1. Giới thiệu tác giả
Sách Chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam lý luận và thực tiễn do Tiến sĩ Nguyễn Trúc Thiện biên soạn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Sách Chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam lý luận và thực tiễn
Tác giả: Nguyễn Trúc Thiện
Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông
3. Tổng quan nội dung sách
Chứng minh trong tố tụng hình sự là một trong những vấn đề lý luận quan trọng, cơ bản của tố tụng hình sự. Mặc dù đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau về chứng minh trong tố tụng hình sự nhưng phần lớn là nghiên cứu về đối tượng chứng minh trong tố tụng hình sự, quá trình chứng minh trong vụ án hình sự, nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự, quá trình chứng minh trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự… Tuy nhiên, để giải quyết vụ án hình sự các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải chứng minh làm rõ được sự thật của vụ án. Vì không thể làm sáng tỏ tất cả mọi khía cạnh của vụ án hình sự mà chỉ có thể và chỉ cần làm rõ những tình tiết có ý nghĩa pháp lý, những vấn đề cần thiết mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Muốn làm sáng tỏ những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được những chứng cứ cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Xét về trình tự tố tụng chứng minh là phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ trên cơ sở đó mới xác định được sự thật của vụ án. Do vậy, cần nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, trên cơ sở đó cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có cách nhìn và thái độ làm việc khách quan, toàn diện trong việc tìm kiếm, đánh giá chứng cứ. Nhận thức đúng đắn lý luận về chứng cứ bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào điều kiện cụ thể của vụ án để có quyết định chính xác trong những tình huống giữa có tội và không có tội, áp dụng trách nhiệm hình sự hay miễn trách nhiệm hình sự. Để bảo đảm pháp chế và công lý, đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải có kiến thức pháp luật và hiểu biết đầy đủ, khách quan, toàn diện về các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, đảm bảo cho việc chứng minh tội phạm được khách quan, toàn diện, chính xác, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chứng minh và chứng cứ thành một chương riêng, theo đó được quy định tại chương VI của Bộ luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay tình hình tội phạm rất phức tạp, phương thức và thủ đoạn gây án rất tinh vi, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết chưa triệt để, làm cho việc xác định sự thật khách quan vụ án còn có nhiều sai sót, dẫn đến việc điều tra, truy tố, xét xử không đúng người, đúng tội dẫn đếnnhiều trường hợp làm oan người vô tôi, bỏ lọt tội phạm.
Như vậy, xét từ góc độ quy định pháp luật, việc nghiên cứu chứng minh trong tố tụng hình sự có ý nghĩa rất quan trọng là bảo đảm tốt hơn về quyền con người, bảo vệ bên bị yếu thế và góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và cải cách tư pháp nói riêng.
Xét từ góc độ thực tiễn, việc thực hiện chứng minh trong tố tụng hình sự còn có những bất cập xuất phát từ việc chưa quy định cụ thể, rõ ràng giữa các chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử dẫn đến tình trạng chồng chéo nhau, làm cho các chủ thể thực hiện chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Ngoài ra một nhân tố cũng không kém phần quan trọng đó là trình độ chuyên môn của các chủ thể thực hiện các hoạt động chứng minh ngày càng được nâng cao, nhưng thực tiễn trong những năm gần đây chất lượng giải quyết các vụ án hình sự vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này bao gồm cả nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện chứng minh trong tố tụng hình sự và nguyên nhân khách quan từ chính các quy định của pháp luật hình sự.
Nội dung cuốn sách được trình bày với cấu trúc chương mục như sau:
Chương 1. Những vấn đề lý luận về chứng minh trong tố tụng hình sự
1.1. Cơ sở phương pháp luận của chứng minh trong tố tụng hình sự
1.2. Khái niệm, đặc điểm, mục đích và ý nghĩa chứng minh trong tố tụng hình sự
1.2.1. Khái niệm chứng minh trong tố tụng hình sự
1.2.2. Đặc điểm chứng minh trong tố tụng hình sự
1.2.3. Mục đích, ý nghĩa của chứng minh trong tố tụng hình sự
1.3. Đối tượng chứng minh và giới hạn chứng minh trong tố tụng hình sự
1.3.1. Đối tượng chứng minh
1.3.2. Giới hạn chứng minh
1.4. Quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự
1.4.1. Thu nhập chứng cứ
1.4.2. Kiểm tra chứng cứ
1.4.3. Đánh giá chứng cứ
1.5. Chứng minh trong các mô hình tố tụng và một số nước trên thế giới
1.5.1. Chứng minh trong các mô hình tố tụng
1.5.2. Quy trình của pháp luật một số nước trên thế giới về chứng minh trong tố tụng hình sự
Chương 2. Các công trình nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và một số nước trên thế giới
2.1. Nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến lý luận chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam
2.2. Nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam
2.3. Nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng chứng minh trong tố tụng hình sự
2.4. Nhóm các công trình nghiên cứu khác có liên quan
2.5. Nhóm các công trình nghiên cứu ở nước ngoài
Chương 3. Quy định của pháp luật về chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam
3.1. Quy định của pháp luật về chứng minh trong tố tụng hình sự
3.1.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về chứng minh trong tố tụng hình sự
3.1.1.1. Khái quát lịch sử quy định quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về chứng minh trong tố tụng hình sự
3.1.1.2. Quy định Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về chứng minh trong tố tụng hình sự
3.1.1.3. Đánh giá quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về chứng minh trong tố tụng hình sự
3.2. Thực tiễn chứng minh trong tố tụng hình sự
3.2.1. Khái quát tình hình chứng minh trong các giai đoạn tố tụng hình sự
3.2.2. Đánh giá thực tiễn chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam về những kết quả đạt được và hạn chế
