>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

 

Trả lời:

1. Các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 trước đây (đã hết hiệu lực chỉ có giá trị tham khảo) và quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 hiện nay có thể phân tích các hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (công ty) như sau:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì một doanh nghiệp có thể chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác, thuộc các trường hợp như: Công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây gọi tắt là công ty TNHH) thành công ty cổ phần; từ công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên; chuyển đổi từ công ty cổ phần thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH. Ngoài ra còn một số trường hợp khác dựa trên cơ sở của 4 trường hợp nêu trên.

Cụ thể, các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp như sau:

 

1.1 Chuyển đổi từ công ty TNHH thành công ty cổ phần

Căn cứ theo điều 196 Luật Doanh nghiệp 2014 (trước kia) và Điều 202, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, một công ty TNHH có thể được chuyển đổi thành một công ty cổ phần theo một trong các phương thức sau:

Thứ nhất, chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho các cá nhân, pháp nhân khác. Thông thường, phương thức này áp dụng cho loại hình là công ty TNHH hai thành viên trở lên có 3 thành viên góp vốn;

Thứ hai, chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm cá nhân, pháp nhân khác góp vốn. Phương thức này áp dụng cho loại hình doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên huy động thêm tối thiểu là 02 cá nhân, pháp nhân khác góp vốn và công ty TNHH hai thành viên trở lên (có hai thành viên góp vốn) huy động tối thiểu là 01 cá nhân, pháp nhân khác góp vốn. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì công ty cổ phần có số lượng thành viên tối thiếu là 03 cổ đông;

Thứ ba, chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một cá nhân, pháp nhân khác;

Thứ tư, chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách kết hợp các phương thức nói trên.

Chú ý: Khi công ty TNHH được chuyển đổi thành công ty cổ phần thì công ty cổ phần đương nhiên thừa kế toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty TNHH trước khi chuyển đổi.

 

1.2 Chuyển công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên

Căn cứ theo điều 197 Luật Doanh nghiệp 2014 trước kia và điều 203, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì một công ty cổ phần có chuyển thành công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong các phương thức sau:

Thứ nhất, một cổ đông nhận chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần, phần vốn góp tương ứng của tất cả các cổ đông còn lại;

Thứ hai, một cá nhân hoặc pháp nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả các cổ đông của công ty;

Thứ ba, công ty chỉ còn lại 01 cổ đông, mà đã vượt quá 15 ngày phải bảo đảm số lượng tối thiểu 03 cổ đông

Chú ý: Công ty TNHH sau khi được chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty cổ phần trước khi được chuyển đổi.

 

1.3. Chuyển công ty cổ phần thành trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Căn cứ theo điều 198 Luật doanh nghiệp 2014 và Điều 204, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về  chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì một công ty cổ phần có thể được chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên theo một trong bốn phương thức sau:

Thứ nhất, chuyển đổi thành công ty TNHH mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho cá nhân, pháp nhân khác;

Thứ hai, chuyển đổi thành công ty TNHH đồng thời với huy động cá nhân, pháp nhân khác góp vốn

Thứ ba, chuyển đổi thành công ty TNHH đồng thời với chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phầ cho cá nhân, pháp nhân khác góp vốn;

Thứ tư, chuyển đổi thành công ty TNHH bằng cách kết hợp các phương thức nói trên.

Chú ý: Công ty TNHH sau khi được chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty cổ phần trước khi chuyển đổi.

 

1.4. Chuyển doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh

Căn cứ theo điều 199 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp tư nhân có thể được chuyển đổi thành công ty TNHH theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, có đủ các điều kiện được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp

Thứ hai, Chủ doanh nghiệp tư nhân không phải là chủ sở hữu công ty (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu) hoặc thành viên (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên)

Thứ ba, chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thực hiện xong việc công ty TNHH được chuyển đổi có nghĩa vụ tiếp nhạn và thực hiện các hợp đồng đó;

Thứ tư, Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết hoặc thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Và Điều 205, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về  chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, cụ thể:

1. Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;

b) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

c) Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

d) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 

2. Quy trình chung khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

  1. Công ty phải đăng ký việc chuyển đổi loại hình công ty với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày (thời hạn 15 ngày đối với trường hợp chuyển từ công ty cổ phần thành công ty TNHH ), kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.
  2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Phòng Đăng ký doanh nghiệp cấp lại “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
  3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan; đồng thời cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

 

3. Phương thức, điều kiện, hồ sơ chuyển đổi công ty TNHH MTV thành công ty TNHH HTV trở lên

 Trường hợp chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, hồ sơ đăng ký chuyển đổi bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty chuyển đổi theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên công ty đối với trường hợp thành viên là cá nhân và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác đối với trường hợp thành viên công ty là tổ chức;
  • Hợp đồng chuyển nhượng hoặc giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho đối với trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, tặng cho một phần vốn điều lệ cho cá nhân hoặc tổ chức khác; Quyết định của chủ sở hữu công ty về việc huy động thêm vốn góp đối với trường hợp công ty huy động thêm vốn góp từ cá nhân hoặc tổ chức khác.

Công ty TNHH MTV chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty TNHH NTV

* Chuyển đổi thành Công ty Cổ phần khi:

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một số tổ chức, cá nhân khác;

– Kết hợp các trường hợp trên và các phương thức khác.

Công ty phải nhanh chóng đăng ký chuyển đổi công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.

Mời Quý thành viên xem chi tiết hồ sơ, nội dung công việc tại: Công ty TNHH MTV chuyển đổi thành công ty cổ phần

* Chuyển đổi thành Công ty TNHH NTV:

Công ty TNHH MTV có thể chuyển đổi thành công ty TNHH NTV khi công ty thực hiện: Huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn; Bán một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác; Tặng cho một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác,…

Công ty phải nhanh chóng thực hiện đăng ký chuyển đổi công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.

Mời Quý thành viên xem chi tiết hồ sơ, nội dung công việc tại: Công ty TNHH MTV chuyển đổi thành công ty TNHH NTV

Công ty TNHH NTV chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty TNHH MTV

* Chuyển đổi thành Công ty Cổ phần:

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

– Kết hợp các trường hợp trên và các phương thức khác.

Công ty phải nhanh chóng đăng ký chuyển đổi công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.

Mời Quý thành viên xem chi tiết hồ sơ, nội dung công việc tại: Công ty TNHH NTV chuyển đổi thành công ty cổ phần

*  Chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV:

Công ty TNHH NTV có thể chuyển đổi thành công ty TNHH MTV khi: Một thành viên góp vốn nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tương ứng của tất cả thành viên góp vốn còn lại; Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là thành viên góp vốn nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của tất cả thành viên góp vốn của công ty;…

Công ty phải nhanh chóng thực hiện đăng ký chuyển đổi công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.

Mời Quý thành viên xem chi tiết hồ sơ, nội dung công việc tại: Công ty TNHH NTV chuyển đổi thành công ty TNHH MTV.

Doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, công ty TNHH NTV, công ty cổ phần, công ty hợp danh

Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, công ty TNHH NTV, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân khi đáp ứng một số điều kiện:

– Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Không kinh doanh ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh;

+ Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định;

+ Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hợp lệ;

+ Nộp đủ lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân khi đáp ứng các điều kiện nêu trên có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi công ty, linh động lựa chọn loại hình phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp bên mình; tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện cụ thể của loại hình mà doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.  

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.