1. Giới thiệu tác giả
Sách “Nhận thức khoa học về phần chung pháp luật hình sự Việt Nam sau pháp điển hóa lần thứ ba” do TSKH.GS. Lê Văn Cảm biên soạn.
TSKH.GS Lê Cảm, nguyên là chuyên viên Vụ nghiên cứu pháp luật của TANDTC ( nay vụ Pháp chế – QLKH), nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có hơn 30 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, là một trong các nhà khoa học – luật gia hàng đầu của Việt Nam đương đại. Ông đã công bố 310 công trình khoa học pháp lý gồm 45 sách, giáo trình và 265 bài báo (trong đó có 17 bài tiếng Nga, 4 bài tiếng Anh). Trong số này có 250 công trình về lĩnh vực tư pháp hình sự, 60 công trình về tổ chức quyền lực nhà nước, Nhà nước pháp quyền và bảo vệ các quyền con người về pháp luật.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Sách Nhận thức khoa học về phần chung pháp luật hình sự Việt Nam sau pháp điển hóa lần thứ ba
Tác giả: TSKH.GS. Lê Văn Cảm biên soạn
Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội
3. Tổng quan nội dung sách
Cuốn sách chuyên khảo “Nhận thức khoa học về phần chung pháp luật hình sự Việt Nam sau pháp điển hóa lần thứ ba” do Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật hình sự và Tội phạm học, giảng viên cao cấp hạng I tại Bộ môn Tư pháp Hình sự của Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH. Lê Văn Cảm biên soạn, trên cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN, mã số QG.17.49) được thực hiện bởi nhóm thành viên Đề tài (gồm 6 người), là công trình nghiên cứu chuyên khảo đồng bộ, có hệ thống và toàn diện đầu tiên dưới khía cạnh lập pháp hình sự của khoa học pháp lý nói chung và khoa học luật hình sự nói riêng ở Việt Nam mà trong đó đề cập riêng đến đề tài được lựa chọn – dưới khía cạnh lập pháp hình sự đưa ra sự phân tích khoa học để làm sáng tỏ về mặt lý luận 03 nhóm vấn đề về Phần chung pháp luật hình sự Việt Nam sau khi đã pháp điển hóa lần thứ ba với việc thông qua Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017)
Cuốn sách chuyên khảo này nhằm nâng cao nhận thức khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiến thức pháp lý, cũng như những tri thức mới về lập pháp hình sự trong khoa học luật hình sự cho các nhà luật học là cán bộ khoa học, các cán bộ giảng dạy, các nghiên cứu sinh, học viên Cao học và sinh viên trong lĩnh vực tư pháp hình sự của các Khoa/ Trường Đại học Luật và các Viện nghiên cứu khoa học về pháp lý, cũng như có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các cán bộ thực tiễn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta, đồng thời cho bất kỳ luật gia nào quan tâm đến những vấn đề lý luận về Phần chung trong khoa học luật hình sự đặc biệt là những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỹ thuật lập pháp, cũng như kỹ năng soạn thảo từng Khoản, Điều, Mục, Chương trong các văn bản lập pháp hình sự (nói riêng).
Nhận thức khoa học về Phần chung pháp luật hình sự Việt Nam sau pháp điển lần thứ ba” dày 422 trang, ngoài các phần Đặt vấn đề, Kết luận vấn đề, Các phụ lục và danh mục tham khảo, có ba chương, tương ứng với ba nhóm vấn đề được nghiên cứu.
Chương I: Nhận thức khoa học về những điểm mới của Phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015
Chương II: Nhận thức khoa học về kỹ thuật lập pháp của Phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015
Chương III: Nhận thức khoa học về định hướng tiếp tục hoàn thiện Phần chung pháp luật hình sự Việt Nam trong tương lai
Chương 1 có tựa đề “Nhận thức khoa học về những điểm mới của Phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam (BLHS) năm 2015”, trong đó giải quyết các nội dung: Hệ thống và cơ cấu của BLHS năm 2015; Chế định lớn về đạo luật hình sự; Chế định lớn về tội phạm; Chế định lớn về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; Chế định lớn về trách nhiệm hình sự; Chế định lớn về các biện pháp cưỡng chế hình sự (gồm hình phạt và biện pháp tư pháp); Chế định lớn về quyết định hình phạt; Chế định lớn về các biện pháp tha miễn; Chế định lớn về trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi phạm tội; Chế định lớn về pháp nhân thương mại phạm tội.
Sau khi phân tích khoa học những điểm mới của các quy phạm trên đây, tác giả kết luận: Ở các mức độ khác nhau, những điểm mới của Phần chung BLHS năm 2015 đều có liên quan đến hệ thống và cấu trúc (cơ cấu) cũng như 9 chế định lớn. Nếu so sánh với hai lần pháp điển hóa trước ( 1985 và 1999) thì BLHS năm 2015 có hai điểm mới về hệ thống… “minh chứng về sự thắng lợi của các quan điểm tiến bộ và nhân đạo trong khoa học luật hình sự và pháp luật hình sự Việt Nam, nhằm bảo vệ một cách vững chắc các quyền hiến định của con người và của công dân”.
