1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách “Đường vào nghề Pháp chế doanh nghiệp” được biên soạn bởi Luật sư Lê Văn Dụng có hơn 12 năm kinh nghiệm hành nghề luật, pháp chế doanh nghiệp và đứng lớp đào tạo kỹ năng làm pháp chế doanh nghiệp.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Đường vào nghề Pháp chế doanh nghiệp (LS. Lê Văn Dụng)

Đường vào nghề Pháp chế doanh nghiệp

Tác giả: Luật sư Lê Văn Dụng

Nhà xuất bản Thanh Niên

3. Tổng quan nội dung sách

Cuốn sách “Đường vào nghề Pháp chế doanh nghiệp” được tác giả viết trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 giữa năm 2021. Sách này dành cho bất kỳ ai quan tâm đến việc chuẩn bị, gia nhập thị trường lao động nghề luật, nhất là nghề pháp chế doanh nghiệp. Sách này khá phù hợp với sinh viên ngành luật, học luật để sau này đi làm pháp chế cho doanh nghiệp, ngân hàng, làm Luật sư của LVN Group, bao gồm cả tư vấn, tranh tụng. Sách này được tác giả viết theo cách nêu vấn đề và giải đáp, để chia sẻ với bạn đọc những trải nghiệm thực tế của bản thân tác giả, nhằm giúp bạn đọc tìm thấy được những bài học về nghề nghiệp cho mình.

Cuốn sách được viết bởi một người đã từng thất nghiệp vì ngành nghề học đầu tiên và quyết định bắt đầu lại từ đầu với lựa chọn học luật và đã nỗ lực rất nhiều và giờ đây đã trở thành chuyên gia trong việc đào tạo kỹ năng hành nghề pháp chế doanh nghiệp do đó những chia sẻ trong cuốn sách này sẽ thật sự là hữu ích.

Tác giả đã từng tốt nghiệp ngành sư phạm, rồi thất nghiệp ở tuổi 22. Và rồi tác giả bắt đầu làm lại bằng việc học chương trình cử nhân ngành luật. Tại thời điểm đó, tác giả đã lựa chọn cách học luật để đi làm. Cách đặt mục tiêu này khác với hầu hết các sinh viên đã và đang làm thời đó. Lúc đó, sinh viên cứ học theo chương trình đào tạo, cố gắng lấy điểm cao, nỗ lực để tốt nghiệp với văn bằng xuất sắc, giỏi, khá. Tương lai thì cứ chờ đến ngày ra trường rồi tính tiếp. Sau tốt nghiệp, xin được việc gì thì làm việc ấy, phụ thuộc vào chính công việc may mắn tìm được, không phải sự chủ động lựa chọn nghề nghiệp của bản thân. Tác giả đã tự thay đổi cách học, học để đi làm và tác giả đã làm được việc ngay khi tốt nghiệp. Đó là cách giúp tác giả phát triển chuyên môn, thích ứng nhanh với thực tiễn, giúp tác giả làm tốt công việc và khám phá ra những điều mà bản thân luôn cảm thấy tự hào.

Cuốn sách này là đúc kết trải nghiệm của tác giả, xuyên suốt một quá trình rất dài, từ việc học luật với mục tiêu đi làm pháp chế doanh nghiệp, Luật sư của LVN Group tư vấn, tranh tụng, bắt đầu từ khi còn là một sinh viên ngành luật, học theo các định hướng như vậy, cho đến khi tốt nghiệp, ứng tuyển làm pháp chế doanh nghiệp. Đây là một quá trình tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Vì vậy, bất kỳ bạn trẻ nào muốn thành công với công việc làm về sau, cần phải đủ đam mê, đủ nhiệt huyết và đủ kiên trì, cần kỳ công theo đuổi đam mê của mình.

Để giúp bạn đọc là người muốn vào nghề pháp chế doanh nghiệp, trong đó có sinh viên ngành luật, tác giả chia sẻ các trải nghiệm của chính mình, bằng cách trả lời cho 60 câu hỏi, được chọn lọc từ các câu hỏi của rất nhiều bạn sinh viên luật, người muốn lựa chọn theo nghề pháp chế doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, trên phạm vi cả nước, đặt cho tác giả khi tác giả tham gia hướng nghiệp, đào tạo nghề pháp chế doanh nghiệp. Nội dung cuốn sách được tác giả chia làm 05 chương, là 05 bước tiến lớn trên con đường từ người học luật trở thành người làm pháp chế doanh nghiệp. Vì vậy, cuốn sách này đã được đặt tên là: “Đường vào nghề pháp chế doanh nghiệp”.

