Luật sư tư vấn:

1. Đối tượng áp dụng các quy định theo pháp luật lao động Việt Nam

Trước đây, tại Điều 2 Bộ luật lao động năm 2012 (văn bản đã hết hiệu lực chỉ có giá trị tham khảo tại thời điểm hiện tại) có quy định về đối tượng áp dụng như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động Việt Nam, người học nghề, tập nghề và người lao động khác được quy định tại Bộ luật này.

2. Người sử dụng lao động.

3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động”.

Đối tượng áp dụng bao gồm cả người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Văn phòng đại diện của người nước ngoài được ủy quyền ký kết hợp đồng lao động tại Việt Nam với người lao động nước ngoài thì vẫn thuộc đối tượng được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động 2012.

Hiện nay, căn cứ tại Điều 2 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về đối tượng áp dụng là:

– Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động;

– Người sử dụng lao động;

– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

– Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. 

Nhìn chung, đối tượng điều chỉnh cơ bản của Bộ luật lao động năm 2019 cũng gần tương đối giống đối tượng điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2012. Nhưng Bộ luật lao động năm 2019 đã mở rộng đối tượng áp dụng. Nếu như Bộ luật lao động năm 2012 chỉ quy định các vấn đề có liên quan đến mối quan hệ lao động của người lao động đối với người sử dụng lao động thì tại quy định của Bộ luật lao động năm 2019 có quy định thêm về đối tượng áp dụng là: Người làm việc không có quan hệ lao động cho dù không có mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đối tượng áp dụng của bộ luật lao động sẽ bao gồm cả các cá nhân và pháp nhân. Các chủ thể này đa dạng bao gồm các chủ thể trực tiếp tham gia vào quan hệ lao động như: người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hay cả người sử dụng lao động. Ngoài ra trong bộ luật lao động năm 2019 quy định người làm việc không có quan hệ lao động – đây là đối tượng lần đầu từ trước đến nay được quy đinh trong pháp luật lao động. 

Ngoài ra Bộ luật lao động năm 2019 còn loại bỏ đối tượng “người lao động khác” mà thay vào đó là người làm việc không có quan hệ lao động chính là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động. 

 

2. Phạm vi áp dụng của pháp luật lao động Việt Nam

Theo quy định của pháp luật lao động hiện nay thì phạm vi điều chỉnh quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động và quản lý nhà nước về lao động. Phạm vi điều chỉnh chính là phạm vi tác động của pháp luật lao động đến các quan hệ xã hội về lao động. Theo cùng sự phát triển của quan hệ lao động thì những chủ thể mới ra đời tham gia vào quan hệ lao động. Chính vì vậy phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động sẽ được mở rộng ra. Cụ thể như nếu theo bộ luật lao động năm 2012 thì có nhắc đến phạm vi điều chỉnh với tổ chức đại diện tập thể lao động. Thì đến bộ luật lao động năm 2019 đã thay thế thành “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” – đây là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyên của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật lao động bao gồm: công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. 

 

3. Chính sách của Nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, chính sách nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. Và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội. Nhà nước tuyên bố bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Nhà nước thể hiện được thái độ công bằng với hai bên chủ thể tạo tiền đề cho sự quan hệ lao động. Có thể thấy rằng trong quan hệ lao động thì người lao động ở vị thế yếu nên các quy định trong bộ luật lao động luôn quy định những điều nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động và cũng ưu tiên sự thỏa thuận của cả hai bên người lao động và người sử dụng lao động. Nhà nước không bắt buộc phải thực hiện mà chỉ khuyến khích và nếu như có sự thỏa thuận theo chiều hướng tốt cho cả hai thì đây là quan hệ lao động mà nhà nước luôn mong muốn và khuyến khích. Đối với người sử dụng lao động thì bên cạnh việc sử dụng, quản lý lao động đúng pháp luật thì cũng phải để ý tới tính dân chủ, văn minh và trách nhiệm khi tuyển dụng và sử dụng lao động.

Thứ hai là Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học việc để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định của bộ luật lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động. Đây là chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực nâng cao năng suất lao động. Đồng thời có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì và chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Thứ ba là có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung – cầu lao động. Thông tin thị trường lao động sẽ bao gồm các thông tin định tính và định lượng về trạng thái, quy mô và cấu phần cung lao động như: lực lượng lao động, giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn, trình độ học vấn, kỹ năng, nghề nghiệp, năng lực xã hội, nhu cầu tìm việc; cầu lao động như nhu cầu sử dụng lao động theo loại hình kinh tế hay theo độ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật,… 

Thứ tư là chính sách thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Quan hệ lao động được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận tự nguyện nhưng trong quá trình giao kết, thực hiện thì vì một vài lý do dẫn đến bất đồng, xung đột giữ các bên. Do đó, đối thoại, thương lương là giải pháp con đường phù hợp cho các bên lựa chọn. Chính sách này luôn là công cụ được các bên ưu tiên lựa chọn khi xuất hiện nhu cầu giiar quyết về quan hệ lao động thì nhà nước cần có các quy định về trình tự, thủ tục, chủ thể,… đối thoại, thương lượng thiết thực, đơn giản, hiệu quả, thân thiện và Nhà nước cũng cần tạo ra các thiết chế để hỗ trợ cho quá trình này với các bên khi tham gia đối thoại và thương lượng.

Thứ năm là bảo đảm bình đẳng giới, quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động và người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên. Nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới không phân biệt đối xử được cụ thể hóa trong quy định của pháp luật lao động. 

Trên đây là nội dung bài viết Luật LVN Group muốn gửi tới quý khách hàng nhằm mục đích tham khảo. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay câu hỏi liên quan đến vấn đề pháp lý trên thì vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật lao động trực tuyến 24/7 qua số hotline: 1900.0191 để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!