1. Giới thiệu tác giả

Sách Bình luận khoa học bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 – Phần các tội phạm (Quyển 2) do GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa làm chủ biên.

Tập thể tác giả:

GS.TS. Lê Thị Sơn: Chương XX

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa: Các chương XXI, XXIV và Điều 426

PGS.TS. Nguyễn Văn Hương: Chương XXII

TS. Trần Văn Dũng: Chương XXIII

TS. Mai Bộ: Chương XXV

TS. Đào Lệ Thu: Chương XXVI

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Bình luận khoa học bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 - Phần các tội phạm (Quyển 2)

Sách Bình luận khoa học bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 – Phần các tội phạm (Quyển 2)

Tác giả: GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên)

Nhà xuất bản Tư Pháp

3. Tổng quan nội dung sách

Nhằm nâng cao ý thức pháp luật của người dân, tạo điều kiện cho việc nhận thức thống nhất pháp luật trong việc áp dụng các quy định pháp luật để giải quyết vụ án hình sự, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Sách Bình luận khoa học bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 – Phần các tội phạm (Quyển 2) – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên).

Sách Bình luận khoa học bộ luật hình sự năm 2015 (Phần các tội phạm) quyển 2 bình luận 6 chương của Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể đó là:

– Chương XX: Các tội phạm về ma túy

– Chương XXI: Các tội phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

– Chương XXII: Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính

– Chương XXIII: Các tội phạm về chức vụ

– Chương XXIV: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

– Chương XXV: Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiêm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu

– Chương XXVI: Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh

Dưới đây là trích dẫn nội dung bình luận một số điều trong cuốn sách để bạn đọc tham khảo:

Điều 270. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt

1. Người nào điều động người không có giấy phép lái tàu hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Bình luận:

Điều luật gồm 4 khoản. Trong đó, khoản 1 quy định các dấu hiệu pháp lý và khung hình phạt cơ bản của tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; khoản 2, khoản 3 quy định các trường hợp ơhamj tội tăng nặng và khoản 4 quy định khung hình phạt bổ sung.

1. Theo khoản 1 của điều luật, tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt có các dấu hiệu pháp lý sau:

* Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt được quy định là người có quyền điều động người khác điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Theo đó, giữa chủ thể của tội phạm và người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt có quan hệ phục tùng về mặt pháp lý mà trong quan hệ này chủ thể của tội phạm có quyền yêu cầu họ điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. 

Theo quy định của điều luật, chủ thể của tội này còn có trường hợp là người đã bị xử lý kỷ luật hoạc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Đây là đặc điểm nhân thân xấu được quy định thay thế cho dấu hiệu hậu quả thiệt hại được quy định tại điều luật.

* Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Đây là những người mà theo quy định của pháp luật không được phép điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà họ được điều động điều khiển vì không đủ các điều kiện cho phép điều khiển phương tiện này. Điều luật liệt kê một số trường hợp cụ thể không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt là:

