1. Giới thiệu tác giả
Sách Kỹ năng nghiệp vụ Hội thẩm dùng trong xét xử các vụ án hình sự do ThS. Vũ Hoài Nam làm chủ biên.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Sách Kỹ năng nghiệp vụ Hội thẩm dùng trong xét xử các vụ án hình sự
Tác giả: ThS. Vũ Hoài Nam (chủ biên)
Nhà xuất bản Tư pháp
3. Tổng quan nội dung sách
Ngày 2/6/2005, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 4-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược là “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ, tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh”. Nhiệm vụ trên đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công cuộc cải cách tư pháp, đó là phải xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp trong đó có Hội thẩm thực sử đủ về số lượng, mạnh về chất lượng nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, với đặc thù nghề nghiệp chuyên môn của mình, bên cạnh việc bản thân Hội thẩm phải tự mình không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác thì việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề cho Hội thẩm một cách chính thức là hết sức cần thiết. Cuốn sách “Kỹ năng nghiệp vụ Hội Thẩm Dùng trong xét xử các vụ án hình sự”sẽ là một trong những nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các Hội thẩm.
Cuốn sách này kế thừa có chọn lọc và phát triển những nội dung cơ bản của cuốn “Cẩm nang pháp luật và nghiệp vụ dành cho Hội thẩm trong xét xử các vụ án Hình sự” do NXB Tư pháp xuất bản năm 2015.
Nội dung chủ yếu của cuốn sách “Kỹ năng nghiệp vụ Hội Thẩm – Dùng trong xét xử các vụ án hình sự” tập trung phân tích những vấn đề pháp lý cơ bản về hình sự, tố tụng hình sự sau khi Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành. Cũng như kết quả trong việc tiếp tục tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự thời gian qua do tác giả là những người làm công tác nghiên cứu giảng dạy và hoạt động trong các cơ quan tố tụng hoặc đã từng là Hội thẩm nhiều năm biên soạn.
Nội dung cuốn sách được biên soạn gồm các chương mục như sau:
Chương 1. Những vấn đề cơ bản Hội thẩm cần quan tâm khi xét xử các vụ án hình sự
1. Vị trí, vai trò và quyền hạn của Hội thẩm trong xét xử các vụ án hình sự
2. Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự – Một số vấn đề cơ bản mà Hội thẩm cần quan tâm
Chương 2. Những kỹ năng cơ bản của Hội thẩm khi tham gia xét xử các vụ án hình sự
1. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ
2. Kỹ năng tham gia xét xử tại phiên tòa
Chương 3. Kỹ năng tham gia xét xử các loại tội phạm cụ thể
1. Các loại tội phạm an ninh quốc gia
2. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nahan phẩm, danh dự của con người
3. Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân
4. Các tội xâm phạm sở hữu
5. Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
6. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
7. Các tội phạm về môi trường
8. các tội phạm về ma túy
9. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng
10. Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
11. Các tội phạm về chức vụ
12. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
13. Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu
14. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh
Dưới đây là một số kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự mà Hội thẩm cần có.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự.
Nội dung nghiên cứu:
Vụ án hình sự là tập hợp các văn bản (tài liệu) do các cơ quan tiến hành tố tụng lập theo quy định của pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, được sắp xếp theo một trình tự nhất định nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đúng đắn. Mỗi tài liệu chứa đựng một hoặc nhiều thông tin liên quan chặt chẽ với nhau phản ánh nội dung vụ án.
Tất cả mọi thông tin về vụ án đều phải được ghi lại dưới hình thức văn bản, sơ đồ, bản ảnh, băng đĩa hình, ghi âm theo quy định của BLTTHS và đưa vào hồ sơ vụ án, thường gồm các tài liệu sau:
– Các tài liệu về khởi tố vụ án, khởi tố bị can, như: tài liệu về nguồn tin tội phạm, biên bản người phạm tội tự thú, quyết định khởi tố vụ án …
– Các văn bản về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: Biên bản bắt người phạm tội quả tang, lệnh tạm giữ, tạm giam; công văn xin phê chuẩn lệnh bắt, lệnh bắt, biên bản bắt; lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam; thông báo về tạm giam; quyết định truy nã; lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú…
– Các tài liệu phản ánh kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nhiệm tử thi , thực nghiệm điều tra, khám xét, thu giữ kê biên tài sản; lệnh khám xét, thu giữ vật chứng; bản ảnh hiện trường; Quyết định trưng cầu và kết luận giám định; yêu cầu định giá, kết luận của hội đồng định giá…
– Các tài liệu về lời khai của những người tham gia tố tụng: Biên bản ghi lời khai của những người bị tạm giữ, tạm giam, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền có nghĩa vụ liên quan, người làm chứng ….
