1. Khái niệm và các yếu tố dẫn tới mại dâm

1.1. Khái niệm mại dâm

Theo từ điển Hán Việt (Đào Duy Anh, 1951): Mại dâm có nghĩa là bán dâm và mãi dâm có nghĩa là mua dầm. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền, hoặc lợi ích vật chất khác, trả cho nguời bán dâm để đươc giao cấu. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền, hoặc lợi ích vật chất khác. Tuy nhiên, càng về sau, theo ngôn ngữ thông thường, người ta có xu hướng sử dụng mại dâm và mãi dâm theo cùng một nghĩa bao hàm cả hoạt động mua dâm và bán dâm. Mại dâm là: Sự trao đổi tình dục có thu tiền.

Mại dâm có thể được định nghĩa như việc trao đổi sự thỏa mãn tình dục lấy tiền hoặc bất cứ một giá trị vật chất khác. Mại dâm là một công việc kinh doanh nhằm cung cấp sự thỏa mãn tình dục cho cá nhân ngoài phạm vi chông và bạn bè. (Khuất Thu Hồng, 1992,5).

Như vậy, khái niệm mại dâm có thể được hiểu như sau: Mại dâm là hành vi trao đổi có tính chất mua bán ngoài phạm vi hôn nhân, trong đó người bán dâm sử dụng các hình thức quan hệ để làm phương tiện thực hiện mục đích kiếm tiền hoặc các giá trị vật chất khác nhằm thỏa mãn tình dục cho khách hàng

1.2. Một số khái niệm liên quan đến mại dâm:

  • Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
  • Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
  • Chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê, hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
  • Tổ chức hoạt động mại dâm là hành vi bố trí, sắp xếp để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
  • Bảo kê mại dâm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm.

2. Các yếu tố dẫn tới mại dâm

  • Yếu tố kinh tế

Phần lớn những người hoạt động mại dâm đều xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, như:

Những gia đình nghèo khó, đông con, thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp hoặc không ổn định, thậm chí trong gia đình “người làm thì ít, người ăn thì nhiều”. Từ cảnh túng quẫn đó lại không có nguồn sống nào khác, cộng thêm những áp lực khác của cuộc sống như nợ nần, rủi ro, bệnh tật, sự khuyến dụ của bọn săn lùng gái,… buộc người phụ nữ hoặc là con em trong gia đình họ phải bước vào con đường mại dâm để kiếm tiền một cách nhanh nhất mà không can vốn để tồn tại cho bản thân và gia đình họ.

Những gia đình bị đỗ vỡ, xung đột, rạn nứt như bố mẹ ly hôn, phạm tội,…trẻ em sống trong những gia đình này thường là sống với bố dượng, dì ghẻ, ông bà già yếu, gia đình lại nhiều cảnh ngang trái, không được sự quan tâm, giúp đỡ của người thân thì việc các em tham gia vào hoạt động mại dâm rất dễ xảy ra.

Gia đình của một số gái mại dâm đã có người hoạt động mại dâm hoặc là chủ chứa, cò mồi,… đây là môi trường thuận lợi cho việc hình thành nhận thức lối sống lệch lạc trong các thành viên của gia đình họ nói chung và việc quyết định thực hiện bán dâm của người phụ nữ nói riêng.

Tác động của toàn cầu hóa cũng là một nguyên nhân khiến cho tệ nạn mại dâm ngày càng phát triển.

  • Yếu tố xã hội

Môi trường xã hội cũng là một trong những yếu tố tác động rất lớn đến mại dâm. Sự buông lỏng của các cấp chính quyền không quản lý được số lượng dân cư trú và dòng người chuyển từ nơi khác, các hoạt động văn hóa trá hình,…

Sự giáo dục lỏng lẻo, không thống nhất giữa gia đình và nhà trường, bố mẹ trong gia đình do bận rộn với công việc kiếm tiền, không có thời gian quan tâm đến con cái, bên cạnh đó lại bị bạn bè xấu lôi kéo thì dễ dàng đẩy các em vào con đường mại dâm.

