>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191
Luật sư tư vấn:
Bia, rượu, nước giải khát tại Việt Nam là một trong số các mặt hàng cần thiết và đang bán chạy trên thị trường. Hàng loạt các công ty được thành lập, hình thành nên nhiều cơ sở sản xuất phát triển mạnh về số lượng, quy mô và chất lượng tạo ra việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Với đội ngũ Luật sư nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực doanh nghiệp, công ty Luật LVN Group sẽ trả lời một số câu hỏi như sau:
1. Chủ thể thành lập công ty sản xuất đồ uống
Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ những trường hợp sau đây:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước , trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân.
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
2. Mã ngành nghề trong lĩnh vực sản xuất đồ uống
-1101 là mã về chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh.
– 1102 là mã về sản xuất rượu vang.
– 1103 là mã về sản xuất bia và mạch nha ủ men bia.
– 1104 là mã về sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng.
– 11041 là mã về Sản xuất nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, nhóm này gồm: Sản xuất nước khoáng thiên nhiên và nước đóng chai khác.
– 11042 là mã về sản xuất đồ uống không cồn, nhóm này gồm: sản xuất đồ uống không cồn trừ bia và rượu không cồn và sản xuất nước có mùi vị hoặc nước ngọt không cồn, có ga hoặc không có ga: nước chanh, nước cam, côla, nước hoa quả, nước bổ dưỡng…
3. Hồ sơ thành lập công ty sản xuất đồ uống
3.1 Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty theo Luật doanh nghiệp năm 2020.
– Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn.
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật.
+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
3.2 Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty theo Luật doanh nghiệp 2020.
– Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần ; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật.
+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
3.3 Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty theo Luật doanh nghiệp 2020.
– Danh sách thành viên công ty hợp danh.
– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
4. Đặt tên cho công ty sản xuất đồ uống
Căn cứ vào Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:
Điều 37. Tên doanh nghiệp
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
5. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 38, 39 và 41 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
Những điều cấm trong đặt tên công ty sản xuất đồ uống
– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước.
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
5. Quy định về dấu của công ty sản xuất đồ uống
Căn cứ vào Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:
Điêu 43. Dấu của doanh nghiệp
1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
6. Người đại diện theo pháp luật của công ty sản xuất đồ uống
Người đại diện theo pháp luật là cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, đại diện với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật có những quyền và nghĩa vụ như sau
– Thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách minh bạch, trung thực, rõ ràng nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp
– Khi trở thành người đại diện theo pháp luật phải trung thành, giữ bí mật, không lạm dụng chức vụ hoặc lạm dụng tài sản của doanh nghiệp ( sử dụng phục cho lợi ích của cá nhân)
– Người đại diện theo pháp luật đảm bảo thực hiện đúng theo quy định phải luật không buôn bán hàng lậu, trốn thuế, kinh doanh trái phép…
– Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu gặp những sự cố phải báo cáo kịp thời, xử lý đầy đủ thông tin chính xác.
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại, những hành vi vi phạm trước pháp luật.
Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.