1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách “Thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” do TS. Trần Thị Liên biên soạn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Sách Thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Tác giả: TS. Trần Thị Liên
Nhà xuất bản Tư Pháp
3. Tổng quan nội dung sách
Mở đầu cuốn sách, “Một số vấn đề lý luận về quyền công tố và thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” giúp bạn đọc nắm rõ khái niệm, đặc điểm, nội dung, mối quan hệ giữa thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Tiếp theo, tác giả khái lược lịch sử phát triển quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Thông qua nghiên cứu đánh giá toàn diện thực trạng quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tác giả trình bày kết quả đạt được, hạn chế vướng mắc và làm sáng tỏ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật về vấn đề này.
Việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là yêu cầu của cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự nói chung và pháp luật về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nói riêng. Xuất phát từ những yêu cầu trên, tác giả gợi mở một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành pháp luật về quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn này. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật được thực hiện trên cơ sở đánh giá toàn diện những bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự từ nguyên tắc chung đến quy định cụ thể. Vì vậy, các giải pháp này có tính hệ thống đảm bảo sự phù hợp về nguyên tắc, chức năng tố tụng với các quy định về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Bên cạnh đó, tác giả đưa ra giải pháp khác như: đảm bảo số lượng, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực quản lý chỉ đạo, phân công, phân nhiệm của Viện Kiểm sát các cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ chính sách đối với cán bộ Kiểm sát viên.
Cuốn sách được biên soạn với cấu trúc chương mục như sau:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận về thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
1. Khái niệm, đặc điểm thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
2. Nội dung của thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
3. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Chương 2. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và thực tiễn thi hành
1. Khái lược lịch sử phát triển quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
2. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
3. Thực tiễn thi hành quy định pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Chương 3. Yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
1. Yêu cầu nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
2. Các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
4. Đánh giá bạn đọc
Cuốn sách “Thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” của TS. Trần Thị Liên phân tích toàn diện và có hệ thống vấn đề thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trên cơ sở nghiên cứu lý luận và đánh giá thực tiễn thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, tiếp cận dưới góc độ cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, sinh viên và bạn đọc quan tâm đến vấn đề thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
5. Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự”.
Luật LVN Group chia sẻ dưới đây điểm hạn chế trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm sát viên trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự để bạn đọc tham khảo:
Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án trong giai đoạn xét xử chưa đúng với bản chất của xét xử, biến Tòa án thành chủ thể không chỉ thực hiện chức năng xét xử mà còn tham gia vào việc thực hiện chức năng buộc tội của Viện kiểm sát. Cụ thể:– BLTTHS năm 2015 quy định tất cả các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều có trách nhiệm khởi tố vụ án, trong đó bao gồm cả Tòa án là không phù hợp với địa vị pháp lý và chức năng trong tố tụng của Tòa án, chồng chéo với chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát. Khi được giao chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát có những quyền năng pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội và đây là chức năng đặc thù, không phải chủ thể nào cũng có. Trong khi đó, chức năng đặc thù của Tòa án là xét xử, là chủ thể ra phán quyết về việc có tội hay không có tội dựa trên quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát và quá trình xác định sự thật vụ án tại phiên tòa. Việc quy định cho Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự làm cho Tòa án cùng một lúc đóng hai vai, vừa đóng vai trò của cơ quan công tố, vừa là chủ thể xét xử. Hơn nữa, quyết định khởi tố vụ án là quyết định không liên quan đến nội dung vụ án đang xét xử, bởi quyết định này không phải là một nội dung của bản án mà Hội đồng xét xử có thể ra tại phiên tòa. Vì vậy, nếu Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án cũng có nghĩa là Tòa án đang “lấn sân” sang chức năng công tố của Viện kiểm sát và ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập trong xét xử của Tòa án.– Quy định về giới hạn xét xử tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 cho phép Tòa án xét xử theo tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố một mặt thể hiện tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án nhưng mặt khác lại ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Về nguyên tắc, Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử, nhưng Tòa án cũng có thể xét xử theo tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, hoặc xét xử theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật. Quy định về giới hạn xét xử này đã được ghi nhận ngay từ BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 tiếp tục kế thừa.Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm quy định về việc: Nếu có căn cứ để xét xử bị cáo theo tội khác nặng hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố thì Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát truy tố lại, nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Như vậy, nếu Tòa án xét xử theo tội danh khác nặng hơn, trong khi Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố thì liệu rằng việc xét xử của Tòa án có đang vượt qua giới hạn truy tố của Viện kiểm sát hay không?Mặt khác, mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định cho phép Tòa án được xét xử theo tội nặng hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, nhưng Viện kiểm sát với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc buộc tội lại không được kết luận theo khoản khác nặng hơn khoản đã truy tố, không được kết luận theo tội khác nặng hơn tội đã truy tố, dù kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa có thể làm thay đổi nhận thức về hành vi phạm tội so với thời điểm truy tố. Điều này rõ ràng đã làm mất đi tính khách quan trong hoạt động chứng minh của Viện kiểm sát, khiến thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát bị phụ thuộc vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra cũng như hoạt động xét xử của Tòa án.– Điều 325 BLTTHS năm 2015 quy định khi Kiểm sát viên quyết định rút toàn bộ quyết định truy tố Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án. Quy định này thể hiện sự mâu thuẫn giữa chức năng xét xử của Tòa án và chức năng công tố của Viện kiểm sát. “Khi Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát rút quyết định truy tố nghĩa là căn cứ của việc xét xử không có thì không còn lý do gì để Tòa án xét xử vụ án nữa, nếu Tòa án vẫn tiếp tục xét xử khi Kiểm sát viên đã rút quyết định truy tố thì vô hình chung Tòa án đã thực hiện cả hai chức năng truy tố và xét xử”. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện một trong những nguyên tắc lớn nhất của tố tụng hình sự là nguyên tắc không làm oan người vô tội, bảo đảm phân định rõ các chức năng tố tụng thì cần phải thừa nhận thẩm quyền của Kiểm sát viên trong việc rút quyết định truy tố tại phiên tòa nhưng nếu Kiểm sát viên đã rút quyết định truy tố thì Tòa án không còn cơ sở để tiếp tục xét xử nữa.….