1. Giới thiệu tác giả

Sách phương pháp định tội danh với 538 tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 do ThS. Đoàn Tấn Minh và Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp biên soạn.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách phương pháp định tội danh với 538 tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Phương pháp định tội danh với 538 tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Tác giả: ThS. Đoàn Tấn Minh và Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp

Nhà xuất bản Lao động

3. Tổng quan nội dung sách

Trong tố tụng hình sự thì hoạt động định tội danh có vai trò rất quan trọng, nó là trọng tâm mà các hoạt động tố tụng khác hướng tới, bởi lẽ tất cả các hoạt động tố tung hình sự ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử xét cho cùng đều phải đi đến kết luận về một tội phạm nào đó đã xảy ra và ai là người đã thực hiện tội phạm hay không thực hiện tội phạm đó.

Vấn đề định tội danh tuy không được quy định cụ thể thành một quy trình trong Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng về pháp lý thì tất cả các hoạt động tố tụng hình sự thực chất là để chứng minh tội phạm, người phạm tội và xử lý người phạm tội theo những tội danh được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Việc nâng cao hiệu quả của hoạt động định tội danh trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự nói chung và những người tiến hành tố tụng hình sự nói riêng trong điều kiện hai bộ luật mới là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2018 là có ý nghĩa thiết thực, nhằm góp phần tăng cường pháp chế, bảo đảm xử lý đúng người đúng tội, không làm oan người vô tội, không để lọt người, lọt tội và xử lý triệt để, nghiêm minh đối với mọi hành vi phạm tội.

Với tinh thần đó, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng pháp luật hình sự của bạn đọc nói chung và của những người làm công tác pháp luật nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động định tội danh trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Thạc sỹ luật Đoàn Tấn Minh và Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp là những chuyên gia nghiên cứu pháp luật hình sự đã biên soạn cuốn sách: “Phương pháp định tội danh với 538 tội danh trong Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017”.

Nội dung cuốn sách bao gồm những phần chính sau:

Phần I. Phương pháp định tội danh trong tố tụng hình sự

Mục 1. Khái quát chung về định tội danh

  1. Khái niệm
  2. Đặc điểm của hoạt động định tội danh
  3. Phạm vi định tội danh
  4. Thẩm quyền định tội danh
  5. Phân biệt những hoạt động tương tự hoặc có liên quan đến hoạt động định tội danh

Mục 2. Cơ sở pháp lý và căn cứ pháp lý của định tội danh

  1. Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của định tội danh
  2. Việc mô tả cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự

Mục 3. Căn cứ pháp lý để định tội danh

  1. Bộ luật hình sự
  2. Các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự

Mục 4. Các giai đoạn và các bước định tội danh

  1. Các giai đoạn định tội danh trong tố tụng hình sự
  2. Các bước định tội danh

Mục 5. Các nguyên tắc định tội danh

  1. Khái niệm
  2. Các nguyên tắc cụ thể

Mục 6. Một số trường hợp cần chú ý trong định tội danh

  1. Định tội danh trong trường hợp một điều luật quy định nhiều tội phạm (tội danh)
  2. Định tội danh trong trường hợp có các dấu hiệu thực tế của cấu thành tội phạm dễ gây nhầm lẫn
  3. Định tội danh trong trường hợp vụ án có nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không phải là đồng phạm
  4. Định tội danh trong trường hợp có sự chuyển hóa tội phạm
  5. Định tội danh trong trường hợp người phạm tội thực hiện chuỗi hành vi
  6. Định tội danh trong trường hợp có đồng phạm nhưng không xác định được ai là người trực tiếp gây ra thiệt hại cho nạn nhân
  7. Vấn đề sử dụng các khái niệm, thuật ngữ pháp lý khi định tội danh

Phần II. Hướng dẫn định tội danh với 538 tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017

Dưới đây là nội dung trích dẫn trong cuốn sách để bạn đọc tham khảo:

1. Khái niệm

Trong tố tụng hình sự để xác định một tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và những người tiến hành tố tụng hình sự phải tiến hành nhiều hoạt động tố tụng theo trình tự, thủ tục được pháp luật tố tụng hình sự quy định. Trong các hoạt động của tố tụng hình sự thì hoạt động định tội danh có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây chính là trọng tâm của các hoạt động tố tụng hình sự và các hoạt động tố tụng hình sự bao giờ cũng xoay quanh và hướng tới việc bổ trợ cho hoạt động định tội danh.

Xét cho cùng, thì mọi hoạt động tố tụng hình sự bao giờ cũng phải đi đến kết luận là tội phạm gì đã xảy ra và ai là người đã thực hiện tội phạm đó, người phạm tội theo tội danh nào. Kho vậy thực chất các hoạt động này chính là hoạt động định tội danh.

Thực tế cho thấy, khi có một sự kiện pháp lí có dấu hiệu của tội phạm xảy ra (ví dụ: phát hiện một xác chết bị trật làm nhiều khúc) hoặc khi phát hiện một người thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ bắt quả tang người thực hiện hành vi cướp tài sản), cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền sẽ tiến hành hoạt động định tội danh cùng với việc kết hợp với các hoạt động tố tụng khác nhằm xác định sự kiện pháp lí đó có dấu hiệu của tội phạm hay không? Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì đó là tội gì? Ai là người phạm tội? Người thực hiện hành vi phạm tội bị phát hiện đã phạm vào tội gì? …đó chính là việc xác định tội danh.