Tác giả cũng nhận định, những thay đổi tích cực này đã góp phần minh chứng cho sự thành công không thể phủ nhận của các tư tưởng khoa học luật hình sự tiến bộ và dân chủ, vì sự nghiệp bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự đúng nghĩa của nó, trong một đất nước đã long trọng tuyên bố về mặt hiến định trước toàn thế giới là “Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”.
Chương 2 “Nhận thức khoa học về kỹ thuật lập pháp của Phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015” với 10 nội dung gồm: Lý luận về lập pháp hình sự trong Nhà nước pháp quyền; Hệ thống và cơ cấu BLHS năm 2015; Chế định lớn về đạo luật hình sự; Chế định lớn về tội phạm; Chế định lớn về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; Chế định lớn về trách nhiệm hình sự; Chế định lớn về các biện pháp cưỡng chế hình sự; Chế định lớn về các biện pháp tha miễn; Chế định lớn về trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi phạm tội.
Sau khi phân tích nội hàm các quy phạm, tác giả nhận định có những hạn chế về kỹ thuật lập pháp. Trong đó hai chế định lớn về đạo luật hình sự và trách nhiệm hình sự có nhiều hạn chế hơn cả, đơn cử như “chưa nghĩ ra được nội hàm của rất nhiều vấn đề liên quan đến chế định lớn về trách nhiệm hình sự”, hay “thiếu rất nhiều định nghĩa pháp lý tương ứng với nhiều khái niệm cơ bản có ý nghĩa to lớn và rất quan trọng về mặt nhận thức – khoa học, cũng như thực tiễn”…
Chương 3, có tiêu đề: “Nhận thức khoa học và định hướng tiếp tục hoàn thiện Phần chung pháp luật hình sự Việt Nam trong tương lai” là trọng tâm của cuốn sách, chiếm hơn 230 trang.
Chương này bàn về các nội dung: Khái niệm, phương pháp tiếp cận và nội hàm của định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trong tương lai; Những nguyên tắc của định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trong tương lai; Những cơ sở khoa học – thực tiễn của định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trong tương lai; Sự hình thành và phát triển của mô hình lập pháp theo định hướng tiếp tục hoàn thiện Phần chung pháp luật hình sự Việt Nam trong tương lai; Vấn đề tiếp thu và lĩnh hội của nhà làm luật đối với những kiến giải lập pháp cụ thể về Phần chung pháp luật hình sự Việt Nam; Mô hình lập pháp về Phần chung pháp luật hình sự trong tương lai theo định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam; Những kết luận về sự hợp lý của các quy phạm Phần chung Bộ luật Hình sự trong tương lai.
Tác giả đã xây dựng một Mô hình lập pháp mới về Phần chung BLHS trong tương lai, có so sánh trực tiếp với Phần chung BLHS năm 2015. Trong mô hình này, tác giả tuân thủ nghiêm chỉnh việc ghi nhận tương ứng lần lượt theo thứ tự 9 chế định lớn của luật hình sự, cụ thể là: Đạo luật hình sự (1) – Tội phạm (2) – Những trường hợp loại trừ tính tội phạm của hành vi (3) – Trách nhiệm hình sự (4) – Các biện pháp cưỡng chế hình sự (5) – Quyết định hình phạt ( 6) – Các biện pháp tha miễn ( 7) – Trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội ( 8) – Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội (9).
4. Đánh giá bạn đọc
Nhận thức khoa học về Phần chung pháp luật hình sự Việt Nam sau pháp điển lần thứ ba” của GS Lê Cảm là một cuốn sách góp phần nâng cao nhận thức khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỹ thuật lập pháp, cũng như những tri thức mới về lập pháp hình sự cho các các nhà luật học là các cán bộ khoa học, các cán bộ giảng dạy, các nghiên cứu sinh – học viên cao học trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Tác giả đã phân tích nội hàm từng nội dung với những kiến giải và đề xuất sâu sắc. Đây cũng là cuốn sách tham khảo rất bổ ích, cần thiết cho những người quan tâm đến hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp (Tòa án), những người quan tâm đến pháp luật hình sự, đến các quyền con người, quyền công dân nói chung.
Tác giả cho rằng, trong tất cả các kỹ thuật lập pháp thì kỹ thuật lập pháp hình sự là lĩnh vực hàng đầu, cơ bản và quan trọng hơn cả… vì nó có ý nghĩa quyết định đến sinh mạng – “cái sống – cái chết”, các quyền và tự do của một con người và công dân. Ví dụ, khi một từ ngắn như “bị” hay “có thể bị” tử hình là phải tước đi hoặc có thể không tước đi sinh mạng một con người.
Do đó, Bộ luật hình sự đòi hỏi một kỹ thuật lập pháp khoa học và chặt chẽ. Đơn cử khái niệm Tội phạm mà tác giả đưa ra trong BLHS trong tương lai: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật này do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện (bằng hành động hoặc không hành động) một cách có lỗi ( cố ý hoặc vô ý), xâm phạm đến những cơ sở của Hiến pháp Việt Nam, nhân thân, các quyền và tự do của con người và của công dân, các lợi ích hợp pháp của pháp nhân, cũng như hòa bình và an ninh của nhân loại mà theo quy định của Bộ luật này phải xử lý bằng hình sự.
5. Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách ““Nhận thức khoa học về phần chung pháp luật hình sự Việt Nam sau pháp điển hóa lần thứ ba“.