1. Giới thiệu tác giả

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử và áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với các văn bản hướng dẫn mới nhất do Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp biên soạn.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử và áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với các văn bản hướng dẫn mới nhất

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử và áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với các văn bản hướng dẫn mới nhất

Tác giả: Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp

Nhà xuất bản Công An Nhân Dân

3. Tổng quan nội dung sách

Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử của Tòa án là một hoạt động thường xuyên và quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự của Thẩm phán, Hội thẩm. Thực tiễn cho thấy chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giải quyết vụ án hình sự. Theo đó nếu việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự của Thẩm phán, Hội thẩm được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học thì sẽ nâng cao được chất lượng giải quyết vụ án, ngược lại nếu việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự được thực hiện qua loa, sơ sài thì chất lượng giải quyết vụ án không cao, có thể dẫn đến làm gia tăng tỷ lệ án bị hủy, sửa hoặc nghiêm trọng hơn là làm oan sai người vô tội. Chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, phương pháp nghiên cứu hồ sơ của Thẩm phán, Hội thẩm, theo đó nếu người nghiên cứu có kỹ năng nghiên cứu tốt và phương pháp nghiên cứu chuyên sâu thì chất lượng nghiên cứu sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó công tác áp dụng pháp luật hình sự nói chung và áp dụng pháp luật tố tụng hình sự nói riêng cũng có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Do đó việc nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ hồ sơ vụ án hình sự cũng như áp dụng đúng và chính xác pháp luật về hình sự nói chung, Bộ luật tố tụng hình sự nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án hình sự. Nhằm giáp bạn đọc nói chung, những người làm công tác xét xử nói riêng, nâng cao được kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự cũng như nâng cao được chất lượng công tác giải quyết vụ án hình sự, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân xuất bản cuốn sách “PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ VÀ ÁP DỤNG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 VỚI CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN MỚI NHẤT ” do Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác xét xử án hình sự biên soạn.

Nội dung cuốn sách được biên soạn với cấu trúc chương mục như sau:

Phần I. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ ÁP DỤNG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015.

Mục I. Phương pháp  nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

I. Những cấn đề chung về hồ sơ vụ án hình sự và nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

II. Các giai đoạn nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

III. Thứ tự nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

IV. Nghiên cứu chứng cứ

V. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Mục II. Nội dung, nguyên tắc áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự

I. Khái niệm, ý nghĩa, nội dung áp dụng pháp luật

II. Một số nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

III. Các nguyên tắc áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

IV. Các bước áp dụng pháp luật hình sự

Phần II. BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 (LUẬT SỐ 101/2015/QH13 NGÀY 27-11-2015).

Phần này tác giả trích toàn văn Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Phần III. CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015.

Phần Phụ lục. Tác giả trích toàn văn Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015

Dưới đây là nội dung trích dẫn trong cuốn sách để bạn đọc tham khảo:

1. Hồ sơ vụ án hình sự

1.1. Khái niệm

Hồ sơ vụ án hình sự (sau đây viết là vụ án HS) được hiểu là tập hợp các loại giấy tờ (văn bản tố tụng), tài liệu, chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự (gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) thu thập hoặc ban hành trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án HS.

Hồ sơ vụ án HS gồm toàn bộ các giấy tờ (văn bản tố tụng), tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án được sắp xếp theo một trật tự nhất định (có thể là theo ý chí của người quản lý hồ sơ hoặc cũng có thể là theo quy định của pháp luật hoặc của ngành).

Tại Điều 131 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về hồ sơ vụ án HS như sau:

Điều 131. Hồ sơ vụ án

1. Khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án.

2. Hồ sơ vụ án gồm:

a) Lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;

b) Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập;

c) Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.

3. Các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát, Tòa án thu thập trong giai đoạn truy tố, xét xử phải đưa vào hồ sơ vụ án.

4. Hồ sơ vụ án phải có thống kê tài liệu kèm theo. Thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu (nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có thống kê tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Nội dung của hồ sơ cụ án HS giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng HS có được các thông tin theo các mức độ khác nhau về diễn biến và quá trình thụ lý và giải quyết vụ án HS, cho phép dựng lại diễn tiến của sự việc cũng như nội dung của vụ án trong suốt quá trình giải quyết vụ án từ khi khởi tố vụ án cho đến khi xét xử vụ án đó.

Hồ sơ vụ án được lập theo từng vụ án cụ thể, tức mỗi vụ án cụ thể sẽ được lập thành một bộ hồ sơ, vì vậy, thông qua hồ sơ có thể biết được nội dung của vụ án, cũng như các vấn đề khác có liên quan.

Cho đến nay việc xây dựng và quản lý hồ sơ vụ án HS chủ yếu theo các tập quán tư pháp cũng như bằng các quy tắc được quy định trong quy chế làm việc của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bà Tòa án.

