Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi:  1900.0191

Cơ sở pháp lý: 

– Nghị định 126/2017/NĐ-CP

– Nghị định 140/2020/NĐ-CP

– Thông tư 46/2021/TT-BTC

– Thông tư 32/2021/TT-BTC

1. Quy định về kiểm kê, phân loại tài sản và xử lý tồn tại về tài chính 

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng, đối chiếu và xác nhận công nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

– Đối với một số tài sản chuyên ngành của các doanh nghiệp cổ phần hóa mà việc tiếp cận tài sản để kiểm kê và đánh giá hiện trạng thực tế của tài sản không đảm bảo tính khả thi, hiệu quả thì doanh nghiệp lập phương án kiểm kê và đánh giá hiện trạng thực tế của tài sản này để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kỹ thuật có liên quan.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kỹ thuật có liên quan phải có ý kiến trả lời bằng văn bản về phương án kiểm kê và đánh giá hiện trạng thực tế của tài sản. Căn cứ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kỹ thuật, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phương án kiểm kê phù hợp và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm kê

– Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo chế độ Nhà nước quy định. Trường hợp thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không trùng với thời điểm kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm lập báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Khi cổ phần hóa Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ – công ty con, các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ phải thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của công ty con phải trùng với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của công ty mẹ.

– Trường hợp thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp trùng với thời điểm kết thúc năm tài chính, trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải có văn bản đề nghị cơ quan thuế trực tiếp quản lý thực hiện quyết toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Trường hợp thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không trùng với thời điểm kết thúc năm tài chính, trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa có công văn đề nghị cơ quan thuế trực tiếp quản lý thực hiện kiểm tra, xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan thuế phải tiến hành kiểm tra, quyết toán. Nếu quá thời hạn này, cơ quan thuế chưa tiến hành kiểm tra, quyết toán thuế thì doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào số liệu đã kê khai để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định.

– Trên cơ sở kết quả kiểm kê, kiểm toán báo cáo tài chính, quyết toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật những tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Trường hợp có vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Trường hợp đã báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết thì doanh nghiệp phải ghi rõ những tồn tại này trong Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa để có căn cứ tiếp tục giải quyết trong giai đoạn từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

2. Hướng dẫn thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản doanh nghiệp cổ phần hóa

Theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 46/2021/TT-BTC, Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; phối hợp với Tổ chức tư vấn thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải lập bảng kê xác định đúng số lượng, hiện trạng thực tế, chất lượng và giá trị của tài sản hiện có do doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng; kiểm quỹ tiền mặt, đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng; xác định tài sản, tiền mặt thừa, thiếu so với sổ kế toán, phân tích rõ nguyên nhân thừa, thiếu và trách nhiệm của những người có liên quan, xác định mức bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tài sản đã kiểm kê được phân loại theo các nhóm sau:

a) Tài sản dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

b) Tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, chậm luân chuyển, tài sản chờ thanh lý.

c) Tài sản hình thành từ nguồn quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi (nếu có).

d) Tài sản thuê, mượn, vật tư hàng hóa nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi, tài sản nhận góp vốn liên doanh, liên kết và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp.

đ) Tài sản gắn liền với đất chưa xử lý theo phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

e) Tài sản của các đơn vị sự nghiệp có thu (các cơ sở nhà đất của các đơn vị sự nghiệp có thu theo pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước), tài sản hoạt động sự nghiệp.

g) Các loại tài sản hiện có tại doanh nghiệp (tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác đang quản lý, sử dụng; tài sản là công trình đầu tư đang thực hiện dở dang) được đầu tư bằng vốn đầu tư công và được xác định là tài sản công. Trong đó nêu rõ: tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tài sản công doanh nghiệp không tiếp tục quản lý, sử dụng thực hiện bàn giao cho các đối tượng khác quản lý hoặc thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Các tài sản này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phương án giao, xử lý trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp.

h) Tài sản chờ quyết định xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.

i) Các khoản đầu tư tài chính góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, bằng tiền/tài sản khác (trong đó thuyết minh rõ phương án xử lý tài sản đem góp vốn liên doanh khi kết thúc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài).

k) Các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp cổ phần hóa đang sở hữu (bao gồm cả số cổ phiếu đã nhận được, đang quản lý, theo dõi trên thuyết minh báo cáo tài chính) và số lượng cổ phiếu được chia cổ tức sẽ nhận được sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, thông báo về quyền nhận cổ tức tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

l) Tài sản khác (nếu có).

