1. Giới thiệu về tác giả
Cuốn sách “Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự” do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí làm chủ biên.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
3. Tổng quan nội dung sách
Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là xu hướng của thời đại, luật hình sự nhiều quốc gia trên thế giới quy định pháp nhân là chủ thể tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự với các hình phạt tương ứng, phù hợp với đặc điểm của pháp nhân trong quá trình thực hiện tội phạm.
Lần đầu tiên ở Việt Nam trách nhiệm hình sự và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; qua đó đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn đối với hoạt động tố tụng tiến hành giải quyết vụ án mà pháp nhân thương mại bị buộc tội.
Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đặt ra yêu cầu phải có quy định về thủ tục tố tụng đối với pháp nhân thương mại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung chương mới (Chương XXIX từ Điều 431 đến Điều 446) quy định về thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại. Nhằm mục đích phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và công tác thực tiễn của bạn đọc về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Chí đã chủ biên cuốn sách: “Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Cuốn sách này phân tích các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội như khái niệm, phạm vi áp dụng, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử, áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng giới thiệu các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân một số nước trên thế giới và cách thức triển khai áp dụng quy định. Trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị để xử lý các vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm xử lý đúng đắn vụ án, cũng như góp phần đấu tranh hiệu quả phòng, chống tội phạm.
Cuốn sách được biên soạn gồm các bài viết như sau:
1. Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và những vấn đề đặt ra (PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí)
2. Mối liên hệ giữa quy định pháp nhân phạm tội với quy định thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân và một số kiến nghị (PGS.TS. Trinh Tiến Việt)
3. Cơ sở, sự cần thiết, ý nghĩa quy định thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và những vấn đề đặt a khi triển khai thi hành (TS. Hoàng Anh Tuyên)
4. Nghiên cứu những quy định về thủ tục tố tụng hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và một số kiến nghị hoàn thiện (PGS.TS. Trinh Quốc Toản)
5. Điều tra đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và những vấn đề đặt ra khi triển khai áp dụng (PGS.TS. Đỗ Thị Phượng)
6. Xét xử sơ thẩm đối với bị cáo là pháp nhân (TS. Mai Thanh Hiếu)
7. Nghiên cứu quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục tố tụng đối với pháp nhân thương mại tại giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự (Phí Thành Chung)
8. Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luạt tố tụng hình sự năm 2015 và những vấn đề đặt ra khi triển khai áp dụng (TS. Nguyễn Hải Ninh)
9. Đặc điểm của các vụ án mà doanh nghiệp phạm tội và các cách tiếp cận của common law và civil law về thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp (TS. Lê Lan Chi)
10. Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thủ tục truy cứu tại Hoa Kỳ (TS. Nguyễn Khắc Hải)
11. Người đại diện trong thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân: kinh nghiệm của Pháp và gợi ý cho Việt Nam (TS. Nguyễn Văn Quân)
12. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân từ góc nhìn lý luận và thực tiễn trong pháp luật Nhật Bản (Nguyễn Thị Phương Châm)
13. Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại ở Ôxtraylia (TS. Bùi Tiến Đạt)
14. Trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp tại Canada (Sesbastien Lafrance)
Luật LVN Group trích dẫn một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại để bạn đọc tham khảo:
Điều 435. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền:
a) Được thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm;
b) Được biết lý do pháp nhân mà mình đại diện bị khởi tố;
c) Được thông báo, được giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
d) Được nhận quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử; bản án, quyết định của Tòa án và quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
đ) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại pháp nhân mà mình đại diện hoặc buộc phải thừa nhận pháp nhân mà mình đại diện có tội;
e) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
g) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật theo quy định của Bộ luật này;
h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa cho pháp nhân;
i) Được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho pháp nhân kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;
k) Tham gia phiên tòa, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
l) Phát biểu ý kiến sau cùng trước khi nghị án;
m) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
n) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
o) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 436. Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân
1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử:
a) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
b) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
c) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
d) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.
2. Thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều này không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.
4. Đánh giá bạn đọc
Các bài viết tập hợp trong cuốn sách đã giải mã được một số nội dung trọng yếu của thủ tục tố tụng đối với pháp nhân thương mại bị buộc tội trong quá trình giải quyết vụ án, có thể kể đến một vài điểm như sau:
Thứ nhất, về cơ sở của việc quy định thủ tục tố tụng hình sự đối với pháp nhân, các nghiên cứu đã chỉ ra định hướng cải cách tư pháp; yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, pháp nhân; yêu cầu của hội nhập quốc tế và thực tiễn đấu tranh xử lý tội phạm của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng… Những cơ sở này là nền tảng hình thành quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân và thủ tục tố tụng giải quyết vụ án đối với pháp nhân trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Thứ hai, nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự là phương châm định hướng cho quá trình giải quyết vụ án hình sự được quy định tại Chương II của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không chỉ được quán triệt cho ác hoạt động của các chủ thể tố tụng hình sự, của cá nhân mà còn đối với cả pháp nhân thương mại tham gia vụ án hình sự. Các nghiên cứu đã chỉ ra nhóm nguyên tác trực tiếp quy định áp dụng đối với pháp nhân, như nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật…. đồng thời cũng khẳng định tất cả các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đều được áp dụng đối với pháp nhân thương mại trong quá trình giải quyết vụ án dựa trên đặc điểm và trong giới hạn quy định của pháp luật.
Thứ ba, các nghiên cứu bước đầu đã làm rõ, chỉ ra các đặc điểm, phạm vi của quy định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội để khắc phục vướng mắc trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của họ và phù hợp với thực tiễn tố tụng xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Thứ tư, các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được các tác giả đề cập, phân tích đặc điểm của các biện pháp này so với các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với cá nhân. Thông qua đó, làm rõ tính chất của biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân trong quá trình giải quyết vụ án.
Cuốn sách “Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự” không chỉ có giá trị tham khảo về mặt khoa học pháp lý mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích về mặt thực tiễn đối với bạn đọc, nhất là đối với bạn đọc là những người tiến hành tố tụng, người làm công tác tư vấn pháp lý và học viên, sinh viên chuyên ngành luật.
5. Kết luận
Với những bài viết của các tác giả, cuốn sách đã cung cấp tới bạn đọc khá toàn diện các khía cạnh pháp lý về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời các tác giả còn gợi mở vấn đề để bạn đọc suy ngẫm về những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành để góp phần nâng cao hiệu quả thi hành trên thực tiễn.
Cuốn sách “Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự” là tài liệu tham khảo hữu ích đối với bạn đọc.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự“.