>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi:   1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

1. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc.

1.1. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc.

Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp mà người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng đúng quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi:

– Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên trước khi nghỉ việc. 

– Chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động tại các khoản nêu trên bao gồm:

+ Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019.

+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

+ Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

+ Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.

+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc, cụ thể:

– Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. 

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.

Theo đó, trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

 

1.2. Điều kiện hưởng trợ cấp mất việc.

Người sử dụng lao động ( doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh,..) có trách nhiệm chi trả một khoản tiền nhằm bảo vệ lợi ích cho người lao động . Khi người lao động có thời gian làm việc và gắn bó với doanh nghiệp đủ lâu mà theo quy định là từ đủ 12 tháng, vì một lý do nào đó họ không thể tiếp tục sử dụng lao động đó nữa hoặc không bố trí được công việc phù hợp khoản trợ cấp này sẽ được gửi đến người lao động, những lý do khiến người lao động mất việc phải đúng theo quy định pháp luật, cụ thể tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

47. Trợ cấp mất việc làm

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động mà đáp ứng đủ các điều kiện:

– Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.

– Bị mất việc làm do:

+ Thay đổi cơ cấu, công nghệ: Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh;

+ Lý do kinh tế: Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;

+ Doanh nghiệp thực hiện hia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;

+ Bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

+ Chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy trợ cấp mất việc được hiểu là một khoản chi trả từ người sử dụng lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở nên cho họ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc. Những lý do chấm dứt hợp đồng khiến người lao động bị mất việc làm phải nằm trong 5 lý do nêu trên. Số tiền bù đắp cho người lao động khi bị mất việc đột ngột như vậy cũng giúp người lao động có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong một thời gian nhất định khi chưa tìm được việc làm mới phù hợp.

Khi chấm dứt hợp đồng người lao động chỉ được hưởng 1 trong 2 trợ cấp nêu trên, trừ trường hợp khác theo quy định.

 

2. Căn cứ tính trợ cấp thôi việc.

Người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu ở mục 1.2 trong bài viết này. Vậy cách tính trợ cấp thôi việc và mức trợ cấp mà người lao động được hưởng là bao nhiêu?

Các căn cứ để tính trợ cấp thôi việc được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, mức hưởng trợ cấp thôi việc được xác định là mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, công thức cụ thể như sau

Tiền trợ cấp thôi việc =  Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc (năm) x 1/2 x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

Để xác định được trợ cấp thôi việc cần xác định thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc và tiền lương để tính trợ cấp thôi việc. Vậy cách tính từng cái như sau: 

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = tổng thời gian đã làm việc thực tế – thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

-Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; Thời gian thử việc; Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; Thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019; Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019.

– Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp

Nếu kết quả tính thời gian làm việc để hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng nửa năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

Ví dụ người lao động làm việc thực tế được 5 năm và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 4 năm 4 tháng => Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = 5 năm – 4 năm 4 tháng = 8 tháng. Vậy thời gian để tính trợ cấp thôi việc là 8 tháng (trên 06 tháng theo quy định) suy ra thời gian để tính trợ cấp thôi việc sẽ tính bằng 1 năm làm việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc: Căn cứ theo khoản 3 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã nêu rõ tiền lương tính trợ cấp thôi việc như sau:

– Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

– Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng. 

– Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Ví dụ về cách tính trợ cấp thôi việc: Anh A (30 tuổi) làm việc cho Doanh nghiệp X từ năm 01/01/2000, thử việc 2 tháng và các bên ký nhau hợp đồng không xác định thời hạn vào ngày 01/03/2000, đến nay do sức khỏe không tiếp tục công việc mà anh đang làm ở doanh nghiệp nên ngày 01/12/2022 phía anh và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau để chấm dứt hợp đồng lao động và cả hai bên đều đồng ý. Biết rằng, năm 01/05/2001 anh A được doanh nghiệp X đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tiền lương bình quân hàng tháng anh A được công ty chi trả là 6 triệu đồng. Vậy khi anh a nghỉ việc, số tiền trợ cấp thôi việc anh A được nhận là bao nhiêu? Biết rằng anh A chưa từng hưởng trợ cấp thôi việc

Trả lời: Anh A và công ty chấm dứt hợp đồng theo sự thỏa thuận và không thuộc trường hợp không được nhận trợ cấp thôi việc nên anh A đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc.

Tổng thời gian làm việc thực tế của anh A (từ 01/01/2000 đến 01/12/2022) = 22 năm 11 tháng

Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (từ 01/05/2001 đến 01/12/2022) = 21 năm 7 tháng

Từ đó suy ra thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian làm việc thực tế – Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp = 22 năm 11 tháng – 21 năm 7 tháng = 1 năm 4 tháng tính ra là 1,5 năm (tức là thời gian thực tế làm việc là 1,5 năm) mà theo quy định, mỗi năm làm việc được tính bằng nửa tháng tiền lương, thể hiện qua công thức:

Tiền hưởng trợ cấp thôi việc = 1/2 x Thời gian thực tế làm việc x tiền lương tính trợ cấp thôi việc = 1/2 x 1,5 (năm) x 6 (triệu) = 4.5 (triệu).

