1. Xác lập và chấm dứt tư cách cổ đông cổ đông

1.1. Xác lập tư cách cổ đông cổ đông  

Luật doanh nghiệp 2020 không quy định một cách tập trung về vấn đề xác lập tư cách cổ đông công ty mà quy định rải rác trong các điều luật về CTCP. Tóm lại, tư cách cổ đông của tổ chức, cá nhân có thể được xác lập trong các trường hợp sau:   

Một là, tổ chức cá nhân đăng kí và mua cổ phần khi công ty cổ phần được thành lập   Điều 120 Luật doanh nghiệp 2020 quy định rõ công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng kí mua ít nhất 20% cổ phần phổ thông của công ty. Như vậy, tại thời điểm thành lập doanh nghiệp công ty cổ phần có hai loại cổ đông, đó là cổ sáng lập và cổ đông khác không phải cổ đông sáng lập. Những cổ đông không phải cổ đông sáng lập cũng có quyền đăng kí mua hoặc mua số cổ phần mà công ty được quyền chào bán, và tổng số cổ phần phổ thông tối đa mà họ có thể mua là 80% số cổ phần phổ thông của công ty. Tuy nhiên, dù mua cổ phần với tư cách gì thì cổ đông sáng lập và các cổ đông khác đã đăng kí mua cổ phần vào thời điểm này đều phải thanh toán tiền mua cổ phần trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp theo quy định tại Điều 113 LDN 2020.

Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua cổ phần, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nếu sau thời hạn quy định mà cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì được thực hiện như sau:  

– Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;   

– Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã  đăng  ký  mua  sẽ  có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;   

– Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và HĐQT được quyền bán;    

– Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.   

Hai là, tổ chức cá nhân mua cổ phần do công ty chào bán trong các đợt chào bán cổ phần riêng lẻ và chào bán ra công chúng Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách tăng số lượng cổ phần  được  quyền  chào  bán  và  bán  các  cổ  phần  đó  trong  quá  trình  công  ty đang hoạt động, Điều 123 LDN 2020 quy định việc chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong ba hình thức sau:   

– Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;   

– Chào bán ra công chúng;   

– Chào bán cổ phần riêng lẻ.   

Ngoại trừ trường hợp chào bán cho các cổ đông hiện hữu, tổ chức cá nhân không phải là cổ đông của công ty mua cổ phần trong các đợt chào bán ra công chúng hoặc chào bán cổ phần riêng lẻ sẽ trở thành cổ đông mới của công ty khi thanh toán đầy đủ và được ghi tên vào sổ đăng kí cổ đông cho số cổ phần mà họ đăng kí mua từ số cổ phần được quyền chào bán. Cổ phần được quyền chào bán là tổng số cổ phần các loại mà ĐHĐCĐ quyết định sẽ hào bán để huy động vốn.    

Ba là, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông của công ty. Hoạt động chuyển nhượng cổ phần là hoạt động diễn ra thường xuyên liên tục trong công ty cổ phần do đặc tính tự do chuyển nhượng của cổ phần. Bằng việc khai thác tính chất này của cổ phần, các nhà đầu tư trong công ty cổ phần thay vì chờ đợi để nhận cổ tức có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho tổ chức, cá nhân khác nhằm hưởng chênh lệch từ giá trị  chuyển nhượng. Hoạt động mua bán cổ phần ở đây là một hoạt động thương mại mà mục đích chính đã quá rõ ràng đó chính là lợi nhuận và cổ phần trong trường hợp này được xem là một loại hàng hóa chính vì vậy giá trị của hợp đồng có thể thấp hơn hoặc cao tổng mệnh giá cổ phần được được đem vào giao dịch. Điều cần lưu ý là tư cách cổ đông của người nhận chuyển nhượng cổ phần được xác lập vào thời điểm thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng kí cổ đông.

Bốn là, hưởng thừa kế cổ phần thuộc di sản của cổ đông là cá nhân đã chết hoặc bị tuyên là đã chết. Theo quy định hiện hành tại Điều 127 LDN 2020, trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty. Cũng giống như công ty TNHH hai thành viên, người được hưởng thừa kế từ số phần của cổ đông là cá nhân đã chết đương nhiên  trở  thành  cổ  đông  của  công  ty  trừ  trường  hợp từ  chối  nhận  di  sản. Trường hợp cổ phần của cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

Năm là, nhận tặng cho, thanh toán nợ bằng cổ phần từ cổ đông của công ty LDN 2020 quy định rõ cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho người khác. Bên cạnh đó, các cá nhân tổ chức cũng có thể xác lập tư cách cổ đông của mình bằng việc nhận thanh toán các khoản nợ bằng cổ phần của công ty và qua đó trở thành các cổ đông mới của công ty.

Sáu là, trường hợp tổ chức, cá nhân mua cổ phần được bán đấu giá để thi hành án    Trong trường hợp tài sản của cổ đông bao gồm cổ phần được đem ra đấu giá để thi hành án thì nhà đầu tư mua cổ phần được bán đấu giá sẽ trở thành cổ đông CTCP và có tư cách cổ đông tương ứng với loại cổ phần mà mình mua.

