Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi:  1900.0191

Cơ sở pháp lý: 

– Nghị định 126/2017/NĐ-CP

– Nghị định 140/2020/NĐ-CP

– Thông tư 46/2021/TT-BTC

1. Thời điểm nào xác định doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang công ty cổ phần 

Thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang công ty cổ phần là ngày doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần lần đầu.

2. Xử lý tài chính ở thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 126, Doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục thực hiện các quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Thứ nhất, tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa lập báo cáo tài chính theo chế độ tài chính quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ làm cơ sở để thực hiện chuyển giao từ doanh nghiệp cổ phần hóa cho công ty cổ phần, trong đó:

a) Số dư các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi (nếu có) được sử dụng để bù đắp các tổn thất theo quy định hiện hành, số còn lại hoàn nhập vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng (đối với các hợp đồng đã ký, thời gian bảo hành còn hiệu lực) doanh nghiệp cổ phần hóa được trích theo hợp đồng đã ký và được giữ lại để thực hiện bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng theo hợp đồng.

Doanh nghiệp cổ phần hóa phải lập bảng kê chi tiết đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa, công trình kèm theo hồ sơ cổ phần hóa. Hết thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng nếu khoản trích lập dự phòng này không chi hết, còn số dư thì công ty cổ phần có trách nhiệm phải nộp về ngân sách nhà nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn bảo hành theo hợp đồng.

Trường hợp công ty cổ phần không thực hiện nộp đầy đủ và kịp thời thì phải chịu thêm tiền lãi theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

b) Đối với khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa đánh giá lại theo quy định và không thực hiện kết chuyển vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, số dư khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm này thực hiện chuyển giao cho công ty cổ phần (sau chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) theo dõi và xử lý theo quy định.

c) Đối với khoản lợi nhuận sau thuế, cổ tức được chia từ hoạt động đầu tư tài chính (đã có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên tại tổ chức nhận góp vốn) phát sinh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần nhưng chưa thu được tiền, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện ghi tăng doanh thu hoạt động tài chính đồng thời ghi tăng nợ phải thu.

đ) Việc phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ, doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trường hợp thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần không trùng với thời điểm lập báo cáo tài chính năm nên không thực hiện được việc xếp loại doanh nghiệp làm căn cứ để trích lập các quỹ của doanh nghiệp; doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện trích lập Quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và hai quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi tại thời điểm này theo nguyên tắc sau:

– Căn cứ vào kết quả xếp loại doanh nghiệp của năm trước gần nhất với thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

– Căn cứ nguồn lợi nhuận theo chế độ quy định được sử dụng để trích lập, phân phối các quỹ của doanh nghiệp.

– Mức trích các quỹ bằng mức trích theo chế độ phân phối lợi nhuận quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chia 12, nhân với số tháng tính từ đầu năm đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

e) Quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện quản lý và chi theo đúng quy định. Trường hợp sau khi xử lý vẫn còn số dư thì doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Thứ hai, trong thời gian 90 ngày kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành các công việc sau:

a) Lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu;

b) Thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính;

c) Quyết toán thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thuế;

d) Sau khi hoàn thành các quy định tại điểm a, b và c khoản này, doanh nghiệp cổ phần hóa đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và quyết toán: tiền thu về cổ phần hóa, chi trả chế độ cho người lao động dôi dư, chi phí cổ phần hóa theo quy định.

Thứ ba, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị phê duyệt giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý các tồn tại tài chính của doanh nghiệp và ban hành quyết định phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư và quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định số phải nộp bổ sung theo quy định về ngân sách nhà nước (nếu có).

Thứ tư, căn cứ quyết định phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm lập lại báo cáo tài chính tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu làm căn cứ bàn giao sang công ty cổ phần.

Việc lập lại báo cáo tài chính để bàn giao sang công ty cổ phần dựa trên cơ sở thực hiện điều chỉnh theo các nội dung xử lý tài chính quy định tại Nghị định này, quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư, quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần (không điều chỉnh theo kết quả đánh giá lại).

Khoản lợi nhuận sau thuế phát sinh từ giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải sử dụng để bù đắp phần vốn nhà nước đã điều chỉnh do lỗ trong sản xuất kinh doanh tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (nếu có), phần còn lại doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện phân phối và trích lập các quỹ theo quy định tại điểm đ mục thứ hai.

Khoản lợi nhuận trích lập vào Quỹ đầu tư phát triển theo quy định và khoản chênh lệch vốn nhà nước tăng từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau khi trừ các khoản chi theo quy định, doanh nghiệp cổ phần hóa phải nộp về ngân sách nhà nước.

Thứ năm, trường hợp phát sinh chênh lệch giảm giá trị phần vốn nhà nước thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý như sau:

a) Nếu do nguyên nhân khách quan (do thiên tai; địch họa; do Nhà nước thay đổi chính sách hoặc do biến động của thị trường quốc tế và các nguyên nhân bất khả kháng khác), doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định việc sử dụng tiền thu từ bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa này để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi bồi thường của bảo hiểm (nếu có).

Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp giá trị vốn nhà nước bị giảm, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét thông qua Đại hội đồng cổ đông để điều chỉnh giảm vốn nhà nước góp trong công ty cổ phần, vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần cho phù hợp với thực tế.

b) Nếu do nguyên nhân chủ quan được xử lý như sau:

– Nếu lỗ do việc không xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính theo quy định hiện hành của Nhà nước thì phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan: doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, cơ quan kiểm toán, kiểm toán nhà nước và cơ quan quyết định cổ phần hóa để xử lý bồi thường vật chất.

– Nếu lỗ do điều hành sản xuất, kinh doanh; quản lý gây thất thoát vốn và tài sản thì những người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường tổn thất do chủ quan gây ra theo quy định hiện hành.

– Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm bồi thường không có khả năng thực hiện việc bồi thường theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phần tổn thất còn lại được xử lý như trường hợp do nguyên nhân khách quan theo quy định tại điểm a khoản này.

Thứ sáu, đối với các tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định này, trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyết định bàn giao tài sản cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm bảo quản và bàn giao các tài sản này cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam.

3. Quy định về bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần

Bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư 46/2021/TT-BTC. Cụ thể như sau:

3.1. Căn cứ lập hồ sơ và tổ chức bàn giao

Căn cứ để doanh nghiệp lập hồ sơ và tổ chức bàn giao sang công ty cổ phần gồm có: báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu đã thực hiện kiểm toán; quyết toán thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thuế, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa; quyết toán chi phí cổ phần hóa; quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư (nếu có); quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần của cơ quan đại diện chủ sở hữu và báo cáo tài chính được lập lại tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau khi có quyết định phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

3.2. Hồ sơ bàn giao

Sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa hoàn thành việc lập lại báo cáo tài chính theo quy định, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc phối hợp đôn đốc, theo dõi công tác bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần hoá và công ty cổ phần. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản kèm theo toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp dưới sự chứng kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Biên bản bàn giao phải ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan; các nội dung cần tiếp tục xử lý sau khi bàn giao (nếu có), cụ thể như sau:

a) Hồ sơ bàn giao doanh nghiệp cổ phần hóa sang công ty cổ phần bao gồm:

– Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, trong đó thể hiện giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo sổ sách và sau khi đánh giá lại.

– Báo cáo tài chính được lập lại tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau khi có quyết định phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

– Các báo cáo quyết toán chi phí cổ phần hoá và các khoản phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư.

– Quyết định phê duyệt giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

– Biên bản bàn giao tài sản, vốn được lập tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu (có bảng chi tiết công nợ bàn giao cho công ty cổ phần tiếp tục kế thừa và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý – nếu có); trong đó bao gồm hồ sơ về đất, cơ sở nhà đất mà doanh nghiệp cổ phần hóa đang theo dõi, sử dụng nhưng không thuộc đối tượng được giữ lại theo phương án sắp xếp, sử dụng cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt nhưng chưa được cấp có thẩm quyền thu hồi (nếu có).

– Các báo cáo về tình hình lao động; phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt hoặc doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng.

– Báo cáo quyết toán thuế của doanh nghiệp cổ phần hóa.

3.3. Thành phần bàn giao

Thành phần bàn giao gồm:

– Đại diện cơ quan đại diện chủ sở hữu.

– Đại diện Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Công ty mẹ (trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty con), Tổng giám đốc/Giám đốc, Kế toán trưởng và đại diện tổ chức công đoàn doanh nghiệp cổ phần hóa – đại diện cho bên giao.

– Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc/Giám đốc, Kế toán trưởng và đại diện tổ chức công đoàn công ty cổ phần – đại diện cho bên nhận.

Trường hợp Người đại diện theo pháp luật, Kế toán trưởng vắng mặt vì lý do khách quan (nghỉ hưu theo chế độ, chết, chuyển công tác) thì cơ quan đại diện chủ sở hữu/doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm cử/chỉ định người đại diện hợp pháp thực hiện việc bàn giao.

– Đại diện của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

3.4. Biên bản bàn giao

Biên bản bàn giao phải có đầy đủ chữ ký của thành phần bàn giao và phải ghi rõ:

– Tình hình tài sản, vốn, đất đai, lao động có tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu.

– Quyền lợi và nghĩa vụ công ty cổ phần tiếp tục kế thừa.

– Những tồn tại công ty cổ phần có trách nhiệm tiếp tục giải quyết.

d) Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm gửi Biên bản bàn giao cho cơ quan quản lý thuế để theo dõi, đôn đốc các khoản phải thu nộp ngân sách nhà nước.

đ) Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm công ty mẹ và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ: Việc bàn giao cổ phần hóa đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện tương tự như bàn giao cổ phần hóa đối với công ty mẹ.

e) Sau khi chuyển sang công ty cổ phần mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá đất chính thức, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ khoản chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất đã tạm tính vào giá trị doanh nghiệp với giá trị quyền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền xác định lại (nếu có).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group