Căn cứ pháp lý:

Nghị định 128/2014/NĐ-CP

1. Quyền và nghĩa vụ của người mua doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước

1.1. Người đăng ký mua:

a) Có quyền khảo sát thực trạng doanh nghiệp; nghiên cứu hồ sơ, báo cáo tài chính, bảng kê tài sản, các Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đất đai, các hợp đồng liên quan đến doanh nghiệp;

b) Có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin thu được từ việc khảo sát thực trạng và các tài liệu của doanh nghiệp; không được tiết lộ hoặc sử dụng thông tin trên gây phương hại cho doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp. Trường hợp người đăng ký mua tiết lộ và sử dụng thông tin gây phương hại cho doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

1.2. Người đã mua doanh nghiệp:

a) Được quyền lựa chọn hình thức pháp lý của doanh nghiệp sau khi mua; được tiếp tục thuê đất hoặc nhận giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Được kế thừa các quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của doanh nghiệp đã ghi trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp và các hợp đồng đã ký kết;

c) Thanh toán tiền mua doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký;

d) Không được bán, chuyển giao doanh nghiệp khi chưa hoàn thành việc thanh toán tiền mua doanh nghiệp và các cam kết khác (nếu có) tại Hợp đồng mua bán doanh nghiệp.

2. Trình tự, thủ tục bán doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước

– Chuẩn bị bán doanh nghiệp, gồm: Thông báo về việc bán doanh nghiệp; chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ pháp lý của doanh nghiệp.

– Xây dựng, phê duyệt phương án bán doanh nghiệp, gồm: Kiểm kê, đối chiếu, phân loại tài sản và nợ; lập báo cáo tài chính và phương án xử lý tài sản, tài chính và nợ; báo cáo quyết toán thuế tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; phương án sắp xếp lao động; xác định giá trị doanh nghiệp; phương án bán, xác định giá bán tối thiểu và phương thức bán, dự kiến chi phí tổ chức thực hiện bán doanh nghiệp; phê duyệt phương án bán, xử lý tài sản, tài chính, công nợ, lao động.

Trường hợp dự kiến số thu từ việc bán doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí thực hiện bán doanh nghiệp (trường hợp người mua kế thừa nợ) hoặc không đủ chi phí và trả các khoản nợ (trường hợp người mua không kế thừa nợ) thì phải chuyển sang hình thức giải thể, phá sản.

– Xử lý tài sản, tài chính, công nợ, lao động.

– Tổ chức bán doanh nghiệp.

– Phê duyệt kết quả bán; lập báo cáo tài chính doanh nghiệp tại thời điểm bàn giao cho người mua; ký kết hợp đồng; thanh toán; bàn giao tài sản, sổ sách và các hồ sơ liên quan cho người mua; thông báo về việc hoàn thành bán doanh nghiệp.

– Đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp sau khi bán.

Như vậy trình tự, thủ tục bán Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được thực hiện gồm 6 giai đoạn, cụ thể như sau:

2.1. Thông báo về việc bán doanh nghiệp

Căn cứ vào Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp thông báo cho doanh nghiệp về việc bán doanh nghiệp và thực hiện công bố công khai trên 01 (một) tờ báo viết trong 03 (ba) số liên tiếp và trên trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.business.gov.vn), trang thông tin điện tử của Bộ (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc Bộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty (đối với công ty thành viên) trong suốt thời gian thực hiện bán doanh nghiệp.

2.2. Xử lý tài sản và tài chính khi bán doanh nghiệp

– Việc xử lý tài sản, số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, chi phí xây dựng dở dang, các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi thực hiện theo quy định về xử lý tài chính của Chính phủ tại Nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

– Chênh lệch tài sản kiểm kê:

a) Đối với tài sản thừa nếu không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu thì doanh nghiệp được ghi tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tương ứng với giá trị thực tế của tài sản thừa;

b) Đối với tài sản thiếu, doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch giữa giá trị bồi thường của cá nhân, tập thể liên quan, tổ chức bảo hiểm (nếu có) với giá trị thiếu thì hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

2.3. Xử lý các khoản nợ và xác định giá trị doanh nghiệp

– Doanh nghiệp được bán hoặc có bộ phận được bán có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận, thu hồi các khoản nợ phải thu đến hạn trước khi bán; huy động các nguồn để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả hoặc thỏa thuận với các chủ nợ để xử lý trước khi bán.

– Đối với các khoản nợ phải thu còn lại và nợ phải trả thì tùy theo điều kiện mua bán có kế thừa nợ hoặc không kế thừa nợ để xử lý theo nguyên tắc sau:

a) Trường hợp người mua cam kết kế thừa nợ và được các chủ nợ đồng ý chuyển giao nợ cho bên mua, người mua có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ phải trả và thu hồi các khoản nợ phải thu theo cam kết; việc cam kết kế thừa các khoản nợ phải thu, phải trả phải được ghi trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp và thông báo bằng văn bản đến chủ nợ, người mắc nợ doanh nghiệp và các bên liên quan;

b) Trường hợp người mua không cam kết kế thừa nợ hoặc các chủ nợ không đồng ý chuyển giao nợ cho bên mua, doanh nghiệp được bán có trách nhiệm xử lý các khoản nợ này theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng. Trường hợp các khoản nợ chưa được xử lý hết theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng thì được xử lý theo quy định về xử lý các khoản nợ theo quy định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.