  • Yếu tố chính trị và quyền lực

Ngoài các yếu tố trên, yếu tố chính trị và quyền lực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mại dâm: Mại dâm được bao che bởi quyền lực mạnh mẽ; Tội phạm có tổ chức (ăn chia với cảnh sát, tòa án); Các nhà chính trị vận động tranh cử bằng tiền đóng góp, thuế của các vũ trường, nhà hàng khách sạn (trá hình); Thể hiện quyền lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu;…

3. Một số vấn đề của đối tượng mại dâm

– Về thể chất

Nguy cơ bị bạo hành thể chất, bạo hành tình dục: Bị bạo hành tình dục, bạo hành thể chất là điều không thể tránh khỏi đối với đối tượng mại dâm bởi họ chỉ là công cụ thỏa mãn nhu cầu tình dục của khách mua dầm chứ không phải là quan hệ bằng tình yêu. Thực tế có rất nhiều người đàn ông khi quan hệ phải dùng những biện pháp mạnh và chỉ cảm thấy thỏa mãn khi người tình của mình đau đớn. Hay cũng có rất nhiều người nhu cầu có nhu cầu tình dục cao và khi những người bán dâm không thể đáp ứng được thì cũng sẽ bị đánh. Và việc bạo hành gái mại dâm còn đáng sợ hơn rất nhiều với những bạo hành khác bởi họ không thể lên tiếng, không được bảo vệ mà thường im lặng chấp nhận, chịu đựng.

Không phải bất cứ người bán dâm nào cũng đều là tự nguyện đi theo con đường mại dâm mà không ít cô gái là vì bị bán, bị lừa bắt. Rất nhiều người khi chống cự không bán dâm thì bị chủ chứa đánh, hành hạ cho tới khi chấp nhận làm theo yêu cầu của chúng.

Cùng với nguy cơ bị bạo hành về thể chất, bạo hành về tình dục, đối tượng mại dâm còn phải đối mặt với nguy cơ bị khách quỵt tiền và bị giết. Có rất nhiều khách mua dâm khi thỏa mãn nhu cầu của bản thân nhung lại không muốn trả tiền hoặc không có tiền để trả. Điều này không chỉ xảy ra với một người mà hầu hết các cô gái này đều bị rơi vào hoàn cảnh này và không phải chỉ một lần bởi đàn ông nhiều người không phải ai cũng tốt. Nếu không cẩn thận thì nếu cứ đòi thì họ còn bị đánh thậm tệ.

Có nguy cơ bị nhiễm các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục: Hoạt động mại dâm thường dẫn đến suy kiệt về sức khỏe của đối tượng, phần lớn những người hành nghề mại dâm bị những bệnh xã hội như: giang mai, lậu, các bệnh viêm nhiễm đường tình dục,…

Nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS: mại dâm gắn liền với nhiễm HIV là con đường nhanh nhất, dễ nhất dẫn đến AIDS.

– Về tâm lý:

Người hoạt động mại dâm coi hành vi bán dâm như một công việc để kiếm tiền dễ dàng nên bất chấp dư luận, chuẩn mực đạo đức và luật pháp.

Xúc cảm, tình cảm của người mại dâm thường không ổn định, có nhiều xáo trộn, hay xúc động, dễ bị tổn thương.

– Về mặt ý chí: người mại dâm thường thiếu nghị lực, thiếu tự tin.Tình cảm mất cân bằng, không ổn định, hay nổi nóng.

Hệ thống nhu cầu của người mại dâm rất nghèo nàn. Chủ yếu tập trung vào sự thỏa mãn nhu cầu vật chất còn các nhu cầu văn hóa, tinh thần và nhu cầu giao tiếp có phần hạn chế.

Động cơ của người mại dâm khi đi bán dâm là vì tiền, đồng tiền làm ra dễ dàng nên họ sẵn sàng bỏ ra ăn chơi đua đòi.

