm chí còn có hành động chửi bới, đánh các caddie. Vụ việc khiến cho Caddie phục vụ bị thương ở cổ tay và sau đó không thể tiếp tục được công việc trên sân, phải tiến hành đổi nhân viên phục vụ khác. Khi quản lý bộ phận điều hành sân ra nhắc nhở, ông T. đã dùng những lời lẽ thô tục, chửi quản lý sân. Sự việc này cũng có sự chứng kiến của nhân viên bảo vệ đi cùng cũng như các khách và Caddie trong nhóm. Ban lãnh đạo sân golf Bà Nà Hills sau đó đã đề nghị Ban lãnh đạo hội golf Đà Nẵng xem xét lại tư cách hội viên và tư cách golfer của ông T và đồng thời ra quyết định chính thức từ chối phục vụ ông N.V. T vô thời hạn.

Trên đây là bài viết của Luật LVN Group về chủ đề Caddie là gì? Caddie trên sân golf có phải là công việc nguy hiểm không? Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của công ty chúng tôi: 1900.0191 để nhận được sự giải đáp thắc mắc nhanh chóng, kịp thời đến từ đội ngũ Luật sư của LVN Group và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!