1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách “Bình luận những điểm mới cơ bản của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015” do TS. Võ Thị Kim Oanh và tập thể giảng viên, nghiên cứu sinh, thạc sĩ của khoa Luật hình sự trường Đại học Luật TP.HCM và Trường đại học Cảnh sát nhân dân biên soạn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Bình luận những điểm mới cơ bản của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015
Tác giả: Võ Thị Kim Oanh
Nhà xuất bản Hồng Đức
3. Tổng quan nội dung sách
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) được Quốc hội Khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thi hành Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2003, có nhiệm vụ và vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh thần đổi mới quyết liệt trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015 đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, ghi nhận trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 26/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần X, XI của Đảng. Đặc biệt, BLTTHS 2015 đã thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp 2013 trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bổ sung nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ, bổ sung và làm rõ hơn nhiệm vụ của Tòa án và Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng Hiến định.
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 cũng phản ánh quá trình Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực và trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm; cũng như các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với các nước trên thế giới.
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 thể hiện và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật mới được Quốc hội ban hành; tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến tố tụng hình sự; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục và triển khai các biện pháp nhằm thi hành có hiệu quả, đạt được mục tiêu và quan điểm nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 đi vào đời sống và thực tiễn tố tụng hình sự. Bởi vậy TS. Võ Thị Kim Oanh và tập thể giảng viên, nghiên cứu sinh, thạc sĩ của khoa Luật hình sự trường Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Cảnh sát nhân dân đã biên soạn cuốn sách: “Bình luận những điểm mới cơ bản của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015”:
Bộ luật này cũng đã quy định rõ ràng văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, tránh được việc “làm khó” người bào chữa như trước đây. Thêm vào đó là việc mở rộng các quyền của người bào chữa, các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. Có thể nói Bộ luật TTHS 2015 đã thể hiện rõ hơn về quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Trước yêu cầu của Hiến pháp năm 2013: mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu và xử lý nghiêm túc, thấu đáo vấn đề này. Trên cơ sở cân nhắc các điều kiện cụ thể của nước ta về mọi mặt, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các cam kết quốc tế của Việt Nam, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một chương mới để luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Theo đó, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử (Điều 223); các biện pháp này áp dụng trong quá trình tiến hành tố tụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng (Điều 224); thẩm quyền áp dụng: chỉ Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên và được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn (Điều 225); thời hạn áp dụng không quá 2 tháng, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra (Điều 226); cho phép sử dụng làm chứng cứ đối với những thông tin, tài liệu thu thập từ biện pháp điều tra đặc biệt; đồng thời, quy định nghiêm ngặt việc sử dụng các thông tin, tài liệu nhằm bảo vệ bí mật riêng tư của các cá nhân, tổ chức (Điều 227).
4. Đánh giá bạn đọc
Bình luận những điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho chúng ta thấy có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng theo hướng đảm bảo nhiệm vụ hoạt động đấu tranh phòng chống nhưng đồng thời bảo vệ và bảo đảm có hiệu quả hơn các quyền con người, quyền công dân, đặt biệt là quyền của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng hình sự.
5. Kết luận
Các tác giả đã trình bày, phân tích và có sự so sánh giữa các điều luật tương ứng của hai Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và năm 2015 để chỉ ra những điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, làm sáng tỏ hơn các nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Đây là một tác phẩm xuất bản không chỉ có giá trị về mặt khoa học pháp lý, mà còn mang tính thực tiễn cao, giúp các nhà nghiên cứu, các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng, các cán bộ trong các cơ quan pháp luật và các sinh viên ngành luật có thể tham khảo trong quá trình công tác, học tập của mình.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!