Quan hệ liên nhân cách của người mại dâm dễ bị những người xung quanh điều khiển rủ rê, lôi kéo, thiếu tính quyết đoán và không tự hành động theo bản thân.

Quan niệm cuộc đời và định hướng giá trị của người mại dâm mang tính chất tiêu cực.

Có không ít người mại dâm có tâm lý bất cần, trả thù đời, buông xuôi. Đặc biệt là người mại dâm nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS.

– Về xã hội:

Một trong những vấn đề lớn nhất về mặt xã hội của đối tượng mại dâm hiện nay là sự kỳ thị và phân biệt đối xử của mọi người xung quanh. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người mại dâm diễn ra trong nhiều bối cảnh khác nhau của cuộc sống; trong gia đình, ngoài cộng đồng, tại cơ sở y tế và tại nơi làm việc của họ.

Biểu hiện của kỳ thị và phân biệt đối xử với người mại dâm ở trong gia đình: sống trong gia đình của mình, người mại dâm thường bị các thành viên trong gia đình lên án, chửi mắng và sỉ nhục vì đã phá hoại danh dự của gia đình và dòng họ. Không ít người mại dâm, đã không chịu được những áp lực đó, đành phải bỏ nhà ra đi. Cô lập và bị từ mặt (không chấp nhận là con em trong gia đình) bị đuổi ra khỏi nhà, không cho tham dự việc gia đình. Khi người mại dâm bị ốm, không ai trong gia đình chăm sóc và hỏi han.Gia đình muốn bảo vệ danh dự của họ bằng cách giấu việc có con em làm mại dâm với láng giềng.

Biểu hiện của kỳ thị và phân biệt đối xử với người mại dâm ở cộng đồng: Mọi người thường tỏ ra coi thường và tránh xa khi nhìn thấy người mại dâm trên đường, gọi người mại dâm bằng những ngôn từ miệt thị. Chỉ trích, bàn tán, nói xấu, nhìn họ với ánh mắt căm ghét. Lên án rằng người mại dâm phá hoại hạnh phúc gia đình, coi họ như những mầm bệnh và là nguyên nhân khiến đàn ông đi ngoại tình và chơi bời, là nguyên nhân làm băng hoại đạo đức xã hội.

Biểu hiện của kỳ thị và phân biệt đối xừ tại cơ sở y tế: Không khám xét kỹ và điều trị không thân thiện. Các nhân viên y tế có thể sử dụng ngôn từ mang tính phán xét và trách mắng, bình phẩm mang tính phán xét, nhiều nhân viên y tế để người mại dâm phải chờ đợi rất lâu mới khám bệnh cho họ. Trong khi điều trị còn dùng ngôn từ mang tính lăng mạ, nói xấu hoặc không giữ bí mật thông tin và khám chữa bệnh cho người mại dâm một cách qua loa. Bàn tán, chỉ trỏ hoặc đem ra làm trò đùa với các cán bộ y tế và bệnh nhân khác. Tò mò về đời sống tình dục của người mại dâm hơn là điều trị bệnh cho họ. Vi phạm các nguyên tắc bảo mật thông tin về người bệnh. Nhân viên tại phòng khám bàn tán, truyền tai nhau về người mại dâm với các nhân viên và bệnh nhân khác. Từ chối cung cấp các dịch vụ: tư vấn, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị.

Biểu hiện của kỳ thị và phân biệt đối xử từ phía khách mua dâm: Lãng mạ, xỉ nhục người mại dâm, gọi họ bằng những ngôn từ xúc phạm, có thái độ khinh rẻ, bạo lực, đặc biệt khi khách hàng trong tình trạng say rượu. Gian lận trong tiền bạc/ bóc lột: ví dụ quỵt tiền sau khi trả tiền, bắt người mại dâm phục vụ một nhóm khách hàng. Khách hàng cho rằng họ có thể làm bất cứ điều gì với người mại dâm nếu họ muốn; theo các cách quan hệ mà họ không muốn làm, kể cả hiếp dâm và quan hệ tình dục tập thể.