Nội dung khái quát của các chương trong sách này như sau:

Chương 1: Tìm hiểu và lựa chọn

Việc hiểu nghề là cần thiết để hành nghề chuyên nghiệp, là nền tảng để giúp người hành nghề sống được bằng nghề. Hiểu nghề cũng là yêu cầu để chuẩn bị vào nghề. Hiểu nghề để thành công với nghề, thì cần phải hiểu về những cơ hội hành nghề mà mình có thể tìm thấy. Vì thế, để khởi động con đường vào nghề, tác giả dành Chương 1 sách này, để trình bày trải nghiệm của mình, giúp người đọc tìm hiểu về nghề pháp chế doanh nghiệp và cơ hội nghề nghiệp của mình. Chương này, tác giả bắt đầu trình bày từ việc tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp, các vị trí công việc mà doanh nghiệp tuyển dụng cử nhân luật và mô tả công việc chi tiết của nghề pháp chế doanh nghiệp. Chương này cũng giúp bạn đọc tìm hiểu các công việc khác mà doanh nghiệp có tuyển cử nhân luật, thông qua so sánh công việc đó với công việc pháp chế doanh nghiệp. Đồng thời, tác giả giới thiệu các yêu cầu mà một người làm pháp chế doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tốt để có thể làm tốt công việc pháp chế doanh nghiệp về sau.  

Chương 2: Học để làm pháp chế doanh nghiệp

Kiến thức pháp luật được học ở trường đại học là nền tảng để phát triển kỹ năng làm việc về sau, là cái gốc để thành công trong nghề nghiệp khi đi làm. Kiến thức không dừng lại ở những gì được dạy ở giảng đường đại học, mà còn cần người làm nghề tự học thêm kiến thức thực tế. Hiện nay, sinh viên luật mới tốt nghiệp, người mới đi làm rất hạn chế về kiến thức thực tế, hạn chế kỹ năng làm việc và thiếu kinh nhiệm. Để giải quyết yêu cầu giúp sinh viên luật, người mới đi làm học để nắm vững kiến thức cơ bản, đồng thời bổ túc được kiến thức thực tế, tác giả đã viết Chương 2 này. Tại toàn bộ chương này, tác giả hướng dẫn sinh viên ngành luật tận dụng thời gian còn học ở trường đại học để học, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ cho việc làm pháp chế doanh nghiệp về sau; đồng thời hướng dẫn cho những người đã học xong cử nhân luật, tự học, tự rèn luyện, tham gia các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng để có thể đảm nhận tốt công việc pháp chế doanh nghiệp. Trong chương này, tác giả đã tập trung phân tích từ góc nhìn thực tế công việc, theo yêu cầu thực tế của thị trường lao động, để định hướng người muốn làm pháp chế doanh nghiệp các kiến thức, kỹ năng làm việc cần chuẩn bị, cách thức chuẩn bị để sẵn sàng, tự tin gia nhập thị trường lao động.

Chương 3: Kiến tập và thực tập

Hiện nay, thị trường lao động đang đòi hỏi các ứng viên tìm việc ở các vị trí người làm pháp chế doanh nghiệp phải có kinh nghiệm thực tế. Điều này đã tạo ra không ít khó khăn cho người tìm việc, nhất là sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Để có được việc làm, sinh viên luật và người mới đi làm phải chứng minh được kinh nghiệm làm việc của mình. Trong khi, nếu thuần túy chỉ học ở trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Để giúp giải bài toán này, tác giả dành toàn bộ Chương 3 này hướng dẫn về kiến tập, thực tập và học việc. Chương này, tác giả sẽ giúp sinh viên ngành luật mới tốt nghiệp, người mới đi làm cách để khắc phục tình trạng “không có kinh nghiệm thực tế” thông qua việc kiến tập, thực tập, học việc. Tác giả lần lượt giúp bạn đọc hiểu về bản chất của kiến tập, thực tập, học việc, hiểu về lý do tại sao phải làm các việc này và chia sẻ kinh nghiệm để kiến tập, thực tập, học việc thành công.