 

3. Căn cứ tính trợ cấp mất việc.

Người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu tại mục 1.2 trong bài viết thì khi chấm dứt hợp đồng sẽ được hưởng trợ cấp mất việc. 

Để tính trợ cấp mất việc cho người lao động đủ điều kiện hưởng, chúng ta cần căn cứ vào Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ – CP. Theo đó, tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 xác định: cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền .

Có thể hiểu: Mức trợ cấp mất việc làm = Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp x Tiền lương tháng tính hưởng trợ cấp. 

Nếu thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc của người lao động làm việc trên 2 năm (24 tháng) sẽ áp dụng công thức trên. Trong trường hợp người lao động có thời gian làm việc thấp hơn 2 năm thì mức hưởng trợ cấp mất việc ít nhất là 2 tháng tiền lương.

Để tính được mức trợ cấp mất việc làm ta cần phải xác định được thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp và xác định được tiền lương tháng tính hưởng trợ cấp

Trước hết, Về thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm thì tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP xác định như sau:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm = tổng thời gian người lao động đã làm việc – thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) – thời gian đã được chi trả  trợ cấp mất việc làm.

Trong đó:

– Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế gồm:

+ Thời gian trực tiếp làm việc;

+ Thời gian thử việc;

+ Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản;

+ Thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương;

+ Thời gian nghỉ để thực hiện nghĩa vụ công mà được người sử dụng lao động trả lương;

+ Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động;

+ Thời gian nghỉ hằng tuần;

+ Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương;

+ Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại điện người lao động;

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

– Thời gian đã tham gia BHTN gồm:

+ Thời gian người lao động đã tham gia BHTN;

+ Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia BHTN nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN.

– Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm được tính theo năm (đủ 12 tháng) nên các trường hợp lẻ tháng sẽ được làm tròn:

+ Có tháng lẻ ít hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm;

+ Trên 06 tháng được tính bằng 01 năm.

Tiếp theo, cần xác định được tiền lương tháng tính hưởng trợ mất việc: Theo quy định khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì tiền lương tháng tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm. Trường hợp người lao động làm việc theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau thì tiền lương tính trợ cấp mất việc làm được xác định như sau:

– Là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.

– Nếu hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên vô hiệu (vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức tối thiểu vùng hoặc mức trong thỏa ước lao động tập thể) thì tiền lương tính trợ cấp sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu vùng hoặc mức lương theo thỏa ước lao động tập thể.

Để làm rõ cách tính trên, chúng ta cùng làm một ví dụ sau:  Anh A ( 30 tuổi) làm việc cho Doanh nghiệp X từ năm 01/01/2000, thử việc 2 tháng và các bên ký nhau hợp đồng không xác định thời hạn vào ngày 01/03/2000. Do dịch covid công ty muốn cắt giảm chỗ làm việc đồng thời là cắt giảm lao động và anh A nằm trong những đối tượng cắt giảm nên ngày 01/12/2022 công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng với anh A. Biết rằng, năm 01/05/2001 anh A được doanh nghiệp X đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tiền lương bình quân tháng anh A được công ty chi trả là 6 triệu đồng ( trung bình tiền lương 6 tháng kề ghi trong hợp đồng trước khi anh A mất việc làm là 6 triệu). Vậy khi anh a nghỉ việc, số tiền trợ cấp mất việc anh A được nhận là bao nhiêu? Biết rằng anh A chưa từng hưởng trợ cấp mất  việc.

Tổng thời gian làm việc thực tế của anh A (từ 01/01/2000 đến 01/12/2022 bao gồm 2 tháng thử việc ) như sau: (01/12/2022 – 01/03/2000) + 2 tháng = 22 năm 11 tháng.

Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (từ 01/05/2001 đến 01/12/2022) = 21 năm 7 tháng

Anh A chưa từng được hưởng trợ cấp thôi việc và mất việc

Từ đó suy ra thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc của anh A = 22 năm 11 tháng – 21 năm 7 tháng =1 năm 4 tháng mà theo quy định làm việc có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 6 tháng thì tính là nửa năm.

Vậy trong trường hợp này thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc của anh A là 1,5 năm. 

Mức lương trung bình trong 6 tháng liền kề theo hợp đồng trước khi anh A mất việc là 6 triệu.

Theo quy định, cứ một năm làm việc sẽ bằng 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất người lao động phải nhận được 2 tháng tiền lương mà thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc của anh A dưới 2 năm (1,5 năm <2 năm) nên sẽ lấy tròn 2 năm. Vậy từ các quy định nêu trên anh A được hưởng trợ cấp mất việc tối thiểu là 2 tháng tiền lương, suy ra anh A được hưởng 2 năm x 6 triệu = 12 triệu.

Trên đây là bài viết của Luật LVN Group liên quan đến Cắc căn cứ tính trợ cấp thôi việc, mất việc. Nếu có vướng mắc liên quan đến bài viết, Hãy gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua tổng đài trực tuyến.