– Đối với các khoản đã trả trước cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ như: Tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền mua hàng, tiền công thì phải đối chiếu với hợp đồng và khối lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp để tính vào giá trị doanh nghiệp.

– Việc xác định và điều chỉnh giá trị doanh nghiệp được áp dụng theo những nguyên tắc quy định về xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tại Nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp có trách nhiệm thẩm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp kết quả xác định giá trị doanh nghiệp không bảo đảm đúng quy định của Nhà nước thì cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp có thể từ chối không thanh toán phí dịch vụ tư vấn định giá; nếu gây thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp thì tổ chức tư vấn định giá phải bồi thường.

– Đối với doanh nghiệp không cổ phần hóa được phải chuyển sang phương thức bán, thì được kế thừa kết quả xác định giá trị doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình cổ phần hóa. Bộ Tài chính hướng dẫn về thời hạn được kế thừa kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và việc điều chỉnh kết quả xác định giá trị doanh nghiệp khi thị trường có sự thay đổi về giá các tài sản có liên quan.

2.4. Xác định giá bán doanh nghiệp

– Giá khởi điểm bán doanh nghiệp được xác định theo nguyên tắc sau:

a) Không thấp hơn tổng giá trị phần vốn nhà nước đã được xác định theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định này và giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) theo giá công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu người mua kế thừa các khoản nợ;

b) Không thấp hơn tổng giá trị doanh nghiệp đã được xác định theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định này nếu người mua không kế thừa các khoản nợ.

– Giá bán doanh nghiệp:

Căn cứ vào phương thức bán (bán đấu giá hoặc bán trực tiếp), phương thức thanh toán (một lần hoặc nhiều lần), mức giá đặt mua, số lao động mà người mua tiếp tục sử dụng để quyết định giá bán nhưng không thấp hơn giá khởi điểm quy định tại Khoản 1 Điều này.

2.5 Tổ chức bán doanh nghiệp

– Tổ chức bán doanh nghiệp theo phương thức đấu giá

– Tổ chức bán doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp

2.6. Phê duyệt kết quả bán, ký kết hợp đồng, bàn giao, thanh toán, thông báo về việc hoàn thành bán doanh nghiệp

– Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp phải xem xét để phê duyệt kết quả bán doanh nghiệp.

– Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt kết quả bán doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đấu giá phải hoàn trả tiền đặt trước cho những người tham gia đấu giá hợp lệ nhưng không trúng đấu giá. Tiền đặt trước của người trúng đấu giá được trừ vào tiền mua doanh nghiệp. Tiền đặt trước không được hoàn trả cho người vi phạm nội quy phiên bán đấu giá, người trúng đấu giá nhưng không thực hiện ký hợp đồng theo quy định. Khoản tiền đặt trước không được hoàn trả phải hạch toán tăng khoản thu do bán doanh nghiệp và được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

– Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ khi có quyết định phê duyệt kết quả bán doanh nghiệp, đại diện người bán và người mua phải ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Hợp đồng mua bán doanh nghiệp bao gồm các nội dung chính sau:

a) Tên, địa chỉ, số tài khoản của doanh nghiệp được bán;

b) Tên, địa chỉ, số tài khoản (nếu có) của người mua doanh nghiệp;

c) Giá bán doanh nghiệp;

d) Các cam kết của người mua và người bán doanh nghiệp;

đ) Phương thức chuyển giao tài sản, thanh toán tiền mua doanh nghiệp, thời hạn bàn giao doanh nghiệp;

e) Xử lý các vấn đề phát sinh, tranh chấp hợp đồng.

Kèm theo hợp đồng là bản kê tài sản, công nợ (nếu có) mà người mua và người bán đã thỏa thuận.

– Người mua doanh nghiệp thanh toán trong thời hạn quy định tại hợp đồng mua bán, nhưng tối đa không quá 01 (một) năm kể từ thời điểm hợp đồng mua bán doanh nghiệp được ký; trong đó lần đầu phải thực hiện trong thời hạn 01 (một) tháng và thanh toán không dưới 70% giá bán.

Khi người mua đã thanh toán ít nhất 70% giá bán và có đủ tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh theo đúng quy định của pháp luật cho phần còn lại, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phải tổ chức việc bàn giao doanh nghiệp cho người mua. Người bán doanh nghiệp tiếp tục điều hành doanh nghiệp cho đến khi bàn giao xong. Trường hợp gây thất thoát tài sản, người bán có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

– Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày ký biên bản bàn giao, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp thông báo việc hoàn thành bán doanh nghiệp với các nội dung sau:

a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp được bán;

b) Tên, địa chỉ của người mua;

c) Giá bán, phương thức bán, thời hạn thanh toán;

d) Trách nhiệm của người mua, người bán doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong việc xử lý những vấn đề tồn tại và phát sinh khác.

Thông báo việc hoàn thành bán doanh nghiệp được đăng trên phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các cơ quan: Tài chính doanh nghiệp, Thuế, Đăng ký kinh doanh, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

2.7. Đăng ký doanh nghiệp

Sau khi nhận bàn giao doanh nghiệp, người mua doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo loại hình tương ứng mà doanh nghiệp sẽ hoạt động hoặc thay đổi đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo bản sao hợp lệ hợp đồng mua, bán doanh nghiệp và biên bản bàn giao doanh nghiệp.

Trường hợp người mua doanh nghiệp chuyển doanh nghiệp mua thành bộ phận của doanh nghiệp đã có thì chỉ bổ sung đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.