– Không có giấy phép lái tàu: đây là trường hợp người được điều động không có giấy phép lái tàu hoặc giấy phép lái tàu của họ không quy định loại phương tiện mà họ được điều động điều khiển hoặc họ đã bị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép hoặc cấm điều khiển phương tiện được điều động điều khiển.
– Đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định: đây là trường hợp người được điều động là người đang trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở do đã sử dụng rượu, bia mà không đòi hỏi mức cụ thể do luật đường sắt không quy định.
– Có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác. Đây là trường hợp người được điều động là người đang trong tình trạng có chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác trong cơ thể do đã sử dụng các chất này.
– Ngoài các trường hợp cụ thể trên đây, điều luật còn quy định trường hợp không đủ điều kiện khác. Đây là quy định có tính dự phòng. Hiện nay, điều kiện, có giấy phép lái tàu đã bao quát hết các điều kiện cụ thể mà người được phép điều khiển phương tiện giao thông đường sắt cần có theo quy định của pháp luật.
* Dấu hiệu xác định hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt là tội phạm
Theo quy định của điều luật, hành vi điều động người khác không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt chỉ cấu thành tội phạm về mặt khách quan trong các trường hợp sau:
– Gây hậu quả chết người;
– Hậu quả thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;
– Gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61 % trở lên;
– Gây hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc;
– Chủ thể là người đã bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Đây là dấu hiệu nhân thân xấu của chủ thể đã thực hiện hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà điều luật đòi hỏi để hành vi chưa gây ra hậu quả được quy định trên bị coi là có tính nguy hiểm đáng kể của tội phạm. Ở đây có sự quy định đặc điểm nhân thân xấu là dấu hiệu định tội thay thế cho tự hiểu hậu quả thiệt hại khách quan về người và tài sản. Về các quy định này ở tổ điều độ người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt cũng như ở một số tội phạm khác, có ý kiến cho rằng việc quy định đặc điểm nhân thân và dấu hiệu định tội là trái với nguyên tắc cơ bản của luật hình sự.
Như vậy, hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt cấu thành tội phạm về mặt khách quan trong hai loại trường hợp: Trường hợp đã gây hậu quả thiệt hại về người hoặc tài sản ở mức độ được quy định và trường hợp chưa gây hậu quả như vậy nhưng thay vào đó chủ thể có đặc điểm xấu về nhân thân. Theo đó, trong trường hợp thứ nhất, cấu thành tội phạm là cấu thành tội phạm vật chất nên khi áp dụng cần chứng minh giữa hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và hậu quả thiệt hại đã xảy ra có quan hệ nhân quả với nhau. Trái lại trong trường hợp thứ hai cấu thành tội phạm là cấu thành tội phạm hình thức.
* Dấu hiệu lỗi của chủ thể
Lỗi của chủ thể được xác định là lỗi vô ý trong trường hợp cấu thành tội phạm và cấu thành tội phạm vật chất. Trong trường hợp là cấu thành tội phạm hình thức, lỗi của chủ thể được xác định theo lỗi của họ đối với hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Theo đó, lỗi của người phạm tội trong trường hợp cấu thành tội phạm là cấu thành tội phạm hình thức được xác định có thể là lỗi cố ý.
Khoản 1 của điều luật quy định khung hình phạt cơ bản là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Khoản 2 của điều luật quy định khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ ba năm đến 10 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
– Làm chết hai người: đây là trường hợp phạm tội mà hậu quả gây ra là hai người chết.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 12% đến 200%: đây là trường hợp phạm tội có ít nhất 02 người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 12% đến 200% (vì trên mức này dễ thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 của điều luật).
– Thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng: đây là trường hợp phạm tội đã gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng (vì đến mức này sẽ thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 của điều luật)
3. Khoản 3 của điều luật quy định khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ bẩy năm đến 15 năm được áp dụng cho trường hợpPhạm tội có một trong các tình tiết định khung phạt tăng nặng sau:
– Làm chết ba người trở lên: đây là trường hợp phạm tội mà hậu quả gây ra ít nhất là ba người chết.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201 % trở lên: đây là trường hợp phạm tội có ít nhất 03 người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 201 % trở lên.
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên: đây là trường hợp phạm tội đã gây thiệt hại về tài sản ít nhất là 1,5 tỷ đồng.
4. Khoản 4 của điều luật quy định khung hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

4. Đánh giá bạn đọc

Đã có rất nhiều công trình khoa học bình luận các điều luật của Bộ luật hình sự năm 2015, nhìn chung các nội dung bình giải của các tác giả đều có chung quan điểm nhất quán. Cuốn “Sách Bình luận khoa học bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 – Phần các tội phạm (Quyển 2)” cũng vậy, 6 chương của Bộ luật hình sự được bình luận từng điều luật, diễn giải ý nghĩa, tinh thần của điều luật có so sánh và bình giải giúp bạn đọc hiểu được giá trị lịch sử và thực tiễn của quy định đó. Điều này giúp cho việc hiểu và áp dụng pháp luật được thông nhất.

5. Kết luận

Cuốn sách “Bình luận khoa học bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 – Phần các tội phạm (Quyển 2″ không chỉ có giá trị về mặt khoa học pháp lý mà còn mang tính thực tiễn cao mà các nhà nghiên cứu, các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng, các cán bộ trong các cơ quan pháp luật và các sinh viên ngành luật có thể tham khảo trong quá trình công tác, học tập của mình.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!