1. Hướng dẫn thủ tục đăng ký chữ ký số cho doanh nghiệp ?
Chữ ký số là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản: word, excel, pdf…; hình ảnh; video…) nhằm mục đích xác định chủ của dữ liệu đó. Hiện nay chữ ký số được coi như con dấu điện tử của doanh nghiệp. Vì vậy, chữ ký số không những chỉ dùng trong việc kê khai thuế, mà người sử dụng còn có thể sử dụng trong tất cả các giao dịch điện tử với mọi tổ chức và cá nhân khác.
Việc giải quyết thủ tục kê khai thuế cho cá nhân, doanh nghiệp vào mỗi cuối tháng thường gây quá tải cho cơ quan thuế, gây phiền hà cho người nộp thuế. Vì vậy, để thực hiện các giao dịch điện tử như nộp hồ sơ thuế, sử dụng hóa đơn điện tử một cách đơn giản và thuận tiện hơn các doanh nghiệp đều muốn có một chữ ký số (chữ ký điện tử).
Hồ sơ đăng ký chữ ký số bao gồm:
– Bản sao có công chứng giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc Bản sao có công chứng giấy phép hoạt động;
– Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp;
– Bản sao có công chứng chứng minh thư nhân dân của người đại diện pháp lý (hoặc hộ chiếu).
Sau khi đã chuẩn bị đủ các giấy tờ trên thì bạn nộp tại cơ quan được cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số như Viettel, VNPT,… Mức lệ phí cũng sẽ tùy thuộc vào từng cơ quan đưa ra cũng như tùy vào từng gói dịch vụ do doanh nghiệp của bạn lựa chọn.
2. Điều kiện xin giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số ?
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động công cộng.
Hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp là một trong những điều kiện bắt buộc mà tổ chức kinh tế cần phải đáp ứng được.
Về mặt chủ thể: Là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Về điều kiện tài chính:
– Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam không dưới 05 (năm) tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ do lỗi của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy phép.
– Nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số đầy đủ (trong trường hợp cấp lại giấy phép).
Điều kiện về nhân sự:
– Doanh nghiệp phải có nhân sự chịu trách nhiệm: Quản trị hệ thống, vận hành hệ thống và cấp chứng thư số, bảo đảm an toàn thông tin của hệ thống.
– Nhân sự quy định tại điểm a khoản này phải có bằng đại học trở lên, chuyên ngành an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông.
Điều kiện về kỹ thuật:
+ Thiết lập hệ thống thiết bị kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lưu trữ đầy đủ, chính xác và cập nhật thông tin của thuê bao phục vụ việc cấp chứng thư số trong suốt thời gian chứng thư số có hiệu lực;
– Lưu trữ đầy đủ, chính xác, cập nhật danh sách các chứng thư số có hiệu lực, đang tạm dừng và đã hết hiệu lực và cho phép và hướng dẫn người sử dụng Internet truy nhập trực tuyến 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần;
– Đảm bảo tạo cặp khóa chỉ cho phép mỗi cặp khóa được tạo ra ngẫu nhiên và đúng một lần duy nhất; có tính năng đảm bảo khóa bí mật không bị phát hiện khi có khóa công khai tương ứng;
– Có tính năng cảnh báo, ngăn chặn và phát hiện truy nhập bất hợp pháp trên môi trường mạng;
– Được thiết kế theo xu hướng giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc trực tiếp với môi trường Internet;
– Hệ thống phân phối khóa cho thuê bao phải đảm bảo sự toàn vẹn và bảo mật của cặp khóa. Trong trường hợp phân phối khóa thông qua môi trường mạng máy tính thì hệ thống phân phối khóa phải sử dụng các giao thức bảo mật đảm bảo không lộ thông tin trên đường truyền.
+ Có phương án kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin và các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đang có hiệu lực;
+ Có các phương án kiểm soát sự ra vào trụ sở, quyền truy nhập hệ thống, quyền ra vào nơi đặt thiết bị phục vụ việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số;
+ Có các phương án dự phòng đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra;
+ Có phương án cung cấp trực tuyến thông tin thuê bao cho Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia, phục vụ công tác quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số;
+ Toàn bộ hệ thống thiết bị sử dụng để cung cấp dịch vụ đặt tại Việt Nam;
+ Có trụ sở, nơi đặt máy móc, thiết bị phù hợp với yêu cầu của pháp luật về phòng, chống cháy, nổ; có khả năng chống chịu lũ, lụt, động đất, nhiễu điện từ, sự xâm nhập bất hợp pháp của con người;
+ Có quy chế chứng thực theo mẫu quy định tại quy chế chứng thực của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng đến cơ quan có thẩm quyền là Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời hạn thẩm tra hồ sơ và cấp phép là 50 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Quy cách của hợp đồng cung cấp dịch vụ đường tuyền và dịch vụ chứng thực chữ ký số ?