Ngay các chủ chứa cũng gọi người mại dâm bằng những cái tên chứa đầy sự kỳ thị. Họ luôn có tâm thế bắt người mại dâm phải tiếp khách liên tục, thậm chí tiếp khách mà không được trả tiền. Khi người mại dâm kiệt sức hoặc mang thai, họ thường bị những người này đuổi khỏi nơi ở, nơi làm việc. Nhiều chủ chứa còn ép buộc người mại dâm dùng ma túy để giữ chân hoặc để người mại dâm lệ thuộc hoàn toàn vào họ.

Có thể nói, kỳ thị và phân biệt đối xử với đối tượng mại dâm là một trong những rào cản lớn khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cũng như tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

4. Một số chính sách và biện pháp phòng, chống mại dâm

Hệ thống văn bản pháp lý về phòng, chống mại dâm ở Việt Nam khá đầy đủ và đồng bộ từ các quy định về các nguyên tắc, biện pháp, trách nhiệm của các chủ thể khác nhau trong hoạt động phòng chống mại dâm cho đến các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm.

Hiến pháp năm 2013: Điều 63 quy định về quyền bình đẳng của công dân, bình đẳng giữa nam và nữ, nghiêm cấm phân biệt đối xử; Điều 71 quy định về quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Pháp lệnh phòng, chống mại dâm được ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 thông qua ngày 14 tháng 3 năm 2003 là văn bản pháp luật cao nhất cho đến nay đối với việc quản lý mại dâm ở Việt Nam. Pháp lệnh có 41 điều được quy định trong 6 chương.

Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Chỉ Thị số 22/CT-TTg, ngày 15 tháng 10 năm 2013 về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay.

Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 ban hành kèm theo quyết định số: 361/QĐ-TTg ngày 07 tháng 03 năm 2016. Mục tiêu cụ thể đặt ra đối với Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 là đến năm 2017 đạt 50% và năm 2020 đạt 100% các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm với các chương trình kinh tế – xã hội tại địa phương.

– UBND các cấp phải đưa công tác phòng chống mại dâm là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác phòng chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như: Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người. Ưu tiên nguồn lực cho các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

  • Đồng thời, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ người hoạt động mại dâm hòa nhập cộng đồng, đảm bảo các quyền cơ bản, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng để họ được tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt là cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống hòa nhập xã hội.

Chính sách đối với người bán dâm hoàn lương:

+ Giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm

+ Tư vấn cho người bán dâm khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục.

+ Tư vấn tâm lý

+ Tín dụng theo quy định tại Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương bao gồm:Người bán dâm hoàn lương: có xác nhận về việc không còn bán dâm của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu một trong các Tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương hoặc Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Trưởng nhóm, Trưởng mạng lưới do các Tổ chức chính trị – xã hội hoặc Tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân thành lập; Hộ gia đình có thành viên là người bán dâm hoàn lương theo quy định.

5. Một số biện pháp phòng, chống mại dâm

– Giải pháp hoàn thiện thể chế:

Rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm. Đặc biệt các vấn đề liên quan đen việc xây dựng hoạt động can thiệp giảm hại, phòng, chống HIV/AIDS và hồ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật về phòng ngừa mại dâm, đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.

Tổ chức nghiên cứu, khảo sát tình hình hoạt động tội phạm liên quan đến mại dâm và tìm hiểu chính sách pháp luật tại một số nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán để xác định cơ quan đầu mối và cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc liên quan đến mại dâm, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bắt giữ tội phạm trong các vụ việc mua bán người vì mục đích mại dâm.

– Giải pháp về tổ chức thực hiện

Các cấp ủy Đảng phải đưa chương trình phòng, chống mại dâm vào văn kiện, nghị quyết và chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống mại dâm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả phòng, chống mại dâm ở địa phương, đơn vị.

Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết về công tác phòng, chống mại dâm, yêu cầu ủy ban nhân dân báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Tăng cường sự chỉ đạo của Chính phủ, ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Ủy ban nhân dân các cấp phải đưa công tác phòng, chống mại dâm là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người. Tập trung chỉ đạo thực hiện ở các khu vực trọng Điểm; ưu tiên nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Duy trì chế độ kiểm tra, đánh giá, sơ kết tổng kết ở các cấp nhằm rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, Điều hành và nhân rộng các mô hình, phương pháp, giải pháp có hiệu quả cao

Kiện toàn Tổ công tác liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp để tham mưu, xây dựng các hoạt động phối họp liên ngành trong tổ chức thực hiện Chương trình. Đảm bảo thực hiện đúng Quyết định số 155/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường chỉ đạo, tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp.

– Giải pháp về nguồn lực

Tập trung kinh phí của Nhà nước để thực hiện các hoạt động trọng Điểm, ưu tiên; khuyến khích sự tham gia, đóng góp nguồn lực của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm, đặc biệt là công tác dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm;

Huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

– Giải pháp hợp tác quốc tế

Tăng cường họp tác quốc tế, chú trọng hợp tác với các nước láng giềng trong công tác phòng, chống mại dâm, mua bán người vì Mục đích mại dâm.

Thực hiện các nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của mại dâm trong phát triển kinh tế – xã hội, học tập, áp đụng các mô hình hiệu quả của quốc tế trong phòng ngừa mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em.

– Giải pháp về tuyên truyền

Huy động sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục về hành vi tình dục an toàn, lối sống chung thủy, lành mạnh cho các nhóm dân cư.

Phối họp hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tình dục an toàn, hạn chế nguy cơ bị mua bán, bị ép buộc làm mại dâm của người lao động khi di cư, tìm kiếm việc làm.

6. Một số mô hình an sinh xã hội với đối tượng mại dâm

– Mô hình hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người mại dâm (tại Thành phố Hồ Chí Minh)

Mục tiêu của mô hình: Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho người bán dâm hoàn lương hoà nhập cộng đồng.

Các hoạt động của mô hình, bao gồm:

  1. Hỗ trợ về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm
  2. Khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  3. Trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ năng sống

– Mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm (tại Khánh Hòa)

Mô hình hỗ trợ sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng: Hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội địa phương

Mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng: Giới thiệu dịch vụ khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, kỹ năng sống, hỗ trợ học nghề

Mô hình giảm hại và phòng, chống lây nhiễm HIV: tư vấn cho người bán dâm khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, tư vấn tâm lý, pháp lý, học nghề và các chính sách pháp luật

– Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng:

Nội dung của mô hình này là xây dựng tiêu chí lựa chọn địa phương thí điểm xây dựng và vận hành mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm (bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất,…). Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ về phương pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ hỗ trợ đối với người bán dâm. Lựa chọn các dịch vụ hỗ trợ phù hợp và thử nghiệm việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng hoặc tại các Trung tâm công tác xã hội.

– Mô hình hỗ trợ người lao động trong các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm

Rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật về điều kiện làm việc và lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; xây dựng khung kỹ thuật (tài liệu hướng dẫn thực hiện) cho mô hình thí điểm hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Xây dựng tiêu chí lựa chọn địa phương thí điểm và tổ chức các hoạt động can thiệp tại địa bàn lựa chọn.

– Mô hình hỗ trợ truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới:

Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ trong việc xây dựng kế hoạch, điều hành hoạt động của nhóm. Tổ chức các hoạt động đối thoại giữa các nhóm với cơ quan thực thi chính sách nhằm tăng cường sự hiểu biết, sự tham gia của các nhóm này trong việc xây dựng chính sách, các chương trình can thiệp cho phù hợp. Thực hiện các chương trình truyền thông, các khóa tập huấn cho các cơ quan liên quan về quyền và trách nhiệm của các bên trong vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với nhóm người bán dâm.