3. Trách nhiệm đối chiếu, xác nhận các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp cổ phần hóa

3.1. Nợ phải trả các tổ chức, cá nhân

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 46/2021/TT-BTC, nợ phải trả các tổ chức, cá nhân (bao gồm các khoản nợ đến hạn, chưa đến hạn và quá hạn thanh toán) tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp:

a) Căn cứ hợp đồng, giấy báo nợ, đối chiếu nợ để lập bảng kê các khoản nợ vay theo từng chủ nợ; xác định các khoản nợ thuế và khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác; phân tích cụ thể các khoản nợ vay theo hợp đồng (vay trong nước, vay nước ngoài), vay có bảo lãnh, vay do phát hành trái phiếu; các khoản nợ phải trả trong hạn, đến hạn và đã quá hạn thanh toán; khoản nợ gốc, nợ lãi, khoản nợ phải trả nhưng không phải trả.

b) Nợ phải trả nhưng không phải trả là khoản nợ mà chủ nợ của doanh nghiệp cổ phần hóa khi thực hiện đối chiếu xác nhận nợ thuộc một trong các trường hợp sau:

– Nợ của các doanh nghiệp đã giải thể hoặc phá sản nhưng không xác định cơ quan hoặc cá nhân kế thừa nợ theo phương án giải thể, phá sản đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

– Nợ của các cá nhân đã chết nhưng không xác định người kế thừa theo quy định của pháp luật thừa kế tài sản.

– Nợ của các chủ nợ khác đã quá hạn nhưng chủ nợ không đến đối chiếu, xác nhận. Trong trường hợp này doanh nghiệp cổ phần hóa phải có văn bản thông báo gửi trực tiếp đến chủ nợ đồng thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp ít nhất 10 ngày làm việc.

3.2. Thực hiện đối chiếu, xác nhận các khoản nợ phải trả

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải trả các tổ chức, cá nhân trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Thứ nhất, trường hợp đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn một số khoản nợ phải trả có đầy đủ hồ sơ nhưng chưa đối chiếu, xác nhận được thì Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên doanh nghiệp cổ phần hóa phải giải trình rõ nội dung các khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc hoàn thành đối chiếu công nợ đến trước thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu (trừ những khoản nợ doanh nghiệp cổ phần hóa đã trả cho tổ chức, cá nhân kèm theo hồ sơ, chứng từ hợp lệ để chứng minh) và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xác định trong giá trị doanh nghiệp theo giá trị đang theo dõi trên sổ sách kế toán; đồng thời phải công bố công khai trong quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp cũng như phương án cổ phần hóa nội dung này làm cơ sở bán đấu giá cổ phần.

Tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao từ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang công ty cổ phần, nếu các khoản công nợ này đã làm đủ thủ tục đề nghị chủ nợ đối chiếu nợ nhưng chủ nợ không xác nhận thì được hạch toán ghi tăng vốn nhà nước giá trị nợ phải trả nhưng không có chủ nợ xác nhận. Công ty cổ phần (sau chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi có yêu cầu của chủ nợ và hạch toán khoản chi trả nợ vào chi phí của doanh nghiệp trong kỳ.

Đối với các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc thực hiện kiểm kê, đối chiếu các khoản tiền gửi của khách hàng, giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu) căn cứ vào chi tiết từng khoản nợ trên sổ kế toán; đối chiếu xác nhận số dư tiền gửi của các khách hàng là pháp nhân; khoản tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi cá nhân, giấy tờ có giá phải đối chiếu với hồ sơ sổ sách kế toán lưu tại ngân hàng và thực hiện đối chiếu với các khách hàng. Tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao từ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang công ty cổ phần, nếu các khoản công nợ này đã làm đủ thủ tục đối chiếu nợ nhưng không đối chiếu, xác nhận được với khách hàng thì ngân hàng thương mại cổ phần có trách nhiệm tiếp tục kế thừa, theo dõi, quản lý và thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi có yêu cầu của chủ nợ hợp pháp theo quy định pháp luật.

Đối với các khoản ký cược, ký quỹ, trả trước của khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình, đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật mà việc đối chiếu, xác nhận công nợ với từng khách hàng làm phát sinh khối lượng công việc, thời gian và chi phí lớn, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp báo cáo và quyết định việc đối chiếu, xác nhận cho phù hợp thực tế và quy định của pháp luật (căn cứ vào hồ sơ sổ sách kế toán, hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình, dịch vụ trung gian thanh toán và hệ thống công nghệ thông tin quản lý khách hàng của doanh nghiệp cổ phần hóa).

Thứ hai, doanh nghiệp cổ phần hóa phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc thỏa thuận bằng văn bản với các chủ nợ để xử lý trong đó có việc chuyển nợ phải trả thành vốn góp cổ phần.

Việc chuyển nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thành vốn góp cổ phần phải được quy định trong phương án cổ phần hóa, công khai trong bản cáo bạch bán cổ phần lần đầu và được thực hiện thông qua kết quả đấu giá thành công của chủ nợ. Theo đó chủ nợ tham gia mua cổ phần tại cuộc bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng và quy đổi số lượng cổ phần tương ứng với số nợ theo kết quả đấu giá thành công của chủ nợ.

Thứ ba, nợ thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước:

a) Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm nộp thuế và các khoản nợ ngân sách nhà nước trước khi chuyển đổi;

b) Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước thì công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa toàn bộ các khoản nợ.

Thứ tư, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, nếu doanh nghiệp có khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ vay quá hạn của các tổ chức tín dụng (bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam) do kinh doanh thua lỗ thì xử lý nợ theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group