– Các tài liệu về nhân thân bị can, bị cáo: Lý lịch bị can, các tài liệu về tiền án tiền sự, giấy khai sinh; giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù …
– Các tài liệu về nhân thân người bị hại: giấy khai sinh hoặc các giấy tờ chứng minh về độ tuổi của người bị hại …
– Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.
– Tài liệu kết thúc điều tra: Kết luận điều tra, biên bản giao nhận, thông báo kết quả điều tra cho đương sự…
– Các tài liệu truy tố: Các tài liệu Viện kiểm sát bổ sung; bản cáo trạng; biên bản giao nhận cáo trạng và giao nhận hồ sơ vụ án
– Tài liệu Tòa án bổ sung sau khi thụ lý vụ án (nếu có)
Việc nghiên cứu phải làm rõ những nội dung sau:
– Vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Tòa án không?
– Các thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố đã đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật không?
– Hành vi của bị cáo có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm không; tội danh và điều khoản BLHS mà Viện kiểm sát truy tố có phù hợp không?
– Có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình vụ án hay không?
Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án:
Có nhiều phương pháp nghiên cứu hồ sơ. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu nào phụ thuộc vào từng vụ án cụ thể cũng như kinh nghiệm thực tiễn của Hội thẩm. Thông thường sử dụng một trong hai phương pháp sau đây:
– Phương pháp nghiên cứu theo trình tự tố tụng: Bắt đầu từ quyết định khởi tố vụ án đến kết luận điều tra, cáo trạng. Phương pháp này có ưu điểm là bảo đảm khách quan không bị chi phối bởi quan điểm của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là mất nhiều thời gian mới nắm được đầy đủ nội dung vụ án vì không tận dụng tối đa được kết quả điều tra đã được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tổng hợp khi đưa ra kết luận.
– Phương pháp nghiên cứu hồ sơ không theo trình tự tố tụng: Bắt đầu từ cáo trạng sau đó đến các tài liệu khác có trong hồ sơ theo trình tự ngược lại về mặt thời gian để kiểm tra tính xác thực và đúng đắn của quyết định truy tố. Phương pháp này có ưu điểm là tiết kiệm được thời gian vì tận dụng được kết quả nghiên cứu tổng hợp của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhưng có nhược điểm là dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát dẫn đến sự định kiến, không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án.
Kỹ năng cơ bản khi nghiên cứu hồ sơ hình sự:
– Kiểm tra xem hồ sơ đã đảm bảo về thủ tục tố tụng chưa, số lượng bút lục có đủ không.
– Nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ: Đối với bất cứ tài liệu, chứng cứ nào cũng phải kiểm tra để đánh giá về tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của chúng. Việc đánh giá tổng hợp các chứng cứ về vụ án chỉ tiến hành sau khi đã nghiên cứu toàn bộ tài liệu trong vụ án. Việc nghiên cứu có thể tiến hành theo trình tự sau:
– Nghiên cứu cáo trạng: Nghiên cứu kỹ cáo trạng để nắm vững nội dung vụ án, xác định việc truy tố có căn cứ hay không? Làm rõ giới hạn của việc xét xử, cụ thể như sau:
+ Các hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định trong cáo trạng (kể cả hành vi không truy tố);
+ Các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội.
+ Tội danh và điều khoản của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố đối với các bị cáo.
+ Những tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
+ Mức độ thiệt hại và yêu cầu cụ thể về bồi thường thiệt hại (nếu có).
+ Các vấn đề liên quan đến vật chứng và xử lý vật chứng của vụ án.