Tôi muốn hỏi về quy cách hợp đồng cung cấp cả dịch vụ đường truyền và dịch vụ chứng thực chữ ký số?
Xin chân thành cảm ơn, Luật sư!
Trả lời:
Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về dịch vụ đường truyền hay về dịch vụ chứng thực chữ ký số. Mặc dù có quy định điều chỉnh về dịch vụ đường truyền và dịch vụ chứng thực chữ ký số nhưng hợp đồng cung cấp những dịch vụ này lại không được điều chỉnh bởi những văn bản này mà hợp đồng cũng cấp dịch vụ sẽ được pháp luật thương mại và pháp luật dân sự điều chỉnh.Cụ thể, theo điều 74 của Luật thương mại có quy định hình thức của hợp đồng dịch vụ là:
Điều 74. Hình thức hợp đồng dịch vụ
1. Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
Mặc dù pháp luật quy định hình thức của hợp đồng cung ứng dịch vụ bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể, tuy nhiên để đảm bảo sự thỏa thuận của hai bên giao kết được rõ ràng cũng như giải quyết tranh chấp nếu có tranh chấp phát sinh thì tốt nhất nên giao kết hợp đồng cung ứng dịch vụ bằng văn bản. Trong đó, nội dung của hợp đồng cần phải đảm bảo có những điều khoản được quy định tại điều 398 củaBộ luật dân sự 2015
Điều 398. Nội dung của hợp đồng
1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng của hợp đồng;
b) Số lượng, chất lượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
g) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh những điều khoản được quy định như trên thì các bên có thể thỏa thuận thêm những điều khoản như sự kiện bất khả kháng, phương thức giải quyết tranh chấp…Pháp luật không giới hạn sự thỏa thuận của các bên miễn sao có đủ các nội dung được quy định ở trên, để các bên trong hợp đồng thực hiện hợp đồng và cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp nếu có. Vậy, quy cách hợp đồng dịch vụ cung cấp dịch vụ đường truyền và dịch vụ chứng thực chữ ký số cần phải có điều khoản về đối tượng của hợp đồng ( công việc phải làm), chất lượng, số lượng, giá , phương thức thanh toán giá, thời hạn, địa điểm phương thức thực hiện hợp đồng, quyền, nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng.
4. Cấp phép cho một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện ?
Trả lời:
Theo quy định: Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác vàkhông cung cấp thông tin tổng hợp. Trang thông tin điện tử cá nhân không cần đăng ký xin cấp phép.
Tuy nhiên, theo thông tin mà bạn cung cấp, bạn muốn lập trang web chia sẻ các thông tin vi deo, hình ảnh, trailer về phim từ các bài tự viết và tin từ các trang web khác (có ghi rõ nguồn). Đây là trang web thông tin tổng hợp, bởi vậy bạn phải thực hiện thủ tục xin cấp phép hoạt động
5. Thủ tục đầu tư ra nước ngoài
Thưa Luật sư của LVN Group, Tôi đang có nhu cầu đầu tư cá nhân ra nước ngoài (Nhật Bản) với vốn đầu tư dưới 5 tỷ trong lĩnh vực mở trường học. Tôi muốn biết phí dịch vụ như nào? Thời gian để ra được giấy phép mất bao lâu? Tôi rất mong nhận được thông tin phản hồi sớm. Trân trọng cảm ơn!
Cơ sở pháp lý: Luật đầu tư 2020
5.1. Nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài
– Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
– Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
5.2. Điều kiện đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:
– Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
– Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
– Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
– Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
– Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư
5.3. Cơ quan thụ lý đăng ký đầu tư ra nước ngoài:
Nhà đầu tư làm thủ tục đầu tư tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể tại Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
5.4. Quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư:
– Đối với các dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
– Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ gồm:
+ Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
+ Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
+ Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật này;
+ Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật này;
– Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật khoa học và công nghệ, Luật kinh doanh bảo hiểm.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Chính phủ quy định chi tiết thủ tục thẩm định dự án đầu tư ra nước ngoài; cấp, điều chỉnh, chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.