1. Tìm hiểu chung về đình công

Đình công được hiểu là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo. 

Trước và trong quá tình đình công, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định cụ thể quyền của các bên trong việc tiếp tục được thỏa thuận để giải quyết tranh chấp hoặc để đề nghị hòa giải viên lao động, Hội động trọng tài lao động tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động. Với mục tiêu nhằm giải quyết các tranh chấp lao động tập thể, thúc đẩy thương lượng cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, các quy định về quyền của các bên rất quan trọng trong việc xoa dịu, thúc đẩy và giải quyết tranh chấp, cố gắng không để các tranh chấp kéo dài và hướng tới việc thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. 

Đối với chủ thể là tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, ngoài việc có thể lựa chọn việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thì chủ thể này còn có quyền lựa chọn việc rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công, hoặc yêu cầu tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp để tiến hành việc gải quyết tranh chấp lao động. Việc rút quyết định đình công hoặc chấm dứt đình công khi đình công đang xảy ra có thể được hiểu là ở thời điểm đó các bên đã đạt được thỏa thuận, bên người sử dụng lao động đã chấp thuận yêu cầu của tập thể lao động đưa ra hoặc tổ chức đại diện của người lao động thấy rằng việc đình công trong trường hợp này là không đem lại hiệu quả. Trong trường hợp người sử dụng lao động có bất cứ hành vi nào gây ảnh hưởng đến quyền đình công và phương hại đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác có liên quan vì cho rằng cuộc đình công là không đúng trình tự, thủ tục thì tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh này. 

Đối với chủ thể là người sử dụng lao động, Bộ luật lao động năm 2019 ngoài việc có thể lựa chọn việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thì chủ thể này còn có các quyền lựa chọn: 

– Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công. Đây là lựa chọn tốt nhất cho người lao động và nó có thể xảy ra khi người sử dụng lao động thấy rằng yêu cầu từ phía người lao động là hợp lý, hoặc yêu cầu này chấp nhận được để ổn định việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp 

– Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản. Quy định này lần đầu tiên được thể hiện ở Bộ luật lao động năm 2012 đã hết hiệu lực và tiếp tục được khẳng định lại ở Bộ luật lao động năm 2019 hiện hành. Theo đó, Bộ luật lao động cho phép người sử dụng lao động được tạm thời đóng cửa doanh nghiệp trong quá trình tập thể lao động tiến hành đình công để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp do trên thực tế trong thời gian qua, một số cuộc đình công đã bị không ít phần tử quá khích lợi dụng để thực hiện các hành vi bạo lực, phá hủy tài sản của doanh nghiệp

Và trong một số trường hợp, khi đa số người lao động đã đồng loạt nghỉ việc, thì khó có đủ nhân công cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Yêu cầu tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp cũng là một trong những quyền của người sử dụng lao động khi phát hiện ra các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động, của tổ chức đại diện người lao động. Theo đó, những trường hợp đình công bất hợp pháp bao gồm: 

– Không thuộc những trường hợp được đình công theo quy định 

– Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công 

– Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019

– Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019

– Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công là: Không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe con người 

– Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền ở đây là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

 

2. Nghĩa vụ thông báo trước khi quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc? 

Căn cứ vào Điều 205 Bộ luật Lao động năm 2019, ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thồi nơi làm việc tại nơi làm việc và thông báo cho các cơ quan, tổ chức sau đây:

* Tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công.

* ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nơi làm việc dự kiến đóng cửa.

* ủy ban nhân dân cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa.

Như vậy, quy định thông báo ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc cho tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công cũng là biện pháp để đại diện người lao động và người lao động có thời gian suy nghĩ lại, điều chỉnh việc đình công của mình.

Quy định thông báo nêu trên cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa là để các cơ quan này biết và có biện pháp xử lý vấn đề phát sinh xung quanh việc đình công và tạm thời đóng cửa nơi làm việc.

 

3. Các trường hợp bị cấm đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc

Căn cứ Điều 206 Bộ luật lao động năm 2019 hiện hành, hai trường hợp sau đây người sử dụng lao động sẽ không được đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc: 

Thứ nhất là trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công. Người sử dụng lao động được tổ chức đại diện người lao động thông báo bằng văn bản về việc tổ chức đình công trước ít nhất 05 ngày kể từ ngày tổ chức đình công. Trong thông báo này có bao gồm thời gian, địa điểm tổ chức đình công. Về bản chất, đình công như đã phân tích ở mục 1 của bài viết là hoạt động ngừng việc tự nguyện của người lao động, thể hiện lập trường và yêu cầu từ người lao động. Nên nếu người sử dụng lao động mà đóng cửa nơi làm việc ngay trước khi tổ chức đình công thì người lao động trở thành được nghỉ vì nơi làm việc tạm đóng cửa chứ không phải là ngừng việc do tranh chấp lao động. 

Thứ hai là sau khi người lao động ngừng đình công. Có nghĩa là khi đã có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động hoặc người sử dụng lao động đã chấp nhận một phần, hoặc toàn bộ yêu cầu của người sử dụng lao động. Khi ngừng đình công thì người lao động quay trở lại làm việc như bình thường. Nếu tạm đóng cửa nơi làm việc ngáy sau khi người lao động ngừng đình công, hành động này được coi là cản trở người lao động thực hiện công việc của mình, ngăn không cho người lao động quay trở lại làm việc cho người sử dụng lao động. Mà người lao động khi tham gia đình công đã mất một quãng thời gian không được hưởng tiền lương, tiền thưởng để chi trả cho sinh hoạt của mình và gia đình. Nếu tiếp tục nghỉ do đóng cửa nơi làm việc, thu nhập của người lao động sẽ không thể nào được đảm bảo. 

Quy định này đã thể hiện ý chí của nhà nước trong việc phải nhanh chóng gói ghém tranh chấp, ổn định việc làm và các bất ổn có thể xảy ra do việc đóng của tại nơi làm việc có thể gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ lao động và trật tự an toàn xã hội. 

 

4. Vi phạm quy định về đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc bị xử lý như nào? 

Nếu người sử dụng lao động tự ý đóng cửa tạm thời nơi làm việc thuộc một trong các trường hợp bị cấm đóng cửa như đã nêu ở trên thì sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền phạt từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Bên cạnh đó còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng lao động trả lương cho người lao động trong những ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc. 

Như vậy trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật LVN Group muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật LVN Group xin trân trọng cảm ơn!