1.2. Thành phần hồ sơ vụ án hình sự
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án thường xác lập hồ sơ vụ án phải có thành phần hồ sơ như sau:
a) Phần hồ sơ cho cơ quan điều tra lập, bao gồm có các tài liệu:
– Các tài liệu ghi chép về thông tin chung của vụ án như ngày thụ lý, số thụ lý vụ án…
– Các tài liệu thông tin về các bị can và những người tham gia tố tụng khác họ, tên, năm sinh, địa chỉ, của các bị can, của những người tham gia tố tụng khác
– Tài liệu chứa thông tin về người tiến hành tố tụng như: điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra, kiểm sát viên, viện trưởng viện kiểm sát.
– Các loại văn bản tố tụng do cơ quan điều tra ban hành như: quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định phân công điều tra viên, quyết định hủy nhiệm, quyết định xử lý vật chứng, quyết định công nhận người bào chữa, lệnh bắt khẩn cấp, đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, quyết định trưng cầu định giá tài sản, quyết định trưng cầu giám định, quyết định phục hồi điều tra, thông báo về việc tạm giữ, lệnh tạm giam, đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam, thông báo về việc tạm giam bị can
– Các loại biên bản như: biên bản về việc bắt người, biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai người bị hại, người liên quan, biên bản ghi nhận sự thỏa thuận dân sự trong vụ án, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ đồ vật có liên quan đến vụ án, biên bản về việc trả lại tài sản, biên bản giao nhận vật chứng vụ án, biên bản giao nhận quyết định, lệnh tạm giam, biên bản định giá tài sản.
– Các tài liệu khác như: kết luận điều tra, các bản án, trích lục tiền án, tiền sự, lý lịch bị can, đơn trình báo, các Sơ đồ hiện trường vụ án,
b) Phần hồ sơ do viện kiểm sát lập, bao gồm các tài liệu:
– Các tài liệu chứa thông tin về người tiến hành tố tụng như: kiểm sát viên, viện trưởng viện kiểm sát.
– Các loại văn bản tố tụng do viện kiểm sát ban hành như: quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi điều tra, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, bản cáo trạng, quyết định phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam…
– Các loại biên bản như: biên bản giao nhận cáo trạng, biên bản giao nhận hồ sơ vụ án
– Các loại tài liệu khác như: thông báo chuyển hồ sơ vụ án, danh sách những người cần triệu tập điện thoại án
c) Phần hồ sơ do tòa án lập, bao gồm các tài liệu:
– Các tài liệu thể hiện về các thông tin về nhân thân của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác họ, tên, năm sinh, địa chỉ của các bị cáo, bị hại và của những người tham gia tố tụng khác.
– Các tài liệu của người tiến hành tố tụng như: kiểm sát viên, viện trưởng viện kiểm sát, tránh án, thẩm phán, thư ký tòa án, hội thẩm.
– Các loại văn bản tố tụng do tòa án ban hành như: quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ án, quyết định đưa vụ án ra xét xử, lệnh chiếc suất, lệnh tạm giam…
– Các giấy tờ tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung vụ án như: đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại, của nguyên đơn dân sự
– Các loại biên bản như: biên bản giao quyết định đưa vụ án ra xét xử, biên bản nghị án…
Lưu ý:
– Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử thì việc lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án hình sự và trách nhiệm trực tiếp của thẩm phán là người được phân công giải quyết vụ án.
– Việc tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ vụ án phải được thực hiện theo các quy định chung về tố tụng hình sự.
– Đối với hồ sơ vụ án hình sự ngoài đơn tố giác, tin báo về tội phạm thì tùy từng vụ án cụ thể còn có các giấy tờ, tài liệu phù hợp với việc giải quyết vụ án đó mà chủ yếu là các tài liệu giấy tờ do cơ quan điều tra lập trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án.
– Hồ sơ vụ án hình sự phải có danh mục giấy tờ tài liệu có trong hồ sơ và các tài liệu phải được đánh số bút lục. Đồng thời phải được sắp xếp theo thứ tự bút lục.

4. Đánh giá bạn đọc

Tác giả dành một phần nội dung để phân tích và bình giải quy định pháp luật về hồ sơ vụ án hình sự để dẫn dắt bạn đọc vào vấn đề và nắm được những nội dung cơ bản, quan trọng nhất để tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Bên cạnh đó, tác giả cũng trích dẫn nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, đây đều là những văn bản pháp luật mới nhất và đang có hiệu lực thi hành thuận tiện cho bạn đọc trong việc tra cứu.

Tuy nhiên thời lượng cuốn sách dành trích dẫn toàn văn các văn bản pháp luật rất lớn. Do đó, khuyến nghị nếu bạn đọc nào đã sở hữu các bộ luật, luật này thì có thể cân nhắc khi lựa chọn cuốn sách. 

5. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!