Chương 4. Yêu cầu và các giải pháp nâng cao chất lượng chứng minh trong tố tụng hình sự
4.1. Yêu cầu và các giải pháp nâng cao chất lượng chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam
4.2. Các giải pháp bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật hiện hành về chứng minh trong tố tụng hình sự
4.2.1. Kịp thời ban hành văn bản và hướng dẫn thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về chứng minh trong tố tụng hình sự
4.2.2. Nâng cao nhận thức và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đối với hoạt động chứng minh
4.2.3. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ
4.2.4. Các giải pháp khác
4.3. Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về chứng minh trong tố tụng hình sự
Dưới đây là phần trích dẫn nội dung sách để bạn đọc tham khảo:
2.2.3. Mục đích, ý nghĩa của chứng minh trong tố tụng hình sự
Mục đích của chứng minh trong tố tụng hình sự:
Xuất phát từ quy định, Bộ luật tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người,quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Có thể nói, mục đích hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều xuất phát từ quyền lực của Nhà nước để phát hiện, xử lý, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người,quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, các lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của của tổ chức, cá nhân…. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiều hoạt động tố tụng khác nhau tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ được pháp luật quy định trong từng giai đoạn tố tụng.
Xuất phát từ bản chất của chứng minh trong tố tụng hình sự chính là sử dụng chứng cứ để làm sáng tỏ những vấn đề thuộc đối tượng chứng minh theo quy định của pháp luật, tức là làm rõ sự thật khách quan của vụ án để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự và trên cơ sở khái niệm chứng minh trong tố tụng hình sự, có thể thấy, mục đích của chứng minh trong tố tụng hình sự là làm rõ những vấn đề thuộc đối tượng chứng minh để giải quyết đúng đắn vụ án trên cơ sở xác định sự thật khách quan của vụ án.
Tuy nhiên, tùy theo từng giai đoạn tố tụng mà mục đích của việc chứng minh có thể khác nhau, nhưng đều là để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Sự khác nhau này phụ thuộc vào bản chất, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn tố tụng.
Trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, chứng minh có sự việc xảy ra hay không, sự việc xảy ra có dấu hiệu của tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Điều này được thể hiện rõ là chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi xác định có dấu hiệu của tội phạm hoặc không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ mà pháp luật quy định. Như vậy, để khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền chưa cần phải chứng minh ai là người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác…
Khác với giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử cơ quan có thẩm quyền không chỉ chứng minh làm rõ sự việc xảy ra có dấu hiệu của tội phạm hay không mà còn phải làm rõ tất cả những vấn đề cần phải chứng minh theo quy định của pháp luật và những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Trong giai đoạn điều tra, tùy theo kết quả chứng minh, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án…Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng hay quyết định truy tố (nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn) hoặc quyết định đình chỉ vụ án…Trong giai đoạn xét xử, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án.. hoặc trên cơ sở kết quả kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử ra bản án quyết định bị cáo có tội hay không có tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp…
Tóm lại, mục đích của chứng minh trong tố tụng hình sự là sử dụng chứng cứ để làm sáng tỏ những vấn đề thuộc đối tượng chứng, tức là làm rõ sự thật khách quan của vụ án để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Trong tố tụng hình sự, yêu cầu của việc giải quyết vụ án là phải xác định sự thật (chân lý) khách quan chứ không phải là chân lý tuyệt đối. Nếu có thể xác định được chân tuyệt đối khi giải quyết vụ án hình sự thì pháp luật không cần phải quy định thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm…
Ý nghĩa của chứng minh trong tố tụng hình sự:
Chứng minh trong tố tụng hình sự góp phần vào việc phát hiện kịp thời và xác định tội phạm, người phạm tội chính xác một cách khách quan, toàn diện, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội nhằm đạtđược mục đích chứng minh đề ra, làm sáng tỏ sự thật chân lý khách quan, trên cơ sở đó có đường lối xử lý đúng đắn theo quy định của Bộ luật hình sự.
Chứng minh được tội phạm một cách chính xác, khách quan, toàn diện còn có ý nghĩa bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắcxử lý trách nhiệm hình sự là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.
Chứng minh trong tố tụng hình sự thể hiện sự bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc công bằng: “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xá hội. Nghiêm trị người chủ mưu cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối….khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm …”. Đồng thời, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Tóm lại ý nghĩa của chứng minh trong tố tụng hình sự là đạt được mục đích của chứng minh đề ra, làm sáng tỏ sự thật chân lý khách quan, bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc công bằng.
4. Đánh giá bạn đọc
Nội dung cuốn sách được tác giả biên soạn khá toàn diện các vấn đề về chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam. Tác giả đã cung cấp cho bạn đọc khối lượng dữ liệu lớn về lý luận và thực tiễn về chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam. Cuốn sách này là tài liệu hữu ích dành cho bạn đọc nói chung, những người làm công tác xét xử nói riêng, nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự và giải quyết vụ án hình sự.
5. Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!