Với sự sôi động của thị trường bất động sản và nền kinh tế như hiện nay, đất lâm nghiệp cũng không thể thiếu trong quá trình giao dịch dân sự. Trong bài viết dưới đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc các quy định pháp luật về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp
1. Đất lâm nghiệp là gì?
Theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất lâm nghiệp là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Theo đó, đất lâm nghiệp bao gồm: Đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
2. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp là gì?
Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp là việc bên sở hữu quyền sử dụng đất chuyển giao quyền này cho bên nhận chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng sẽ trả một khoản tiền tương ứng với quyền sử dụng đất trên theo thỏa thuận của các bên.
3. Điều kiện thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp
-Thửa đất lâm nghiệp phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hợp pháp theo xác nhận của đơn vị nhà nước có thẩm quyền.
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
– Đất đang trong thời hạn sử dụng.
– Tuân thủ theo quy định về hạn mức giao đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp với mức tối đa là 300ha đất lâm nghiệp.
4. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp
Bước 1. Hai bên thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp do các bên tự thỏa thuận nhưng cần có một số điều khoản cơ bản như sau: Thông tin của các bên, quyền và nghĩa vụ của các bên, thông tin của thửa đất, giá chuyển nhượng, phương thức, thời hạn thanh toán,…
Hợp đồng phải được công chứng, chứng thực tại Phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ khoản 3 điều 167 Luật Đất đai 2013.
Bước 2. Thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký đất đai.
Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác liền với đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai
Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
-Trích lục bản đồ địa chính hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính do người sử dụng đất nộp;
– Kiểm tra hồ sơ đăng ký;
– Xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết;
– Cập nhập thông tin thửa đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
– Gửi số liệu đến đơn vị thuế để xác định nghĩa vụ tài chính;
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người sử dụng đất đến nơi tiếp nhận hồ sơ để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
5. Nghĩa vụ tài chính khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp
-Thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp
Khoản 12 điều 2 nghị định 12/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tất cả đều được xác định bằng 2% giá trị chuyển nhượng.
– Lệ phí trước bạ
Theo quy định tại Nghị định 140/2016/NĐ-CP, mức thu lệ phí trước bạ đối với nhà đất là 0,5% giá trị quyền sử dụng đất.
– Phí thẩm định sổ/ hồ sơ
Thông thường phí này khoảng bằng: 0,15% nhân diện tích đất nhân giá đất theo mục đích sử dụng quy định trong Bảng giá đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Mặt khác, bạn còn phải đóng các khoản phí khác như: phí cấp sổ, phí đo đạc địa chính,…
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp về khái niệm, điều kiện thực hiện, hồ sơ và trình tự thực hiện thủ tục trên. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý và thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, chúng tôi tự tin có thể cung cấp cho khách hàng một dịch vụ tư vấn pháp lý tốt nhất.