Chương 4: Ứng tuyển và hòa nhập

Hiện nay, bán sức lao động trên thị trường lao động, đòi hỏi người lao động phải có năng lực làm việc tốt và có kỹ năng bán sức lao động của mình một cách thành thạo, mới mong đạt được mức giá cao nhất. Người làm pháp chế, nếu đã quan tâm tìm hiểu và vận dụng tốt các hướng dẫn tại 03 chương đầu sách này, thì có thể đã có được năng lực làm việc tốt rồi. Tuy nhiên, nếu đã có sức lao động tốt, mà không có khả năng bán sức lao động ra thị trường, bán không được, hoặc bán với giá quá thấp, thì điều đó thật đáng tiếc. Vì vậy, tác giả đã dành toàn bộ Chương 4 này để hướng dẫn kỹ năng ứng tuyển và hòa nhập cho người tìm việc pháp chế doanh nghiệp, để có được việc làm và có cơ hội có được việc làm tốt, thu nhập tốt. Tại chương này, tác giả đưa ra hướng dẫn cho cử nhân luật mới tốt nghiệp, người mới đi làm toàn bộ các kỹ năng cần thiết về tìm việc, lập hồ sơ ứng tuyển, cách viết CV cho người ít kinh nghiệm, cách viết thư ứng tuyển, cách chuẩn bị để trả lời phỏng vấn, cách trả lời phỏng vấn cho từng nhóm câu hỏi có thể gặp, cách trao đổi với nhà tuyển dụng trước, trong quá trình phỏng vấn, và sau phỏng vấn, cách đàm phán những nội dung chính của quan hệ lao động.

Chương 5: Phát triển và thăng tiến

Có được cơ hội việc làm, tức là được nhận thử việc chưa chắc chắn đã đảm bảo cho cử nhân luật mới tốt nghiệp, người mới đi làm có thể an toàn với công việc đó. Việc thử việc có thể không đạt và bị chấm dứt thử việc. Đã làm việc theo hợp đồng lao động, vẫn có thể bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do không hoàn thành công việc, mắc sai sót trong công việc. Cử nhân luật mới tốt nghiệp, người mới đi làm rất khó khăn khi tiếp cận, giải quyết công việc, rất lo lắng cho kết quả công việc và thường xuyên có thể mắc sai sót. Giai đoạn đầu vào nghề, người mới đi làm cũng còn rất nhiều khó khăn về công việc, về định hướng nghề nghiệp, về tương lai phát triển nghề nghiệp. Chính vì vậy, tác giả đã dành toàn bộ Chương 5 này để giải quyết các yêu cầu này. Chương này, tác giả đưa ra các hướng dẫn, lời khuyên để người làm pháp chế doanh nghiệp mới bắt đầu công việc có thể vượt qua các khó khăn, lo lắng ban đầu về chất lượng công việc, giúp họ có cái nhìn đầy đủ về định hướng nghề nghiệp, cơ hội phát triển nghề nghiệp và thăng tiến. Đây cũng là bước cuối cùng trên con đường chuẩn bị vào nghề, giúp người trẻ theo nghề pháp chế doanh nghiệp tự tin phát triển, làm việc chuyên nghiệp, gắn bó với nghề.

4. Đánh giá bạn đọc

Cuốn sách như lời tự sự của một người đã kinh qua con đường gian nan để có vị trí trong sự nghiệp hành nghề luật và làm pháp chế doanh nghiệp nên đó thực sự là những định hướng quý báu dành cho bạn đọc nhất là những cử nhân ngành luật trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Từng công việc ở mỗi giai đoạn nhất định bạn phải làm tốt để có thể bước vào con đường Pháp chế doanh nghiệp một cách thành công.

Thực hành đủ 05 bước trên đường vào nghề mà tác giả vạch ra, cử nhân luật, người mới vào nghề hoàn toàn có thể hành nghề chuyên nghiệp, có thu nhập cao và có nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp sớm, trong giai đoạn 05 năm sau khi tốt nghiệp đại học.

5. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Đường vào nghề Pháp chế doanh nghiệp“.