Xét trên phương diện áp dụng pháp luật, thì hoạt động định tội danh chính là hoạt động áp dụng pháp luật, bao gồm cả pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự, bởi lẽ chỉ có căn cứ vào pháp luật hình sự và áp dụng pháp luật hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hình sự mới có thể ra kết luận hoặc quyết định về một tội phạm nào đó và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội về tội phạm mà họ đã thực hiện.

Như vậy có thể hiểu, thực chất của hoạt động định tội danh cũng chính là hoạt động áp dụng pháp luật. Đặc điểm áp dụng pháp luật ở đây là việc tiến hành đối chiếu giữa các dấu hiệu của tội phạm xảy ra trên thực tế (dấu hiệu thực tế) với các quy định của bộ luật hình sự mô tả về các dấu hiệu của tội phạm (dấu hiệu pháp lý) xem có sự phù hợp hay không tức xác định tội phạm gì và trên cơ sở đó đi đến kết luận hoặc quyết định bằng hình thức ban hành văn bản áp dụng pháp luật nhằm buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm tức quyết định về tội phạm và người phạm tội.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động định tội danh không chỉ đơn thuần là xác định về một tội phạm nào đó đã xảy ra, cũng như xác định người đã phạm tội và buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự, mà cũng có thể là xác định ngược lại là không có tội phạm xảy ra hoặc không xác định được người đã thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, về bản chất thì cả hai vấn đề cần xác định đều là hoạt động định tội danh.

Ngoài ra, trong thực tiễn cũng cho thấy một số hoạt động khác tuy cũng có những điểm giống với hoạt động định tội danh, nhưng nếu xét về mặt pháp lý thì đó không phải là hoạt động định tội danh vì nó không phải là hoạt động áp dụng pháp luật, như hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực hình sự, hoạt động thực tập của sinh viên ngành luật, hoạt động của bào chữa viên, của Luật sư của LVN Group khi tham gia tố tụng hình sự, các bài viết trên báo chí về các vụ án hình sự … và không thể cho những hoạt động đó là hoạt động định tội danh, mặc dù các hoạt động đó có đề cập hoặc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động định tội danh.

Các hoạt động nói trên về hình thức thì giống với hoạt động định tội danh nhưng chỉ thuần túy là những hoạt động nghiên cứu, trao đổi thông tin, nêu quan điểm, tranh luận về lĩnh vực tội phạm, về vấn đề định tội danh với những mục đích khác nhau chứ cũng không nhằm hoặc không có thẩm quyền về mặt tổ chức để kết luận (tức quyết định) về tội danh và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo trình tự thủ tục luật định và cũng không phải do người tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền thực hiện.

Cuối cùng, mục đích của hoạt động định tội danh trong tố tụng hình sự là nhằm giải quyết vụ án hình sự một cách đúng đắn, đó là xử lý đúng người, đúng tội và buộc người phạm tội phải chịu một hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

2. Định nghĩa

Từ những phân tích trên có thể định nghĩa như sau: tính tội danh là thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu thực tế của cấu thành tội phạm với các dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm được mô tả quy định trong bộ luật hình sự để xác định tội phạm đã xảy ra và người phạm tội, cũng như xác định không có tội phạm xảy ra hoặc không có người phạm tội hoặc người bị tình nghi không phải là người thực hiện tội phạm tức họ không phạm tội bằng việc ra kết luận hoặc quyết định bằng văn văn bản áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền trong tố tụng hình sự.

Trích dẫn nội dung định tội danh trong cuốn sách để bạn đọc tham khảo:

Điều 335. Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Các dấu hiệu định tội

1. Khái niệm

Cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, được hiểu là hành vi làm cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự không thể thực hiện được hoặc gây ra sự khó khăn chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân.

2. Các yếu tố cấu thành tội cản trở việc thực hiện Nghĩa vụ quân sự

2.1. Mặt khách quan:

Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua hành vi làm cho việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện không thể thực hiện được hoặc thực hiện hết sức khó khăn ảnh hưởng đến kết quả của việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Việc cản trở có thể là ngăn cản gây khó khăn cho người đến tuổi đi đăng ký nghĩa vụ quân sự, không cho người trúng tuyển tập trung theo lệnh gọi nhập ngũ … nhưng cũng có thể là làm cho cơ quan có trách nhiệm không thực hiện được kế hoạch đăng ký, không triển khai được việc gọi nhập ngũ.

2.2. Khách thể:

Hành vi nêu trên xâm hại đến chế độ nghĩa vụ quân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.3. Mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

4. Đánh giá bạn đọc

Trước khi đi vào hướng dẫn định tội danh các tội danh cụ thể trong Bộ luật hình sự, các tác giả cũng đã dành một phần để trình bày các vấn đề lý luận trong việc định tội danh để bạn đọc hiểu được cơ sở của vấn đề.

Nội dung cuốn sách được diễn đạt một cách logic, dễ hiểu, kết hợp với việc giải thích bằng các thuật ngữ và kết hợp với các quy định mới của pháp luật hình sự và pháp luật liên quan, nhằm giúp người đọc có thể dễ dàng tiếp cận vấn đề khi nghiên cứu hoặc khi tiến hành định tội danh trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.

5. Kết luận

Đây là một tài liệu hữu ích đối với tất cả các cơ quan ban ngành liên quan và tất cả bạn đọc.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!