Việc góp vốn bằng ngoại tệ không còn là vấn đề xa lạ trong các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc góp vốn bằng ngoại tệ phải được thực hiện theo trình tự thủ tục và đáp ứng các điều kiện nhất định.
Ngoại hối hay hối đoái hay ngoại tệ là các đồng tiền nước ngoài được trao đổi để lấy đồng tiền trong nước phục vụ cho việc thanh toán các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.
Theo Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về tài sản góp vốn, trong đó, tài sản góp vốn có thể là ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Mặt khác, Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về định giá tài sản góp vốn: thì “Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.”
Vì vậy, đối với ngoại tệ tự do chuyển đổi thì không phải thẩm định giá và thể hiện thành đồng Việt Nam. Thủ tục góp vốn bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy trình thông thường như đối với việc góp vốn bằng Đồng Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân tiến hành góp vốn vào doanh nghiệp thông qua các biên bản xác nhận việc góp vốn và được ghi nhận trong Sổ đăng ký thành viên hoặc Sổ cổ đông trong Công ty.
Soạn thảo hồ sơ góp vốn, lập các biên bản xác nhận việc góp vốn, trong đó nêu rõ các nội dung như:
- Thông tin tổ chức, cá nhân góp vốn;
- Thông tin doanh nghiệp mà tổ chức, cá nhân dự kiến góp vốn;
- Tài sản góp vốn; Giá trị tài sản góp vốn;
- Mục đích sử dụng vốn;
- Thời hạn góp vốn;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia;
- …
Giao nhận tài sản góp vốn: Việc giao nhận tài sản góp vốn là ngoại tệ phải được thực hiện trong thời hạn cam kết trong bản cam kết hoặc theo hướng dẫn của pháp luật với từng loại hình doanh nghiệp.
1. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn
- Đối với cá nhân: Cá nhân có thể thực hiện việc góp vốn thông qua cách thức chuyển khoản hoặc trả trực tiếp bằng tiền mặt.
- Đối với tổ chức, doanh nghiệp:
- Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và vào doanh nghiệp khác.
- Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các cách thức sau:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các cách thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo hướng dẫn hiện hành.
2. Một số quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Nguyên tắc chung
- Nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của nhà đầu tư và được ghi nhận tại:
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Giấy phép thành lập và hoạt động theo hướng dẫn của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành);
- Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;
- Hợp đồng PPP đã ký kết với đơn vị nhà nước có thẩm quyền;
- Tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.
- Người cư trú là nhà đầu tư Việt Nam được góp vốn đầu tư bằng nguồn ngoại tệ tự có.
Mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp:
- Đối tượng mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bao gồm:
-
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
- Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án.
- Các đối tượng mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp theo hướng dẫn sau:
- Phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại 01 (một) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Tương ứng với loại ngoại tệ thực hiện góp vốn đầu tư, chỉ được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại ngoại tệ đó tại 01 (một) ngân hàng được phép;
- Trường hợp thực hiện đầu tư bằng đồng Việt Nam, được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng đồng Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hợp đồng BCC hoặc trực tiếp thực hiện nhiều dự án PPP, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt tương ứng với mỗi hợp đồng BCC, dự án PPP.
- Trường hợp thực hiện các khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được mở thêm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng loại đồng tiền đi vay tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp liên quan đến khoản vay nước ngoài theo hướng dẫn của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
- Trường hợp thay đổi ngân hàng được phép nơi mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, các đối tượng thực hiện các bước sau:
- Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại ngân hàng được phép khác;
- Chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở trước đây sang tài khoản vốn đầu tư trực tiếp mới, sau đó đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở trước đây;
- Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại ngân hàng được phép khác chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi sau khi hoàn tất các bước nêu trên.