1. Giới thiệu tác giả
Sách Một số vấn đề về tham nhũng và những nội dung cơ bản của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 do TS. Đinh Văn Minh biên soạn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Một số vấn đề về tham nhũng và những nội dung cơ bản của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018
Tác giả: TS. Đinh Văn Minh
Nhà xuất bản Lao Động
3. Tổng quan nội dung sách
Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 Ngày 20-11-2018, tại kỳ họp thứ 6 khóa XIV, (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019). Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và tìm hiểu quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, Tiến sĩ Đinh Văn Minh đã biên soạn cuốn sách: “Một số vấn đề về tham nhũng và những nội dung cơ bản của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018″.
Cuốn sách có cấu trúc chương mục như sau:
Phần thứ nhất: Một số vấn đề chung về tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng
Phần thứ hai: Sự hình thành và phát triển của phâp luật về phòng, chống tham nhũng
Phần thứ ba: Những nội dung cơ bản của luật phòng chống tham nhũng 2018
Dưới đây là nội dung trích dẫn trong phần thứ nhất của cuốn sách để bạn đọc tham khảo:
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Nạn tham nhũng diễn ra ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, không kể quốc gia giàu hay nghèo, đang ở trình độ phát triển kinh tế như thế nào; tham nhũng diễn ra ở mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, văn hóa, nó tồn tại và phát triển thường xuyên, hằng ngày, hàng giờ, nó lên lỗi vào mọi mặt của đời sống xã hội và đụng chạm đến lợi ích của hầu hết cư dân. Tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, nó gây ra những hậu quả hết sức nguy hại về mặt kinh tế, chính trị,văn hóa, xã hội, nó cản trở sự phát triển đi lên của xã hội, có khi còn dẫn đến sự sụp đổ của cả một thể chế.Cũng như quan liêu, tham nhũng là căn bệnh đồng hành đặc trưng của mọi nhà nước, nó là khuyết tật bẩm sinh của quyền được, nó là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực của nhà nước, là công việc không thể tránh khỏi của các chế độ. Nhà tư tưởng Montesquieue đã chỉ rõ: “mọi người có quyền lực đều có xu hướng lạm dụng quyền lực đó”. Hình thức, tính chất, mức độ và phương thức tham nhũng thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, phụ thuộc vào mối quan hệ giữa sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề tham nhũng, đặc biệt trong mối quan hệ với nền dân chủ.Dưới đây xin nêu ra một số quan niệm về tham nhũng ở một số nước trên thế giới:Ở Đức, theo từ điển bách khoa của Đức thì “tham nhũng là hiện tượng mất phẩm chất, hối lộ, đút lót, thường xảy ra đối với công chức có quyền hành”.Ở Áo, “tham nhũng là hiện tượng lừa đảo, hối lộ, bóc lột”.Ở Thụy Sĩ, theo từ điển bách khoa của Thụy Sĩ thì “tham nhũng là hậu quả nghiêm trọng của sự vô tổ chức của từng lớp có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước. Đó là hành vi phạm pháp để phục vụ lợi ích cá nhân”.Ở Pháp, nói đến tham nhũng, người ta nghĩ ngay đến mối quan hệ giữa hai khái niệm quyền lực và tiền bạc. Hiểu theo nghĩa chung, tham nhũng bao gồm những hành vi lạm dụng quyền hạn để thu vén lợi ích vật chất.Hiện nay, do sự phát triển của kinh tế xã hội trên thế giới, khái niệm tham nhũng còn được biểu hiểu một cách rộng rãi hơn với những cách tiếp cận khác nhau.Từ điển The Oxford Unabriged Dictionary định nghĩa “tham nhũng là sự bóp méo hoặc phá hoại tính riêng chính trong thực hiện công vụ bởi hối lộ hay thiên vị”.Từ điển Webste’s Collegiate Dictionary định nghĩa tham nhũng là “sự khích lệ làm điều sai trái bởi những phương tiện không đúng đắn hoặc bất hợp pháp như hối lộ”. Định nghĩa ngắn gọn của ngân hàng thế giới sử dụng là “sự lạm dụng chức vụ công để tư lợi”. OECD (Cơ quan hợp tác và phát triển kinh tế) cũng định nghĩa tham nhũng là “sự lạm dụng chức vụ, vai trò và nguồn lực công để trục lợi cá nhân”. Những định nghĩa vừa nêu cũng tương tự như những định nghĩa mà tổ chức minh bạch Quốc tế một tổ chức phi chính phủ đi đầu trong nỗ lực chống tham nhũng toàn cầu sử dụng, theo đó “tham nhũng là bao gồm hành vi vi phạm của công chức trong khu vực công, dù là chính trị hay công chức dân sự, trong đó họ làm sao một cách không đúng đắn hoặc bất hợp pháp cho bản thân hay cho người thân của mình bằng cách làm dụng quyền lực công đã giao cho họ”. Những định nghĩa này không bao gồm vấn đề tham nhũng trong khu vực tư hoặc chỉ đề cập đến một vài khía cạnh nhỏ về vai trò của khu vực tư cho việc làm tăng tham nhũng trong chính phủ.”
Dưới đây là trích một số quy định về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định tại Thông tư 45/2020/TT-BCA và Luật Tố cáo 2018.
Điều 3. Những người được bảo vệ, phạm vi, nội dung bảo vệ và căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ
1. Những người được bảo vệ gồm: Người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí (sau đây gọi chung là người được bảo vệ). Người được bảo vệ đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
2. Phạm vi, nội dung bảo vệ người được bảo vệ, gồm: Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu của người được bảo vệ. Tài sản của người được bảo vệ tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
3. Căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ: Khi có căn cứ về việc tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc do việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ
Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan Công an có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ không chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ trong trường hợp người được bảo vệ tự đề nghị chấm dứt, từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Tố cáo.
Điều 50. Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ
1. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.
2. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
b) Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ;
c) Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
3. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Điều 51. Xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo
1. Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
2. Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ.
3. Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.
Điều 52. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ
1. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
2. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Căn cứ ra quyết định;
c) Họ tên, địa chỉ của người được bảo vệ;
d) Nội dung, biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp bảo vệ;
đ) Thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ.
3. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
4. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ.
5. Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật này.
Điều 58. Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm
1. Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn.
2. Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết.
3. Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
4. Yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm.
5. Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Đánh giá bạn đọc
Nội dung cuốn sách được tác giả trình bày với 3 phần từ khía cạnh lí luận với những phân tích, bình giải chuyên sâu về các khái niệm, định nghĩa về tham nhũng cho đến lịch sử hình thành và phát triển pháp luật về phòng chống tham nhũng, đồng thời tác giả cũng trình bày một số quy định cơ bản về phòng chống tham nhũng theo quy định pháp luật hiện hành để bạn đọc thuận tiện tra cứu.
5. Kết luận
Cuốn sách “Một số vấn đề về tham nhũng và những nội dung cơ bản của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018” không chỉ có giá trị về mặt khoa học pháp lý mà còn mang tính thực tiễn cao mà các nhà nghiên cứu, các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng, các cán bộ trong các cơ quan pháp luật và các sinh viên ngành luật có thể tham khảo trong quá trình công tác, học tập của mình.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!