1.2. Chấm dứt tư cách cổ đông cổ đông   

Thứ  nhất, chuyển  nhượng toàn bộ số cổ phần các loại của cổ đông trong cho người khác. Với việc một cổ đông trong công ty chuyển nhượng toàn bộ cổ phần các loại của mình cho cá nhân hoặc tổ chức khác, tư cách cổ đông của người bán cổ phần sẽ chấm dứt khi thông tin của người mua được ghi rõ trong số đăng kí cổ đông công ty theo quy định hiện hành. 

Thứ hai, hoàn trả toàn bộ giá trị cổ phần ưu đãi hoàn lại LDN 2020 cho phép công ty cổ phần được phép phát hành các loại cổ phần ưu đãi trong đó có cổ phần ưu đãi hoàn lại, đây là là loại cổ phần cho phép người sở hữu được quyền yêu cầu công ty hoàn lại vốn góp hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Trong trường hợp được công ty hoàn trả toàn bộ giá trị mua cổ phần ưu đãi hoàn lại, nhà đầu tư cũng đồng thời chấm dứt tư cách thành viên công ty.

Thứ ba, công ty mua lại toàn bộ cổ phần Tương tự như công ty TNHH hai thành viên trở lên, cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cphần của mình. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng. Với việc công ty mua lại toàn bộ cổ phần của cổ đông theo yêu cầu, tư cách cổ đông của công ty sẽ chấm dứt và bị xóa tên khỏi sổ đăng kí cổ đông công ty. 

Thứ tư, công ty mua lại toàn bộ cổ phần của một cổ đông theo Điều 133 LDN 2020. Theo quy định, công ty có quyền mua  lại  không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quyết định thuộc thẩm quyền của HĐQT, cơ quan này có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong  12  tháng. Trường  hợp khác,  việc  mua  lại  cổ  phần  do  ĐHĐCĐ  quyết định.

Thứ năm, cổ đông và cá nhân bị chết hoặc bị tuyên bố chết, cổ đông là tổ chức bị giải thể phá sản Tư cách cổ đông sẽ chấm dứt tại thời điểm mở thừa kế đối với cổ đông là cá nhân và chấm dứt đối với tổ chức tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố tổ chức đó giải thể hoặc phá sản.

Thứ sáu, tư cách cổ đông chấm dứt khi công ty bị tuyên bố giải thể hoặc phá sản

2. Chuyển nhượng cổ phần 

Vấn đề chuyển nhượng cổ phần trong CTCP được quy định tại Điều 127 LDN 2020. Quy định định ra một nguyên tắc đó là:

Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của LDN 2020 và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch bên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch bên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.

Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

Ngoài ra, cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty.

Thời điểm hoàn xác lập tư cách cổ đông thông qua chuyển nhượng cổ phần: công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong số đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.

3. Cơ cấu tổ chức của Công ty cổ phần

3.1.  Đại hội đồng cổ đông

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan  quyết  định  cao nhất của công ty cổ phần. ĐHĐCĐ có thể họp bất thường. Địa điểm họp ĐHĐCĐ phải ở trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp cuộc họp ĐHĐCĐ được tổ chức đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau thì địa điểm họp ĐHĐCĐ được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp. ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 06 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Bên cạnh đó, HĐQT phải triệu tập họp bất thường theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020.

3.2. Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lí công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.    HĐQT có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên HĐQT. Nhiệm kỳ của thành viên HĐQT, thành viên độc lập HĐQT không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. HĐQT có thể họp định kì hoặc họp bất thường. HĐQT họp tại trụ sở chính của công ty hoặc ở nơi khác.

Cuộc họp của HĐQT do Chủ tịch HĐQT triệu tập khi xét thấy cần thiết, nhưng mỗi quý phải họp ít nhất một lần. Bên cạnh chủ tịch HĐQT thì những đối tượng sau cũng có quyền triệu tập cuộc họp HĐQT nếu yêu cầu họp của họ không được chủ tịch HĐQT không được chủ tịch HĐQT chấp thuận:

+ Ban kiểm soát hoặc thành viên độc lập;

+ GĐ/TGĐ hoặc ít nhất 05 người quản lý khác;

+ 02 thành viên điều hành của HĐQT; các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.   

Trong cuộc họp HĐQT, nếu công ty có kiểm soát viên thì thư mời họp phải được gửi đến kiểm soát viên của công ty, kiểm soát có quyền dự họp và thảo luận các nội dung trong cuộc họp nhưng không có quyền biểu quyết. Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định khoản này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, trừ trường hợp  Điều  lệ  quy  định  thời  hạn  khác  ngắn  hơn. Trường  hợp  này,  cuộc  họp được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT dự họp.

3.3. Giám đốc hoặc tổng giám đốc  

Hội  đồng  quản  trị  bổ  nhiệm  một  người trong số  họ  hoặc  thuê  người khác làm GĐ/TGĐ. GĐ/TGĐ là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của HĐQT; chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.

Nhiệm kỳ của GĐ/TGĐ không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. GĐ/TGĐ phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công  ty  và  nghị quyết của HĐQT. Trường  hợp điều  hành  trái với quy  định này mà gây thiệt hại cho công ty thì GĐ/TGĐ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.

3.4. Ban kiểm soát  

Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên, nhiệm kỳ của kiểm soát viên không  quá 05 năm  và  kiểm  soát viên có thể  được bầu lại  với  số nhiệm  kỳ không hạn chế. Các kiểm soát viên bầu một người trong số họ làm Trưởng ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của trưởng ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group (sưu tầm và biên tập).