– Nghiên cứu kết luận điều tra: Nghiên cứu để nắm được diễn biến tội phạm, các chứng cứ để cơ quan điều tra chứng minh tội phạm, người phạm tội; kết luận và đề nghị của cơ quan điều tra. So sánh những nội dung, quan điểm khác nhau giữa kết luận điều tra và cáo trạng.
– Nghiên cứu các lời khai của bị cáo: Đây là những chứng cứ trực tiếp để xác định sự thật của vụ án. Việc nghiên cứu lời khai của bị cáo, cần tiến hành theo trình tự lấy lời khai và cần xác định rõ những hành vi phạm tội nào bị cáo thừa nhận và hành vi nào không thừa nhận; lý do của việc thừa nhận hay không thừa nhận hoặc thay đổi lời khai; động cơ mục đích của hành vi phạm tội; mức độ ăn năn hối cải và thái độ khai báo của bị cáo trong quá trình điều tra; các điểm mâu thuẫn trong lời khai.
Lưu ý: Khi nghiên cứu các tài liệu này cần kiểm tra việc tuân thủ thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra khi lấy lời khai để đảm tính hợp pháp của chứng cứ.
– Nghiên cứu lời khai của người bị hại: Nghiên cứu lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của vụ án, các hành vi mà bị cáo đã thực hiện, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại. Việc nghiên cứu này cần chú ý đến đặc điểm, thái độ tâm lý của người bị hại đối với bị cáo, đối chiếu lời khai giữa các lần để xác định sự phù hợp hay mâu thuẫn trong lời khai của họ và tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn đó.
– Nghiên cứu lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng tương tự như nghiên cứu lời khai của người bị hại.
– Nghiên cứu biên bản đối chất để có thêm cơ sở đánh giá độ tin cậy trong các lời khai còn mâu thuẫn, xác định chứng cứ nào khách quan, chứng cứ nào không khách quan.
– Nghiên cứu biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, niêm phong…: cần kiểm tra việc tuân thủ các quy định của BLTTHS về trình tự thực hiện đối với các hoạt động tố tụng này.
– Nghiên cứu kết luận giám định: Cần kiểm tra các tài liệu, đồ vật mà cơ quan giám định đã xem xét để đưa ra kết luận giám định; thẩm quyền của cơ quan giám định và tính hợp pháp của kết luận giám định.
– Nghiên cứu các tài liệu về nhân thân của bị cáo: Nhân thân của bị cáo phản ánh qua lý lịch, tiền án, tiền sự (theo tàng thư căn cước của Công an cung cấp); thành tích chiến đấu, công tác, học tập của họ trước khi phạm tội; giấy khai sinh và các tài liệu xác định về độ tuổi.
– Nghiên cứu các tài liệu khác trong hồ sơ: Như nghiên cứu biên bản giao nhận cáo trạng, giao nhận kết luận điều tra để xem thái độ của bị cáo khi nhận các tài liệu này. Nghiên cứu các biên bản xác minh, nhận xét của cơ quan, tổ chức và yêu cầu của những người tham gia tố tụng ….cũng cần thiết để làm rõ các tình tiết của vụ án.
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án rồi tổng hợp để xác định độ tin cậy của từng chứng cứ, tài liệu; các tình tiết của vụ án đã làm rõ và những điểm còn mâu thuẫn cần được làm rõ.
4. Đánh giá bạn đọc
Cuốn sách được trình bày thành 3 chương với 3 phần nội dung rất rõ ràng: (i) Khái quát về vị trí, vai trò của Hội thẩm trong xét xử các vụ án hình sự; (ii) Trình bày những kỹ năng cơ bản của Hội thẩm khi tham gia xét xử các vụ án hình sự; (iii) Kỹ năng tham gia xét xử các loại tội phạm cụ thể.
Đây được coi là một cẩm nang không thể thiếu đối với Hội thẩm khi tham gia xét xử vụ án hình sự.
5. Kết luận
Cuốn sách cung cấp cho Hội thẩm, nhất là những người mới làm Hội thẩm khi tham gia xét xử vụ án hình sự có thêm một tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.